Động thái này là sự kiện quân sự tiếp theo sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Hai tàu chiến hải quân Mỹ đang đi qua vùng biển quốc tế tại eo biển Đài Loan ngày 28.8 là trục hạm Chancellorsville và Antietam.
Hành trình này thường mất từ 8 đến 12 giờ đồng hồ mới hoàn tất, và quân đội Trung Quốc theo dõi rất sát.
Các chuyến đi ngang eo biển Đài Loan của các tàu chiến Mỹ, Anh và Canada trong vài năm gần đây nhằm thực hiện quyền tự do hàng hải, khiến Trung Quốc phẫn nộ.
Eo biển Đài Loan rộng 180 km và ở đoạn hẹp nhất cách vùng biển Đài Loan 40 km. Eo biển hẹp này luôn là điểm nóng quân sự từ khi chính quyền Quốc dân đảng thua trong nội chiến Trung Quốc và phải cháo chạy ra đảo Đài Loan năm 1949.
Hoạt động mới nhất của tàu chiến Mỹ diễn ra sau chuyến thăm Đài Loan hồi đầu tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Bắc Kinh đã phản ứng bằng cuộc tập trận lớn gần đảo Đài Loan và các cuộc diễn tập này diễn ra liên tục.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ, không chấp nhận sự ủng hộ của quốc tế dành cho chính quyền đảo tự trị. Bắc Kinh không loại trừ khả năng đánh chiếm Đài Loan nhằm thống nhất đất nước.
Cùng với các cuộc tập trận, Trung Quốc còn ngưng tiếp xúc với Mỹ trên nhiều lĩnh vực gồm quân sự, triệu tập Đại sứ Mỹ Nicholas Burns để phản đối.
Tiếp sau chuyến thăm của bà Pelosi, một nhóm 5 nghị sĩ Mỹ khác đã thăm Đài Loan, quân đội Trung Quốc lại phản ứng cũng bằng các cuộc tập trận gần Đài Loan.
Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn, một thành viên hai Ủy ban Thương mại và Quân vụ Thượng viện Mỹ đã đến thăm Đài Loan lúc khuya 25.8, như thách thức sức ép từ Bắc Kinh vốn muốn ngăn cản các chuyến thăm này.
Ngày 26.8, khi tiếp bà Blakburn, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn nói Trung Quốc và Nga đang “gây gián đoạn và đe dọa trật tự thế giới”. Trung Quốc thì thực hiện các cuộc tập trận lớn quanh Đài Loan, còn Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nghị sĩ Blackburn, thuộc đảng Cộng hòa và bà Thái cùng nhất trí về tầm quan trọng của quan hệ kinh tế Mỹ-Đài, nhất là ở lĩnh vực bán dẫn với Đài Loan dẫn đầu thế giới, và Mỹ đang đầu tư mạnh cho lĩnh vực này.
Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng có luật quy định cung cấp các phương tiện cho Đài Loan tự phòng vệ.
Mỹ cũng duy trì chính sách chỉ duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh và khẳng định, các chuyến thăm Đài Loan của những chính khách Mỹ đã có từ hàng chục năm nay và sẽ còn tiếp tục tiến hành các chuyến thăm này.