Trong chuyến thăm Trung Quốc, Phó chủ tịch Quốc dân đảng đã bày tỏ lo ngại với quan chức hàng đầu Bắc Kinh về các cuộc tập trận gần đảo tự trị.

Quan chức Quốc dân đảng đến Trung Quốc để ‘xoa dịu’ căng thẳng eo biển Đài Loan?

Hoàng Vũ | 26/08/2022, 11:02

Trong chuyến thăm Trung Quốc, Phó chủ tịch Quốc dân đảng đã bày tỏ lo ngại với quan chức hàng đầu Bắc Kinh về các cuộc tập trận gần đảo tự trị.

Khi Trung Quốc phản ứng trước chuyến thăm Đài Loan gần đây của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bằng các động thái quân sự quy mô lớn nhất trong 26 năm trở lại đây, bao gồm việc triển khai các cuộc tập trận và xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của đảo tự trị, Quốc dân đảng (KMT) - đảng đối lập của Đài Loan đã bày tỏ sự phẫn nộ về hành động của Bắc Kinh.

KMT đã đưa ra một loạt tuyên bố thông qua tài khoản Twitter chính thức, cảnh báo các cuộc tập trận gây tổn hại đến quan hệ hai bờ eo biển và gây mất ổn định khu vực. KMT kêu gọi “toàn bộ thế giới” lên án “các hành vi hiếu chiến”.

Ngoài ra, Ủy ban Văn hóa và Truyền thông của Quốc dân đảng còn khẳng định trong một thông cáo báo chí rằng Đài Loan là "một vùng lãnh thổ có chủ quyền".

Tuy nhiên, việc Phó chủ tịch Quốc dân đảng Hạ Lập Ngôn tới thăm Trung Quốc đã khiến công chúng đảo tự trị dậy sóng. Chuyến thăm của ông Hạ đã bị đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) cầm quyền và một số thành viên trong KMT chỉ trích.

Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan hôm 9.8 nói rằng, đây không phải là thời điểm thích hợp để các đảng viên chính trị đến thăm Trung Quốc. Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu trong một cuộc họp của DPP hôm 10.8 cho rằng, chuyến đi không chỉ khiến người Đài Loan thất vọng mà còn có thể gửi một thông điệp "sai lầm" đến cộng đồng quốc tế.

Về phần mình, Phó chủ tịch Quốc dân Đảng Hạ Lập khẳng định  chuyến thăm này đã được lên kế hoạch trước nhằm tới động viên cộng đồng doanh nghiệp Đài Loan tại Trung Quốc. Tại Côn Sơn, miền đông Trung Quốc hôm 24.8, ông Hạ đã có cuộc gặp với ông Trương Chí Quân - người đứng đầu Hiệp hội Quan hệ Qua eo biển Đài Loan của Trung Quốc - cơ quan gần như chính thức phụ trách quan hệ với Đài Loan.

"Phó chủ tịch Hạ nói rằng ông ấy muốn trao đổi phản ánh của dư luận Đài Loan. Ưu tiên đầu tiên là truyền tải sự bất mãn và lo lắng của người dân Đài Loan về các cuộc tập trận liên tục của quân đội Trung Quốc ở vùng biển xung quanh Đài Loan”, KMT cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp giữa ông Hạ và ông Trương, mô tả cuộc gặp là một cuộc trao đổi ý kiến ​​trung thực và thẳng thắn của cả hai bên.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết, ông Trương, người trước đây là lãnh đạo Văn phòng Các vấn đề Đài Loan, đã nhận định tình hình hiện nay là "căng thẳng và hỗn loạn".

"Các biện pháp đối phó có liên quan mà chúng tôi đã thực hiện là một động thái chính đáng để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, kiềm chế và chống lại chủ nghĩa chia rẽ 'Đài Loan độc lập' và sự can thiệp của nước ngoài", Tân Hoa Xã trích lời ông Trương.

Được biết, Quốc dân đảng theo truyền thống ủng hộ các mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, mặc dù họ đã lên án các cuộc tập trận của Bắc Kinh nhằm phản ứng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Song, theo Yeh-chung Lu, chủ nhiệm Khoa Ngoại giao của Đại học Cheng-chi (Đài Loan), việc KMT chỉ trích các cuộc tập trận của Trung Quốc, không thể đại diện cho thay đổi trong chính sách Trung Quốc của Quốc dân đảng.

Bình luận về chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, người đứng đầu Cơ quan quan hệ quốc tế của Quốc dân đảng, đại diện của KMT tại Mỹ, ông Alexander Huang cho biết, các chính quyền Đài Loan, dưới sự lãnh đạo của KMT trong những năm trước đây cũng đã rất nỗ lực để mời các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Mỹ đến Đài Loan. Tuy nhiên, trong trường hợp của bà Pelosi, ông Huang nói rằng, Quốc dân đảng sẽ xử lý chuyến đi theo cách “ít nhạy cảm hơn” để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng.

“Chúng tôi sẽ cùng làm việc với chính phủ Mỹ về những tác động có thể có đối với lợi ích song phương và sau đó thông báo cho Washington rằng chúng tôi cần phải nỗ lực (thông qua các kênh liên lạc xuyên eo biển) để nhấn mạnh cho Bắc Kinh biết rằng, chúng tôi xem bà Pelosi chỉ là đại diện cao nhất của người dân Mỹ - mà ít tập trung hơn vào vị trí chính trị của bà”, ông Huang nói.

“Một chính quyền Đài Loan nếu được quản lý bởi KMT sẽ chào đón bà Pelosi như một người bạn từ một nền dân chủ, và xoa dịu sự lo lắng của Bắc Kinh bằng cách tái khẳng định cam kết của đảng đối với Đồng thuận năm 1992", Huang nói thêm và nhấn mạnh rằng, Đài Loan có lợi ích trong việc nối lại các kênh liên lạc với Trung Quốc để giảm căng thẳng và ngăn chặn khủng hoảng.

Các cuộc trao đổi chính thức giữa Bắc Kinh và Đài Bắc bị tạm dừng kể từ khi bà Thái Anh Văn, thuộc đảng Dân chủ tiến bộ (DPP), được bầu làm lãnh đạo Đài Loan hồi năm 2016 và không chấp nhận Đồng thuận năm 1992 vốn là nền tảng cho quan hệ song phương.

Theo Đồng thuận năm 1992, chỉ có “một Trung Quốc” nhưng hai bên có cách giải thích khác nhau về khái niệm này.

Trung Quốc kể từ đó đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự xung quan đảo tự trị cũng như các nỗ lực cô lập ngoại giao nhằm siết chặt không gian quốc tế của Đài Loan. Bất chấp nhiều nỗ lực của bà Thái trong việc mở lại đường dây liên lạc, Bắc Kinh chỉ coi “Đồng thuận năm 1992” là điều kiện tiên quyết để nối lại các cuộc đàm phán.

Quan hệ Mỹ - Quốc dân đảng

Mối quan hệ của Quốc dân đảng với Washington đã đình trệ kể từ khi nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu cầm quyền từ năm 2008 đến 2016. Hai đời chủ tịch KMT sau đó là Ngô Đôn Nghĩa và Giang Khải Thần cũng không làm khởi sắc được quan hệ với Mỹ. Thậm chí, ông Giang Khải Thần đã làm căng thẳng hơn nữa hình ảnh của Quốc dân đảng với Washington khi nỗ lực ngăn việc mở cửa cho thịt heo Mỹ chứa chất tăng nạc ractopamine, đe dọa thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ - đồng minh quan trọng của Đài Bắc.

Tuy vậy, Chủ tịch KMT hiện tại là Chu Lập Luân đang cố gắng bù đắp quan hệ với Washington. Vào tháng 6 năm nay, Quốc dân đảng đã mở lại một văn phòng liên lạc ở thủ đô Washington (Mỹ) sau 14 năm đóng cửa.

Alexander Huang, người đứng đầu văn phòng liên lạc của KMT tại Washington cho biết các thành viên trong Quốc dân đảng đang “đổ bộ” xuống đường phố ở Washington và “mở rộng phạm vi tiếp cận của KMT” ở các thành phố lớn như New York, Los Angeles, San Francisco và Houston.

“Văn phòng của chúng tôi có liên hệ với các bên liên quan quan trọng trong chính phủ Mỹ, các thành viên quốc hội cũng như các chuyên gia trong các nhóm nghiên cứu chính sách lớn. Nhiều hoạt động khác nhau đang được lên kế hoạch, chẳng hạn như trại hè và hội thảo cho thanh niên Mỹ”, ông Huang nói.

Ông Chu cũng đã bắt đầu một sứ mệnh quan hệ công chúng kéo dài 12 ngày tới Mỹ hồi tháng 6, nơi ông tuyên bố Quốc dân đảng “ủng hộ Mỹ” và "ủng hộ dân chủ" cũng như gặp gỡ các quan chức an ninh quốc gia Mỹ, các tổ chức tư vấn và các nhà lập pháp.

"Chúng tôi ở đây. Chúng tôi đã trở lại. Lập trường thân Mỹ của Quốc dân đảng chưa bao giờ thay đổi kể từ khi thành lập đảng. Quốc dân đảng không chỉ thân thiện với Hoa Kỳ mà còn có khả năng giao tiếp và phối hợp nhiều hơn về các mối quan hệ xuyên eo biển để tránh chiến tranh”, người đứng đầu KMT cho biết.

Theo chuyên gia Yeh-chung Lu, việc Quốc dân đảng được mô tả là đảng “ủng hộ Trung Quốc” trong bối cảnh chính trị hiện nay sẽ dần trở nên “không còn phù hợp”, nhưng cũng có những rủi ro cố hữu khi KMT đặt cược vào quan hệ với Washington.

Bên cạnh đó, ông Lu cũng cho biết các thành viên Quốc dân đảng theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn đã phản đối việc xoay trục về phía Mỹ và coi việc này sẽ lặp lại “sai lầm” của đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) cầm quyền khi có thể làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan chức Quốc dân đảng đến Trung Quốc để ‘xoa dịu’ căng thẳng eo biển Đài Loan?