Một tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân của Trung Quốc bị hải quân Nhật Bản phát hiện, cho thấy chiếc tàu ngầm bị lộ vì "quá ồn", theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời các chuyên gia quân sự.

Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc dễ bị phát hiện vì ‘quá ồn’

Cẩm Bình | 29/01/2018, 18:52

Một tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân của Trung Quốc bị hải quân Nhật Bản phát hiện, cho thấy chiếc tàu ngầm bị lộ vì "quá ồn", theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời các chuyên gia quân sự.

Ngày 12.1, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Type -093, lớp Thương gắn cờ Trung Quốc đã trồi lên mặt nước ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Senkaku mà Nhật tranh chấp với Trung Quốc.

Phía Bộ Quốc phòng Trung Quốc không cung cấp thông tin gì về vụ việc này. Những gì được biết đến là tàu ngầm này đã tiến vào khu vực cách quần đảo Senkaku chưa đầy 24 hải lý. Đây là lần đầu tiên có tàu ngầm Trung Quốc áp sát Senkaku đến vậy. Giới chuyên gia đánh giá đây là động thái nhằm thể hiện chủ quyền quần đảo Điếu Ngư, như cách gọi của Trung Quốc khi tuyên bố chủ quyền quần đảo này.

Bộ Quốc phòng Nhật cho hay tàu và máy bay săn ngầm của Tokyo đã theo dõi chiếc 093 kể từ ngày 10.1, hai ngày trước khi tàu nổi lên. Theo các chuyên gia quân sự, việc để bị phát hiện sớm như vậy cho thấy tàu ngầm này không hoạt động “êm” như mong đợi.

Theo một báo cáo năm 2017 của Quốc hội Mỹ, tàu ngầm tấn công hạt nhân của Trung Quốc đã được đưa vào hoạt động từ năm 2006. Hai chiếc 093 đã được sản xuất vào những năm 2000, và ít nhất hai chiếc là phiên bản mới của 093 cũng đã được biên chế vào năm 2016.

Tokyo không cho biết tàu ngầm Trung Quốc vừa bị phát hiện là tàu đời đầu hay bản nâng cấp, nhưng các chuyên gia đoán rằng nó là phiên bản mới. Tàu có hệ thống phóng thẳng đứng cho tên lửa hành trình YJ-18, được đánh giá ngang hàng với tàu ngầm lớp Los Angeles của Washington, hay ít nhất cũng hoạt động “êm” hơn tàu tiền nhiệm 091, lớp Hán.

Tàu ngầm 093 trong một lần đi qua Ấn Độ Dương - Ảnh: Baidu

Một nguồn tin quân sự giấu tên ở Bắc Kinh cho biết tàu ngầm 093 bị phát hiện là do hoạt động quá ồn. Nguồn tin đánh giá đây là sỉ nhục với hải quân Trung Quốc.

Nhưng nhà bình luận Chu Thần Minh cho rằng vụ này chỉ phản ánh năng lực chống tàu ngầm tốt của Nhật Bản, do được Mỹ hậu thuẫn về công nghệ. Ông đánh giá sau vụ này, Trung Quốc sẽ có động lực sản xuất tàu ngầm hoạt động tốt hơn.

Tuy nhiên, một tàu ngầm hạt nhân vốn có thể hoạt động dưới nước hàng tháng trời lại nổi lên trước mặt hải quân nước khác là một điều bất thường. Ông Lý Kiệt, nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Học thuật quân sự Hải quân tại Bắc Kinh, cho biết: “Tàu ngầm một khi bị lộ diện và âm thanh hoạt động đặc trưng bị ghi nhận thì sẽ rất bất lợi”.

Năm 2004, tàu ngầm 091 cũng bị phát hiện khi cố xâm nhập khu vực mà tàu 093 đi vào gần đây. Tuy vậy, dù bị tàu và máy bay Nhật theo dõi suốt đường đi, nhưng 091 vẫn lặn dưới biển cho đến khi vào vùng biển Trung Quốc.

Ông Hoàng Đông (Anthony Wong Dong), chuyên gia quân sự tại Macau, tin rằng tàu ngầm 093 bị buộc phải nổi lên, và hải quân Trung Quốc “quá kém cỏi” khi để các tính năng của tàu bị thấy và chụp ảnh lại.

Chuyên gia Hoàng cũng bác bỏ tuyên bố 093 nổi lên và phất cờ Trung Quốc để khẳng định chủ quyền, khi lúc đó tàu ở vùng biển quốc tế.

Nhưng nhà nghiên cứu Lý lại cho rằng có khả năng tàu nổi lên để liên lạc được tốt hơn, để định vị hoặc gặp sự cố kĩ thuật.

Hải quân Trung Quốc có tham vọng mở rộng hạm đội tàu ngầm lên con số 6. Nước này cũng dự kiến đến những năm 2020 sẽ cho ra mắt tàu ngầm 095 được hy vọng hoạt động “êm” hơn các tàu thế hệ trước.

Cẩm Bình (theo SCMP)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc dễ bị phát hiện vì ‘quá ồn’