Tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 của Trung Quốc đã đi vào quỹ đạo sao Hỏa hôm 10.2 sau hành trình gần 7 tháng từ Trái đất.

Tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 của Trung Quốc tới quỹ đạo sao Hỏa

Long Hải | 11/02/2021, 09:55

Tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 của Trung Quốc đã đi vào quỹ đạo sao Hỏa hôm 10.2 sau hành trình gần 7 tháng từ Trái đất.

tau-thien-van-1.jpg
Tàu Thiên Vấn 1 trong không gian vào ngày 1.10.2020 - Ảnh: CNSA

Cơ quan Quản lý Không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết, động cơ 3000N của Thiên Vấn 1 đã tự động kích hoạt vào lúc 19 giờ 52 (giờ địa phương) để giảm tốc độ của tàu. Sau 15 phút, con tàu đi vào quỹ đạo hình elip của sao Hỏa với khoảng cách gần nhất với bề mặt hành tinh là khoảng 400 km.

Thiên Vấn 1 là sứ mệnh sao Hỏa độc lập đầu tiên của Trung Quốc, bao gồm một tàu quỹ đạo, hệ thống đổ bộ và robot thăm dò. Con tàu đã bay trong không gian 202 ngày và thực hiện tổng cộng 4 lần hiệu chỉnh quỹ đạo. Kể từ khi được phóng lên bởi tên lửa Trường Chinh 5 vào tháng 3.2020, Thiên Vấn 1 đã di chuyển quãng đường 475 triệu km và cách Trái đất 192 triệu km khi đến quỹ đạo sao Hỏa.

Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công cuộc chinh phục không gian của Trung Quốc, đưa nước này trở thành cái tên thứ 6 tiếp cận thành công quỹ đạo của hành tinh đỏ sau NASA, Liên Xô, Cơ quan Vũ trụ châu Âu, Ấn Độ và UAE.

sao_hoa.jpg
Ba tàu vũ trụ Hope (UAE), Thiên Vấn 1 (Trung Quốc) và Perseverance (Mỹ) sẽ cùng đến sao Hỏa trong tháng 2 này

Trong khi tàu Hope của UAE (tới sao Hỏa hôm 9.2) chỉ được thiết lập để hoạt động trên quỹ đạo của hành tinh, tàu Thiên Vấn 1 của Trung Quốc sẽ dành vài tháng để quét bề mặt hành tinh và tinh chỉnh các thiết lập cần thiết trước khi tàu đổ bộ hạ cánh xuống phần phía nam của sao Hỏa, dự kiến vào tháng 5 hoặc tháng 6.2021.

Mục tiêu cuối cùng của sứ mệnh là triển khai robot thăm dò để thực hiện các cuộc khảo sát khoa học tại khu vực Utopia Planitia, một đồng bằng rộng lớn trong lòng chảo Utopia. Đây cũng là hố va chạm lớn nhất trong hệ Mặt trời với đường kính ước tính lên tới 3.300 km.

Thiên Vấn 1 chỉ là nhiệm vụ mở đầu của Trung Quốc trên sao Hỏa. Quốc gia này đặt mục tiêu đưa các mẫu vật chất nguyên sơ của sao Hỏa trở lại Trái đất vào năm 2030. Các mẫu vật chất này sẽ giúp Trung Quốc tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa và manh mối về sự chuyển đổi của sao Hỏa từ một hành tinh tương đối ấm, ẩm ướt sang thế giới sa mạc lạnh giá như ngày nay.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng có tham vọng tương tự. Mặc dù đến nơi muộn nhất nhưng tàu Perseverance của NASA lại là phương tiện duy nhất đáp xuống sao Hỏa ngay trong tháng này. Dự kiến Perseverance sẽ hạ cánh xuống miệng núi lửa Jezero của hành tinh đỏ vào ngày 18.2. NASA cũng đã nhiều lần đưa robot đáp xuống bề mặt hành tinh đỏ thành công.

Bài liên quan
Cuộc chiến 'công nghệ xa xỉ' ở Trung Quốc khi ô tô điện ngày càng thông minh và rẻ
Cuộc chiến giành sự chú ý của người tiêu dùng trên thị trường ô tô điện của Trung Quốc đang diễn ra gay gắt với những "công nghệ xa xỉ" mà người mua ô tô ở nước khác chưa từng thấy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 của Trung Quốc tới quỹ đạo sao Hỏa