Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc ban hành lệnh cấm xe ô tô cá nhân trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí do bụi mịn bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micrometer (PM2.5) nếu lượng PM2.5 vượt quá mức 100 microgram/m3, tức gấp đôi ngưỡng an toàn.

Thái Lan có thể cấm hẳn ô tô cá nhân để giảm ô nhiễm không khí

22/01/2020, 13:58

Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc ban hành lệnh cấm xe ô tô cá nhân trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí do bụi mịn bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micrometer (PM2.5) nếu lượng PM2.5 vượt quá mức 100 microgram/m3, tức gấp đôi ngưỡng an toàn.

Ảnh minh họa từ Internet

Mục tiêu tiếp theo sẽ là ô tô cá nhân

Biện pháp cấm xe ô tô cá nhân nghiêm ngặt nói trên được Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nêu ra sau cuộc họp ở tỉnh Narathiwat, theo đó chỉ các dịch vụ giao thông công cộng mới được phép hoạt động trên đường khi có lệnh cấm. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ chỉ được áp dụng trên cơ sở từng trường hợp để tránh tác động tiêu cực không cần thiết.

Theo Thủ tướng Prayut, khí thải từ các phương tiện giao thông là nguồn chủ yếu phát tán PM2.5, sau đó là tình trạng đốt chất thải nông nghiệp và khí thải công nghiệp. Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu vạch ra một kế hoạch tổng thể lâu dài nhằm xử lý ô nhiễm, trong đó bao gồm cả phát triển mạng lưới đường sắt chạy điện và thay thế các xe buýt động cơ diesel bằng xe điện.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Varawut Silpa-archa cho biết, nếu các biện pháp chống xe tải xả khói đen không đủ để xử lý vấn đề, các xe ô tô cá nhân có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo vì có tới 72% lượng bụi mịn PM2.5 là từ khí thải giao thông.

Từ đầu tháng 1.2020, nhiều vùng ở Thái Lan, đặc biệt là thủ đô Bangkok, đã bị bao trùm trong sương mù bụi mịn PM 2.5. Theo Cục Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan (PCD), tính đến 18h ngày 21.1, lượng PM2.5 dao động ở mức 71-86 microgram/m3 tại một số khu vực ở Bangkok, trong khi mức độ cao nhất toàn quốc là 99 microgram/m3 được ghi nhận tại xã Na Phralan thuộc huyện Chaloem Phrakiat ở tỉnh Saraburi.

Tại thủ đô Bangkok, giao thông là nguồn gây ô nhiễm chủ yếu, chiếm tới 72,5% lượng bụi trong thành phố, sau đó là các nhà máy (17%).

Trong số này, xe tải được cho là những thủ phạm lớn nhất. Tính đến tháng 8.2019, Bangkok có 10,5 triệu xe ô tô đăng ký với Cục Đường bộ, trong khi còn rất nhiều người lái xe từ tỉnh nơi họ sinh sống tới thành phố làm việc.

Cảnh sát và thanh tra Cục Giao thông đường bộ được lệnh phối hợp tăng cường kiểm tra nồng độ khí thải của phương tiện cơ giới và có quyền cấm lưu thông nếu phát hiện phương tiện xả thải vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt là xả ra bụi mịn PM2.5. Phương tiện cơ giới sẽ chỉ được tham gia giao thông nếu được sửa chữa hoặc thay thế.

Chủ tịch Hội đồng các kỹ sư Thái Lan Suchatvee Suwansawat kiến nghị chính phủ nên phát triển một ứng dụng để cảnh báo người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm PM2.5 và nhắc họ đeo khẩu trang ở những địa điểm đó để giảm bớt nguy cơ đối với sức khỏe.

Về biện pháp lâu dài để xử lý vấn đề, ông Suchatvee cho rằng chính phủ nên giảm thuế để khuyến khích các nhà máy giảm gây ô nhiễm tại những địa điểm sản xuất, đồng thời đánh thuế cao hơn đối với những xe cũ xả khói đen.

Người dân Thái chưa hài lòng

Kết quả thăm dò dư luận do Viện quản lý phát triển quốc gia (NIDA) thực hiện công bố ngày 19.1 cho thấy, có 81,06% số người trả lời đánh giá rằng các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm giải quyết tình trạng khói mù bụi mịn bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micrometre (PM2.5) bao trùm nhiều khu vực của thủ đô trong thời gian qua không hiệu quả.

Trong số đó, có 40,84% nói rằng những cơ quan nhà nước không xử lý hiệu quả là vì họ thiếu các biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề như áp đặt kiểm soát nghiêm khắc đối với các công trình xây dựng, phương tiện xả khói đen hoặc những thủ phạm gây ô nhiễm khác, trong khi 36,22% cho rằng các cơ quan chính phủ hoàn toàn không hiệu quả trong từng bộ phận.

Khi được hỏi bản thân họ đã làm gì để giúp giảm bớt bụi, 30,57% trả lời họ dùng phương tiện công cộng thay vì sử dụng xe cá nhân; 24,20% nói họ phun nước xung quanh nhà; 23,09% ngừng đốt rác, lá cây và các vật liệu khác; 21,66% không làm gì; 16,96% tắt động cơ bất cứ khi nào dừng xe; 8,2% hạn chế thắp hương; 7,48% đưa xe hơi đi sửa để giảm khói đen; 2,23% ngừng tất cả các hình thức xây dựng; và 3,5% sử dụng xe máy hoặc đi bộ thay vì dùng ô tô hoặc chuyển từ xe chạy diesel sang xe dùng xăng sinh học như E20.

Cuộc thăm dò được thực hiện đối với 1.256 cư dân Bangkok thuộc những thành phần có trình độ giáo dục và nghề nghiệp khác nhau từ ngày 15-16.1 vừa qua để thu thập ý kiến của họ đánh giá hiệu quả xử lý vấn đề PM2.5 của các cơ quan nhà nước xử lý.

Quy trình trong xử lý tình trạng ô nhiễm không khí trên toàn Thái Lan

Khi lượng bụi mịn PM2.5 ở ngưỡng an toàn tối đa cho phép là 50 microgram/m3, tất cả các cơ quan liên quan sẽ tăng cường sàng lọc các nguồn phát tán bụi, kể cả những phương tiện giao thông xả khói đen.

Trong những khu vực có lượng PM2.5 trong khoảng 50-70 microgram/m3, tỉnh trưởng là người chịu trách nhiệm xử lý các nguồn chính gây ô nhiễm. Tại những khu vực có nồng độ PM2.5 ở mức 75-100 microgram/m3, tỉnh trưởng sẽ phải thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt hơn như cấm các xe tải hạng nặng vào một số khu vực trung tâm của tỉnh trong những thời gian nhất định.

Trong trường hợp lượng PM2.5 vượt quá ngưỡng 100 microgram/m3, chính phủ sẽ nắm quyền kiểm soát và có thể áp dụng những quy định nghiêm ngặt hơn mà sẽ gây tác động đến tất cả mọi người.

T.Anh tổng hợp từ TTXVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thái Lan có thể cấm hẳn ô tô cá nhân để giảm ô nhiễm không khí