Dù năm mới 2017 mới chỉ bắt đầu được nửa tháng, nhưng những số liệu công bố mới nhất đang cho thấy một bức tranh khá ảm đạm về nền kinh tế Trung Quốc bất kể mức tăng trưởng GDP 6,7-6,8% mà nước này dự kiến đạt được trong năm 2016.

Thặng dư thương mại Trung Quốc sụt giảm mạnh: Đề xuất trừng phạt của Donald Trump có còn cần thiết?

Nhàn Đàm | 15/01/2017, 10:37

Dù năm mới 2017 mới chỉ bắt đầu được nửa tháng, nhưng những số liệu công bố mới nhất đang cho thấy một bức tranh khá ảm đạm về nền kinh tế Trung Quốc bất kể mức tăng trưởng GDP 6,7-6,8% mà nước này dự kiến đạt được trong năm 2016.

Sau sự ảm đạm của lĩnh vực tài chính-tỷ giá, đến lượt ngành thương mại của Trung Quốc có dấu hiệu bất ổn khi thặng dư thương mại khổng lồ của nước này sụt giảm mạnh trong cả năm 2016.

Theo tính toán của hãng tin Bloomberg dựa trên số liệu xuất nhập khẩu hải quan, thặng dư thương mại của Trung Quốc trong năm 2016 đã sụt giảm tới 14% - lần giảm đầu tiên và có mức độ lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tân tổng thống Donald Trump đã đe dọa rằng nếu cán cân thương mại Mỹ-Trung không được cải thiện theo hướng giảm thâm hụt nghiêm trọng về phía Mỹ, thì ông sẽ buộc phải đề xuất trừng phạt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng giờ đây liệu nó có còn cần thiết?

Chắc chắn rằng 2016 sẽ không phải là một năm vui vẻ đối với nền kinh tế Trung Quốc, khi hàng loạt các lĩnh vực chủ chốt của kinh tế nước này đều gặp khá nhiều vận hạn. Trước hết là trong lĩnh vực tài chính-tỷ giá: trong năm 2016 đồng nhân dân tệ đã sụt giá tổng cộng 6,5% so với đồng USD – mức sụt giảm mạnh nhất trong cả thập kỷ gần đây.

Chính sự biến động tỷ giá nghiêm trọng này đã khiến quỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng 3.010 tỉ USD so với mức kỷ lục 4.100 tỉ USD vào năm 2014, mà phần lớn trong đó là kết quả của việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc phải bán ngoại tệ để hãm bớt đà sụt giá chóng mặt của nhân dân tệ.

Kể từ năm 2014, tính trung bình mỗi năm Trung Quốc đang phải bỏ ra khoảng 340 tỉ USD để ổn định tỷ giá, khi thặng dư tài khoản vãng lai của nước này hàng năm chỉ đạt khoảng 250 tỉ USD còn tổng số vốn chảy ra khỏi Trung Quốc lên tới 550-650 tỉ USD/năm. Thậm chí đã có một số nhà kinh tế đề cập đến kịch bản Bắc Kinh thả nổi đồng nhân dân tệ để tránh nguy cơ quỹ dự trữ bị bào mòn quá nhanh có thể gây nguy hiểm đến nền kinh tế.

Một lĩnh vực chủ chốt khác của kinh tế Trung Quốc là thương mại-xuất khẩu cũng không khả quan hơn là mấy. Số liệu thống kê của hãng tin Bloomberg cho thấy thặng dư thương mại của Trung Quốc trong năm 2016 đã sụt giảm nghiêm trọng, đạt mức 14% so với năm 2015, chỉ còn đạt khoảng 512 tỉ USD mà thôi. Mức sụt giảm này có thể vượt ra khỏi dự đoán của hầu hết các chuyên gia kinh tế, dù đã được dự đoán từ trước do kinh tế thế giới trì trệ ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của Trung Quốc.

Theo ông Zhu Haibin, nhà kinh tế trưởng của JPMorgan Chase&Co Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kông, thì: “Xuất khẩu của Trung Quốc đang mất dần sức cạnh tranh. Thặng dư thu hẹp là do giá dầu tăng cao và chi phí sản xuất ở Trung Quốc ngày càng cao hơn, và nó sẽ còn tiếp tục giảm mạnh nữa trong năm 2017”.

Trong khi đó, phát ngôn viên của ngành hải quan Trung Quốc Huang Songping thì cho biết: “Brexit, tân tổng thống Mỹ mới đắc cử, các cuộc bầu cử tại châu Âu và Hàn Quốc đang dẫn tới những biến động nhất định, và có thể làm tăng thêm xu hướng bảo hộ trên toàn cầu. Ngoài ra, chi phí sản xuất tăng cao đang làm giảm lợi thế thương mại và mất dần thị phần của Trung Quốc vào tay các nước Đông Nam Á”.

Ngoài ra, chính sách chuyển đổi mô hình tăng trưởng dần từ xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa có lẽ cũng tác động tiêu cực đến thặng dư thương mại của Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 12.2016 đã giảm tháng thứ 9 liên tiếp, giảm khoảng 6,1% so với cùng kỳ 2015, trong khi đó nhập khẩu lại tăng thêm 3,1%, khiến cho tháng 12 là một trong những tháng Trung Quốc có thặng dư thương mại thấp nhất trong năm, chỉ đạt khoảng 40 tỉ USD.

Tuy nhiên, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ lại chỉ sụt giảm rất ít. Theo số liệu thống kê, dù tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc trên toàn cầu trong năm 2016 sụt giảm tới 14%, thì mức sụt giảm với Mỹ lại không đáng kể, chỉ đạt 6 tỉ USD từ mức thặng dư 260 tỉ USD năm 2015 xuống còn 254 tỉ USD trong năm 2016.

Thặng dư thương mại với Mỹ cũng chiếm một nửa tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc với toàn cầu trong năm 2016, đạt khoảng 512 tỉ USD. Nói cách khác, Mỹ vẫn đang là thị trường tiêu thụ lớn nhất hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, bất chấp việc nền kinh tế số hai thế giới đang ngày càng mất nhiều thị phần trên toàn cầu.

Điều đáng chú ý là trong năm 2016 tỷ giá nhân dân tệ/USD đã sụt giảm rất mạnh, lên tới 6,5%, và điều này vô tình lại củng cố lập luận của tân tổng thống Donald Trump, rằng chính tỷ giá yếu là nguyên nhân khiến mức thâm hụt thương mại mà Mỹ phải gánh chịu từ Trung Quốc không giảm tương ứng so với các nền kinh tế khác trên thế giới.

Những số liệu thống kê về thặng dư thương mại của Trung Quốc trong năm 2016 này có thể sẽ khiến ông Donald Trump có thêm lý do nhằm tiến hành các biện pháp trừng phạt nước này mà ông đã đe dọa, điển hình là việc đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 45%.

Theo Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Intelligence khu vực châu Á có trụ sở tại Bắc Kinh, thì nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa trên, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2017 sẽ sụt giảm rất mạnh, chỉ còn khoảng 5,6% so với mức dự báo 6,5-7%.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thặng dư thương mại Trung Quốc sụt giảm mạnh: Đề xuất trừng phạt của Donald Trump có còn cần thiết?