Thành phố Joshimath có nguy cơ bị xóa sổ do việc xây dựng các công trình khách sạn lớn và các đập thủy điện nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế vùng.

Thành phố linh thiêng của Ấn Độ đối mặt nguy cơ bị xóa sổ

Bảo Vĩnh | 04/03/2023, 16:30

Thành phố Joshimath có nguy cơ bị xóa sổ do việc xây dựng các công trình khách sạn lớn và các đập thủy điện nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế vùng.

india-6.jpg
Một khách sạn bị nghiêng và nứt tại Joshimath - Ảnh: AP

Joshimath là một điểm hành hương linh thiêng đối với tín đồ đạo Hindu và đạo Sikh ở Ấn Độ. Tuy nhiên, nơi này đã trở thành “một quả bom hẹn giờ”, vì từ nhiều tháng qua nhà cửa bị lún dần, các khách sạn nhiều tầng bị nghiêng và những con đường bị nứt... Hơn 860 căn nhà không thể ở được do các vết nứt sâu trên mái, tường và sàn nhà.

“Những vết nứt rộng thêm từng ngày khiến người dân thành phố lo lắng. Từ nhiều năm qua, chúng tôi đã nói đây là một thảm họa đang hình thành. Đó là một quả bom hẹn giờ”, theo lời Atul Sati, một thành viên Ủy ban Bảo tồn Joshimath.

india-5.jpg
Nhiều vết nứt sâu trong một ngôi nhà ở Joshimath - Ảnh: AP

Việc xây dựng tràn lan khiến tình trạng sụt lún thêm trầm trọng

Joshimath nằm tại bang miền núi Uttarakhand trên dãy Himalaya phủ tuyết. Những công trình tại đây được xây dựng trên nền đất không chắc chắn sau nhiều năm thành phố bị lở đất và động đất.

Từ hàng chục năm trước, các nhà khoa học đã cảnh báo thành phố này không thể chịu nổi các công trình xây dựng nặng nề. Lớp đất mặt tơi xốp và đá mềm của thành phố chỉ có thể chịu phần nào trọng lượng của các công trình xây dựng, nhưng mức độ ấy đã bị vượt qua, theo nhà bảo vệ môi trường Vimlendu Jha.

Ông nói: “Bạn không thể xây thứ gì tại bất kỳ đâu chỉ vì đã được cấp phép. Trong ngắn hạn, bạn có thể nghĩ đó là sự phát triển, nhưng xét về dài hạn thì đó là cuộc tàn phá”.

india-4.jpg
Công nhân đục phá các ngôi nhà bị nghiêng và có nguy cơ sập - Ảnh: AP

Các chuyên gia nói tương lai của Joshimath đang bị đe dọa, một phần là do đảng cầm quyền thúc đẩy mảng du lịch tâm linh ở bang Uttarakhand.

Nằm ở độ cao 1.890 mét so với mực nước biển, Joshimath được cho là có sức mạnh tâm linh đặc biệt, là nơi nhà hiền triết của đạo Hindu - Adi Shankaracharya giác ngộ vào thế kỷ thứ 8 trước khi thành lập 4 tu viện trên khắp Ấn Độ, trong đó có một tu viện ở Joshimath.

Tu sĩ Brahmachari Mukundanand gọi Joshimath là “bộ não của vùng Bắc Ấn”, nói: “Phải cứu lấy thành phố này. Cơ thể chúng ta có thể vẫn hoạt động dù tay hoặc chân bị cắt đứt. Nhưng nếu bất kỳ điều gì xảy ra cho bộ não thì chúng ta không thể hoạt động. Sự tồn vong của thành phố này là cực kỳ quan trọng”.  

india-hydropower-reuters.jpg
Những vết nứt dưới sàn một nhà dân ở Joshimath - Ảnh: AP

Ít nhất 240 hộ gia đình phải di dời đến nơi khác và không biết bao giờ mới có thể trở về. Prabha Sati từng hoảng loạn chạy khỏi Joshimath hồi tháng 2 khi nhà của bà bắt đầu bị nứt và nghiêng. Bà đã quay về để lấy TV, các tượng thần và vài đôi giày trước khi cơ quan chức năng san bằng căn nhà.

Bà vừa khóc vừa kể: “Chúng tôi xây căn nhà này với nhiều khó khăn, nhưng nay phải bỏ hết tất cả. Ngôi nhà sẽ bị đập tan thành những mảnh nhỏ”.

india-3.jpg
Hai người dân khóc vì phải rời khỏi nhà - Ảnh: AP

Nguy cơ từ việc phát triển quá mức để phục vụ du lịch tâm linh

Việc xây dựng ồ ạt các công trình tiếp nhận khách du lịch cùng việc tăng tốc thực hiện các dự án thủy điện trong vùng cũng làm tình trạng sụt lún càng thêm nghiêm trọng.

Phớt lờ các cảnh báo của các nhà khoa học, chính quyền tiếp tục thúc đẩy các dự án tốn kém trong vùng, gồm một loạt nhà máy thủy điện và một tuyến cao tốc dài nhằm kích cầu du lịch tâm linh, vốn là một chủ trương lớn của đảng Bharatiya Janata (BJP) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Năm 2021, ông Modi hứa “bang Uttarakhand sẽ có 10 năm thịnh vượng, dòng khách du lịch sẽ đông hơn so với số khách từng có trong 100 năm qua”.

Việc xây những ngôi đền thiêng cùng công tác cải tạo cơ sở hạ tầng của bang đã giúp tăng dòng khách hành hương. Theo thống kê từ giới chức địa phương, đã có gần 500.000 lượt khách hành hương đến Joshimath hồi năm 2019.

Tuyến đường hành hương Char Dham là nơi thu hút du khách đến bang Uttarakhand nhiều nhất. Đây cũng là một tuyến đường nguy hiểm nhất ở Ấn Độ, đưa du khách vượt qua một địa hình trắc trở, thiếu oxy và thời tiết khắc nghiệt trước khi đến được 4 ngôi đền Badrinath, Gangotri, Kedarnath và Yamunotri.

Ngay bên dưới điểm hành hương này là dự án cao tốc Char Dham rộng 10 mét và dài 889 km để du khách thực hiện chuyến hành hương, cùng với tuyến đường sắt 327 km chạy quanh các ngọn núi.

Hồi năm 2022, đã có 200 trong 250.000 tín đồ hành hương thiệt mạng khi thực hiện hành trình này. Chính quyền nói số du khách tăng đã khiến cơ sở hạ tầng bị quá tải.

india-2.jpg
Công trường xây tuyến cao tốc nhằm phát triển kinh tế vùng - Ảnh: AP

Đây là một dự án gây tranh cãi khi một số chuyên gia cho rằng nó sẽ làm trầm trọng thêm tình hình mong manh ở thượng nguồn dãy Himalaya, nơi một số thị trấn được xây dựng trên các mảnh vụn lở đất.

Nhà môi trường kỳ cựu Ravi Chopra gọi dự án là một sự xúc phạm khi ông từ chức khỏi ủy ban nghiên cứu tác động của nó theo lệnh của tòa án. Theo ông, để tạo ra những con đường rộng như vậy, các kỹ sư sẽ cần đập vỡ những tảng đá, chặt cây và điều này sẽ làm suy yếu các sườn dốc, khiến chúng “dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai hơn”.

Chuyên gia quy hoạch đô thị Kiran Shinde gợi ý thực hiện một hành lang đi bộ để thay thế, lưu ý những nơi này không thể chứa quá nhiều xe hoặc đám đông hàng trăm nghìn người.

Shinde, một giáo sư ở Đại học La Trobe (Úc), khẳng định tuyến cao tốc là một trong những thảm họa sẽ xảy ra cho vùng Char Dham. Ông nói thẳng: “Chỉ nên để người ta đi bộ thôi”.

Dưới chân các ngọn đồi của Joshimath, việc xây một con đường cho dự án Char Dham nhằm có thể nhanh chóng đưa người hành hương lên đền Badrinath đã phải dừng lại, sau khi xuất hiện các vết nứt trong nhà dân.

Người dân địa phương sợ rằng việc này đã quá muộn. Một vết nứt dài chạy ngang qua một trong những bức tường phía trước của tu viện Adi Shankaracharya nổi tiếng đã sâu thêm một cách đáng lo ngại trong những tuần gần đây, theo tu sĩ Vishnu Priyanand.

Dự án thủy điện đẩy Joshimath đến bờ vực bị xóa sổ

Không chỉ tuyến đường cao tốc mới gây lo ngại. Trong 17 năm qua, Atul Sati, thành viên Ủy ban Cứu Joshimath đã tin sẽ có ngày một đập thủy điện sẽ phá tan thành phố. Sati nói: “Chỉ vì dự án này, thành phố của chúng tôi đang bị đứng bên bờ vực bị phá tan tành”.

Hồi cuối tháng 1.2023, hàng trăm cư dân đã biểu tình phản đối dự án thủy điện Tapovan gần thành phố Joshimath của Tập đoàn Nhiệt điện Quốc gia (NTPC). Cư dân địa phương nói việc nổ mìn để xây một tuyến đường hầm cho trạm này đã khiến nhà của họ bị sập.

Công trình bị ngưng nhưng các quan chức NTPC phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào đối với việc Joshimath bị lún nặng. Một ủy ban vẫn đang điều tra vụ việc, nhưng trước đó các quan chức đổ tội cho hệ thống cống xả bị lỗi.

Chính quyền bang đã tuyên bố một gói cứu trợ tạm thời, gồm đền bù 150.000 rupee cho mỗi gia đình bị ảnh hưởng. Các cơ quan chính phủ cũng đang khảo sát nhằm xác minh nguyên nhân.

india-7.jpg
Người Joshimath biểu tình phản đối dự án thủy điện - Ảnh: AP

Cuộc khủng hoảng ở Joshimath đã đặt lại câu hỏi liệu việc tìm kiếm thêm thủy điện ở vùng núi để cắt giảm sự phụ thuộc vào than đá của Ấn Độ có thể đạt được một cách bền vững hay không. Bang Uttarakhand, nơi có hơn 30 con sông và được bao quanh bởi các sông băng đang tan chảy, có khoảng 100 dự án thủy điện ở các giai đoạn khác nhau.

Vào năm 2021, 200 người đã chết sau khi nhà máy thủy điện Tapovan gần Joshimath bị nước lũ nhấn chìm một phần do các sông băng tan quá nhanh và hơn 6.000 người đã thiệt mạng tại bang này sau một trận mưa lớn vào năm 2013.

india-1.jpg
Vết nứt trong một ngôi nhà ở Joshimath - Ảnh: AP

Việc phát triển vùng phá tan nền văn hóa 1.200 năm

Các chuyên gia cảnh báo, việc xây dựng công trình lớn cần thiết cho thủy điện như: nổ mìn phá đá, chuyển hướng dòng chảy của sông và chặt phá rừng... ở một khu vực vốn dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục được. Nó cũng có thể xóa sổ toàn bộ ngôi làng, như cư dân của làng Haat gần Joshimath đã phải chứng kiến nhà của họ bị đập bỏ.

Ngôi làng dọc sông Alaknanda này có ngôi đền thiêng Laxmi Narayan mà nhà hiền triết Adi Shankaracharya đã lập hồi thế kỷ 8. Ngày nay, nơi này là một bãi chứa rác cùng một kho chứa vật liệu xây dựng của một công ty năng lượng. Công ty đã mua lại làng hồi năm 2009.

Ngôi đền là phần duy nhất còn sót lại của làng. Toàn bộ người dân đã rời bỏ làng từ nhiều năm vì bị chính quyền cưỡng chế, theo lời Rajendra Hatwal, một cựu trưởng làng nay sống tại thị trấn lân cận. Ông nói dự án thủy điện đã “giết chết” làng Haat.

Năm ngoái, một tòa án buộc chính quyền phải chấm dứt tình trạng chôn rác gần ngôi đền vốn từng là chặng nghỉ cuối cho các tín đồ hành hương đến đền Badrinath.

Hatwal và vài người khác thường xuyên kiểm tra ngôi đền. Họ sợ nơi này sẽ bị xóa sổ, như nhà họ đã bị đập bỏ. Hatwal nói: “Chúng tôi đấu tranh để bảo vệ đền. Chúng tôi muốn bảo tồn văn hóa cổ xưa để truyền lại cho thế hệ mới. Họ không chỉ phá tan một ngôi làng mà còn đánh dấu kết thúc một nền văn hóa xưa 1.200 năm”.

Bài liên quan
Các nhà máy thủy điện gây thiệt hại cho sản xuất và dân sinh ở hạ du thì phải bồi thường
Các nhà máy thủy điện không thực hiện theo yêu cầu và gây thiệt hại cho phục vụ sản xuất, dân sinh ở hạ du thì phải bồi thường cho các thiệt hại đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành phố linh thiêng của Ấn Độ đối mặt nguy cơ bị xóa sổ