Nền kinh tế Việt Nam đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn quan trọng, khi hàng loạt các hiệp định thương mại được xem là sẽ định hình lại toàn bộ nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu có hiệu lực trong một vài năm tới. Những nỗ lực cải cách đang được Chính phủ thực hiện một phần lớn là để chuẩn bị cho khoảng thời gian quan trọng đó.

Thấy gì từ làn sóng M&A trong nền kinh tế 7 tháng đầu năm?

Nhàn Đàm | 28/07/2016, 05:25

Nền kinh tế Việt Nam đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn quan trọng, khi hàng loạt các hiệp định thương mại được xem là sẽ định hình lại toàn bộ nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu có hiệu lực trong một vài năm tới. Những nỗ lực cải cách đang được Chính phủ thực hiện một phần lớn là để chuẩn bị cho khoảng thời gian quan trọng đó.

Tuy nhiên, còn có một lực đẩy đáng chú ý khác đối với nền kinh tế có dấu hiệu gia tăng mạnh trong thời gian gần đây, đó là các nhà đầu tư nước ngoài. Việc tần suất các nhà đầu tư nước ngoài xâm nhập thị trường Việt Nam gia tăng vượt bậc kể từ năm 2015 đến nay đang cho thấy một yếu tố đáng kể khác có thể tham gia vào quá trình định hình nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, bên cạnh các nỗ lực cải cách của Chính phủ. Điển hình nhất cho làn sóng gia nhập thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài là hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Thông qua việc đánh giá làn sóng M&A chúng ta có thể rút ra được những điểm cần lưu ý cho kế hoạch cải cách nền kinh tế.

Xét riêng trong lĩnh vực M&A, năm 2016 có lẽ sẽ là một năm đáng nhớ khi hầu hết các thương vụ mua bán và sáp nhập thương hiệu quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng trên thị trường đều diễn ra vào năm nay. Điển hình như các vụ thâu tóm các hệ thống siêu thị lớn như Big C hay Metro với trị giá từ hàng trăm triệu đến cả tỉUSD. Theo thông tin được công bố tại Diễn đàn mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam 2016 được tổ chức vào ngày 25.7, thì năm 2016 nhiều khả năng sẽ trở thành năm kỷ lục đối với các hoạt động mua bán và sáp nhập thương hiệu tại Việt Nam.

Cụ thể, trong vòng 7 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị các thương vụ M&A trong nền kinh tế Việt Nam ước tính đã vượt mốc 3 tỉUSD, tăng 28% so với cùng kỳ 2015 vốn được xem là thời điểm đang nắm giữ kỷ lục về giá trị các vụ M&A trước đó. Tính cả năm 2015, tổng giá trị các thương vụ M&A đã đạt mức kỷ lục là 5,2 tỉUSD; tuy nhiên xét về quy mô và mức độ các thương vụ M&A trong vòng 7 tháng đầu năm nay, thì nhiều khả năng năm 2016 sẽ xác lập một kỷ lục mới về tổng giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập, được dự đoán sẽ lên tới khoảng 6 tỉUSD.

Trong tổng số 6 tỉUSD ước tính đóthì quá nửa giá trị là thuộc về các thương vụ M&A của các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu so sánh với việc tổng giá trị vốn FDI mà toàn bộ nền kinh tế Việt Nam thu hút được trong vòng 7 tháng đầu năm 2016 chỉ là khoảng 13 tỉUSD, thì có thể thấy các thương vụ M&A là một trong những kênh thu hút vốn đầu tư quan trọng bậc nhất và có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế.Vì thế, cần thiết phải có những đánh giá tác động của hoạt động M&A đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang tiến hành cải cách nền kinh tế.

Tác động lớn thứ nhất từ làn sóng M&A diễn ra trong 7 tháng đầu năm 2016 là việc các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng gia tăng việc thâu tóm và nắm giữ các doanh nghiệp và thương hiệu quan trọng, có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong nền kinh tế. Theo thống kê của Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 thì chủ yếu các hoạt động M&A diễn ra trong 5 lĩnh vực chủ chốt, đó là: giành thị phần trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng; giành các vị trí vàng trong lĩnh vực BĐS; tìm cơ hội trong cổ phần hóa; hình thành các DN lớn của Việt Nam; làn sóng khởi nghiệp.

Không chỉ diễn ra ở các lĩnh vực dễ sinh lời nhất, mà các thương vụ M&A của các nhà đầu tư nước ngoài còn có quy mô đầu tư lớn nhất. Theo thống kê, dù chỉ chiếm chưa đầy 40% số lượng các thương vụ mua bán và sáp nhập trong vòng 7 tháng đầu năm, nhưng các thương vụ M&A do các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành thường có giá trị vượt trội, với quy mô trung bình từ 30-100 triệu USD/vụ; số lượng các thương vụ có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD cũng không phải là ít, cá biệt có vụ lên tới cả tỉUSD như vụ chuyển nhượng hệ thống siêu thị Big C. Theo thống kê, trong tổng số 10 thương vụ lớn nhất, thì đã có tới 9 thương vụ có mặt nhà đầu tư nước ngoài với vai trò là bên mua.

Làn sóng M&A ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến các doanh nghiệp và thương hiệu lớn trong nền kinh tế Việt Nam thời gian qua có thể đem lại những tác động cần đánh giá kỹ lưỡng. Điển hình như việc hai hệ thống siêu thị lớn ở miền Bắc là Metro và Big C thuộc sở hữu của các tập đoàn Thái Lan đang được xem là yếu tố tác động lớn đối với ngành sản xuất của Việt Nam. Ngoài ra, kỳ vọng làn sóng M&A sôi nổi này có thể tác động tích cực đối với quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Việt Nam cũng cần phải xem xét.

Điểm chung của hầu hết các thương vụ M&A lớn do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện ở Việt Nam là các DN và thương hiệu có tầm ảnh hưởng và khả năng sinh lời cao. Vì thế, các DNNN đang hoạt động tốt và có hiệu quả kinh tế cao sẽ có thể sẽ được cổ phần hóa với giá cả cạnh tranh hơn; nhưng khó có thể kỳ vọng hiệu ứng tích cực của làn sóng M&A này có thể lan tỏa tới các DNNN hoạt động không hiệu quả và hiệu quả kinh tế yếu kém. Nói cách khác, làn sóng M&A này sẽ chỉ giúp tăng cường giá trị các món hàng có giá trong nền kinh tế Việt Nam, chứ không giúp ích nhiều trong việc thanh toán các món hàng tồn đọng có giá trị thấp hoặc vừa phải.

Tác động lớn thứ hai từ làn sóng M&A trong 7 tháng đầu năm, là bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các DN lớn trong nước của Việt Nam bắt đầu hình thành. Dù theo thống kê thì giá trị trung bình của các thương vụ M&A giữa các DN nội chỉ trong khoảng 5 triệu USD, nhưng tổng số các vụ M&A do các DN trong nước thực hiện trong vòng 7 tháng đầu năm đã chiếm tới hơn 60%. Nó cho thấy các DN trong nước cũng ngày càng ý thức được sức ép cạnh tranh từ các DN và nhà đầu tư nước ngoài ngay tại thị trường trong nước, và yêu cầu tăng cường quy mô hoạt động để tăng sức cạnh tranh đang ngày càng trở nên gay gắt hơn. Hoạt động M&A ồ ạt này cũng đồng nghĩa với việc số lượng các DN trong nước có quy mô lớn sẽ ngày càng gia tăng, trong bối cảnh từ trước tới nay số DN trong nước có quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2-3% tổng số DN Việt Nam mà thôi, thì điều này sẽ có ý nghĩa trong việc cải thiện đáng kể sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là tài nguyên vô tận
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, KH-CN, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì từ làn sóng M&A trong nền kinh tế 7 tháng đầu năm?