Số ca mắc COVID-19 tăng kỷ lục hàng ngày 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh trong tuần lên 1,57 triệu. Tỷ lệ tiêm vắc xin ở Ấn Độ giảm đáng kể do thiếu nguồn cung cấp và các vấn đề vận chuyển.
Làn sóng COVID-19 gây chết người thứ hai ở Ấn Độ tiếp tục không suy giảm và tổng số ca bệnh hiện là 21,49 triệu, với sự lây lan coronavirus lan rộng từ các thành phố đông đúc đến các ngôi làng nông thôn hẻo lánh, nơi sinh sống của gần 70% trong số 1,35 tỉ dân.
Ấn Độ đã báo cáo một ngày kỷ lục 414.188 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong tăng thêm 3.915, nâng tổng số lên 234.083.
Các chuyên gia y tế cho biết số ca mắc và tử vong do COVID-19 thực sự ở Ấn Độ cao gấp 5 đến 10 lần số liệu được công bố.
Thủ tướng Narendra Modi đã bị chỉ trích dữ dội vì không hành động sớm hơn để ngăn chặn làn sóng thứ hai, sau khi các lễ hội tôn giáo và các cuộc tập hợp chính trị thu hút hàng chục ngàn người trong những tuần gần đây trở thành sự kiện "siêu lan truyền".
Chính phủ của ông Modi cũng bị chỉ trích vì sự chậm trễ trong chương trình tiêm chủng, mà các chuyên gia y tế cho rằng đây là hy vọng duy nhất của Ấn Độ trong việc kiểm soát đợt COVID-19 thứ hai.
Tờ Hindustan Times hôm 7.5 yêu cầu đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin để kiểm soát làn sóng thứ hai của đại dịch.
Trong khi là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, Ấn Độ đang phải vật lộn để sản xuất đủ liều lượng để ngăn chặn làn sóng COVID-19.
Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh rằng các bang Ấn Độ phải duy trì tỷ lệ tiêm chủng. Dù cả nước đã sử dụng ít nhất 157 triệu liều vắc xin, nhưng tỷ lệ tiêm chủng đã giảm mạnh những ngày gần đây.
Amartya Lahiri, Giáo sư kinh tế tại Đại học British Columbia, cho biết trên tờ Mint: “Sau khi đạt được tỷ lệ khoảng 4 triệu mỗi ngày, giờ chúng tôi giảm xuống còn 2,5 triệu mỗi ngày do thiếu vắc xin. Mục tiêu 5 triệu mũi tiêm một ngày là giới hạn thấp hơn của những gì chúng tôi phải nhắm tới, vì ngay cả với tốc độ đó, chúng tôi sẽ mất 1 năm để cung cấp cho tất cả mọi người hai liều. Thật không may, tình hình rất nghiệt ngã".
Liên minh châu Âu (EU) hôm 7.5 đã ủng hộ đề xuất của Mỹ để thảo luận về việc từ bỏ bảo hộ bằng sáng chế với vắc xin COVID-19 trong nỗ lực tăng nguồn cung và khả năng tiếp cận vắc xin, đặc biệt là ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Ấn Độ đang sụp đổ dưới gánh nặng của bệnh nhân COVID-19, với các bệnh viện hết giường và oxy y tế. Nhà xác và lò thiêu không thể xử lý số lượng người chết, các công viên và bãi đậu xe biến thành các giàn hỏa táng tạm thời.
Miền bắc và miền tây Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tỷ lệ về các ca mắc COVID-19 mới hàng ngày ở 5 bang miền nam nước này đã tăng từ 28% lên 33% trong 7 ngày đầu tháng 5.2021.
Tại thành phố Chennai phía nam Ấn Độ, chỉ có 1 trong 100 giường được hỗ trợ oxy, và 2 trong 100 giường trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt còn trống vào ngày 6.5, từ tỷ lệ trống hơn 20% hai tuần trước đây.
Tại thành phố công nghệ Bengaluru, chỉ có 23 trong số 590 giường trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt còn trống và chỉ 1 trong 50 giường có máy thở chưa dùng, một tình huống mà các quan chức cho rằng cuộc khủng hoảng sắp xảy ra.
Xe kéo tự động ba bánh phổ biến ở Thủ đô New Delhi đã trở thành xe cứu thương tạm thời để chở bệnh nhân COVID-19.
"Tất cả chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau vào lúc cần thiết để thoát khỏi tình trạng này. Nếu tất cả mọi người ở nhà vì họ sợ hãi thì ai sẽ giúp những người cần?", Raj Kumar, người lái xe kéo mặc đồ bảo hộ, nói. Có một vách ngăn bằng nhựa giữa anh ta và các hành khách ở phía sau.
Một số bang của Ấn Độ đã áp đặt các mức hạn chế xã hội khác nhau để cố gắng ngăn chặn tình trạng lây nhiễm, nhưng chính phủ liên bang đã chống lại việc áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc.
"Vào những thời điểm như thế này, mọi người tìm kiếm một dấu hiệu nào đó cho thấy các chính trị gia đang lắng nghe... Những gì đang xảy ra ngày nay là sự phản bội hy vọng và một cái tát vào giấc mơ là Ấn Độ tiến bộ hiện đại. Cuối cùng chúng tôi sẽ đánh bại COVID-19, nhưng đến lúc đó hàng ngàn người khác sẽ mất mạng", nhà báo Vir Sanghvi viết trên Thời báo Hindustan.
Viện trợ từ nước ngoài tiếp tục đổ vào Ấn Độ khi các lô hàng từ Ba Lan, Hà Lan và Thụy Sĩ đến Ấn Độ hôm 7.5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Arindam Bagchi cho biết trên Twitter.
Thủ tướng Narendra Modi đối mặt yêu cầu phải phong tỏa toàn quốc
Với các ca mắc COVID-19 vẫn tăng lên mức kỷ lục, Thủ tướng Narendra Modi đang phải đối mặt áp lực ngày càng tăng trong việc áp đặt lệnh phong tỏa khắc nghiệt trên toàn quốc.
Nhiều chuyên gia y tế, các nhà lãnh đạo phe đối lập và một số thẩm phán Tòa án Tối cao cho rằng phong tỏa toàn quốc dường như là lựa chọn không thể tránh khỏi khi coronavirus hoành hành ở các thành phố và thị trấn, nơi các bệnh viện buộc phải quay lưng bệnh nhân trong khi người thân tranh nhau tìm oxy. Các lò hỏa táng và các khu chôn cất đang chật vật để xử lý người chết.
Số người chết hàng ngày đã ở mức hơn 3.000 người trong 10 ngày qua.
Trong tháng qua, gần 10 trong số 28 bang Ấn Độ đã công bố các hạn chế ít nghiêm ngặt hơn so với lệnh phong tỏa trên toàn quốc 60 ngày được áp dụng vào tháng 3.2020.
Tổ chức các cuộc tham vấn với các nhà lãnh đạo dân cử hàng đầu và quan chức các bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất hôm 6.5, ông Modi đến nay đã giao trách nhiệm chống lại coronavirus cho các chính quyền bang vốn được trang bị kém.
Tiến sĩ Randeep Guleria, chuyên gia y tế của chính phủ, cho biết Ấn Độ cần phải có cuộc ngăn chặn hoàn toàn và tích cực giống như năm ngoái, đặc biệt là ở những khu vực mà hơn 10% trong số những người được xét nghiệm đã mắc COVID-19.
Srinath Reddy, Chủ tịch Tổ chức Y tế Công cộng của Ấn Độ, thừa nhận rằng các bang khác nhau đang trải qua những cường độ khác nhau của dịch, nhưng vẫn cần một “chiến lược phối hợp trên toàn quốc”.
Theo Srinath Reddy, các quyết định cần dựa trên điều kiện địa phương nhưng cần có sự phối hợp chặt chẽ của chính phủ. “Giống như một dàn nhạc chơi cùng bản nhạc nhưng với các nhạc cụ khác nhau”, ông Srinath Reddy nói.
Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế Nhà Trắng của Tổng thống Joe Biden, cũng gợi ý rằng việc phong tỏa hoàn toàn ở Ấn Độ có thể cần từ 2 đến 4 tuần để giúp giảm bớt sự gia tăng ca bệnh.
Tiến sĩ Anthony Fauci nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Ấn Độ hôm 6.5: “Ngay sau khi các ca bệnh bắt đầu giảm, bạn có thể tiêm chủng cho nhiều người hơn và đi trước quỹ đạo bùng phát của đại dịch”. Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ không cung cấp chi tiết cụ thể về việc phong tỏa toàn quốc sẽ dẫn đến những gì.
Tiến sĩ Anthony Fauci nói dường như có ít nhất 2 loại biến thể coronavirus đang lưu hành ở Ấn Độ. Ông cho biết B.117, là biến thể của Vương quốc Anh, có xu hướng tập trung ở New Delhi và biến thể B.617 tập trung ở bang phía tây Maharashtra đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Cả hai đều có khả năng truyền tốt hơn và hiệu quả hơn so với chủng Vũ Hán ban đầu một năm trước”, ông Anthony Fauci cho hay.
Thủ tướng Modi đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài 2 tháng vào năm ngoái với thông báo trước 4 giờ. Điều này khiến hàng chục triệu công nhân nhập cư bị mất việc làm và phải chạy trốn đến các ngôi làng với nhiều người chết trên đường đi. Các chuyên gia cho rằng quyết định này đã giúp ngăn chặn COVID-19 và chính phủ đang trì hoãn thực hiện.
Nền kinh tế của Ấn Độ đã giảm 23% trong quý 2/2020 và cho thấy sự phục hồi khi các hạn chế được nới lỏng. Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về tăng trưởng 12,5% trong năm tài chính 2021-22, bắt đầu từ tháng 4.2021, dự kiến sẽ bị ảnh hưởng một lần nữa với sự gia tăng của các ca bệnh.
Một số chuyên gia, bao gồm Vineeta Bal, nhà khoa học tại Viện Miễn dịch học Quốc gia, ủng hộ chính sách của ông Modi. Bà cho biết các bang khác nhau có những nhu cầu khác nhau và các đặc thù của địa phương cần được tính đến để bất kỳ chính sách nào có hiệu quả.
Trong hầu hết trường hợp, ở những nơi có cơ sở hạ tầng y tế và chuyên môn tốt, các hạn chế cục bộ ở cấp bang, hoặc thậm chí quận, là cách tốt hơn để hạn chế sự lây lan COVID-19.
Tiến sĩ Yogesh Jain Ganiyari thuộc Nhóm Hỗ trợ Sức khỏe Nhân dân, chương trình y tế công cộng chi phí thấp ở bang Chhattisgarh, nói rằng về mặt khoa học, phong tỏa là cách hiệu quả nhất để hạn chế lây nhiễm COVID-19.
“Nhưng chúng ta không sống trong phòng thí nghiệm. Chúng ta cần tính đến khía cạnh nhân đạo. Những người coi việc phong tỏa giống như cơ chế kiểm soát dịch bệnh thật vô tâm nhưng bạn phải nghĩ về người dân”, ông Yogesh Jain Ganiyari nói.