Mỹ đã dẫn đầu trong lĩnh vực thiết kế chip với các công ty thống trị mảng này như Nvidia, Intel và Qualcomm, nhưng có nguy cơ sụt giảm lớn thị phần toàn cầu nếu chính phủ không hỗ trợ.

Thị phần thiết kế chip của Mỹ sẽ giảm mạnh nếu chính phủ không hỗ trợ

Sơn Vân | 30/11/2022, 21:17

Mỹ đã dẫn đầu trong lĩnh vực thiết kế chip với các công ty thống trị mảng này như Nvidia, Intel và Qualcomm, nhưng có nguy cơ sụt giảm lớn thị phần toàn cầu nếu chính phủ không hỗ trợ.

Tỷ trọng doanh thu thiết kế chip của Mỹ đã giảm trong những năm gần đây, từ hơn 50% hồi năm 2015 xuống 46% vào năm 2021. Nếu chính phủ Mỹ không hỗ trợ, tỷ lệ có thể giảm xuống 36% vào cuối thập kỷ này, theo báo cáo được công bố bởi Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn (SIA) và công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG).

Mỹ đã mất vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip, khiến chính quyền Biden phải thông qua đạo luật Chips and Science (chip và khoa học) năm nay.

thi-phan-thiet-ke-chip-cua-my-se-giam-manh-neu-chinh-phu-khong-ho-tro.jpg
Thị phần thiết kế chip của Mỹ có thể giảm xuống 36% vào cuối thập kỷ này nếu chính phủ không hỗ trợ

Một báo cáo trước đó từ SIA và BCG hồi 2020 cho thấy tỷ lệ năng lực sản xuất chip hiện đại toàn cầu của Mỹ giảm xuống 12% vào năm đó, giảm từ mức 37% của năm 1990.

Trong khi các công ty như Intel vừa thiết kế vừa sản xuất chip, những nhà sản xuất chip được gọi là fabless như Nvidia và Qualcomm thiết kế chip nhưng được các công ty như TSMC sản xuất. TSMC là sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan.

Báo cáo cũng cho biết sự hỗ trợ của chính phủ đang giúp các công ty ở một số nước như Trung Quốc và Hàn Quốc giành được thị phần trong lĩnh vực thiết kế chip.

Theo báo cáo, khoản đầu tư liên bang Mỹ vào thiết kế chất bán dẫn và R&D (nghiên cứu và phát triển) trị giá 20 - 30 tỉ USD cho đến năm 2030, gồm cả khoản tín dụng thuế đầu tư 15 - 20 tỉ USD với thiết kế chip, sẽ cần thiết để duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trong dài hạn.

Theo người phát ngôn của SIA, trong khi đạo luật Chips and Science bao gồm 39 tỉ USD tài trợ sản xuất để tạo ra chip và 13 tỉ USD cho R&D thì không có khoản nào được gắn cụ thể với thiết kế chip.

Báo cáo cũng cho biết ngành công nghiệp chip của Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu 23.000 công nhân thiết kế vào năm 2030, nhưng nguồn tài trợ từ chính phủ liên bang có thể giúp hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động.

Các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip của Mỹ lo đối thủ nước ngoài hưởng lợi ở Trung Quốc

Đầu tháng 11, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo lên tiếng khi các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip của Mỹ lo đối thủ nước ngoài được hưởng lợi ở Trung Quốc sau khi chính quyền Biden công bố các quy tắc kiểm soát xuất khẩu mới.

Bà Gina Raimondo nói: "Bạn sẽ cần đợi 6 - 9 tháng trước khi Washington có thể đạt được thỏa thuận với các đồng minh của Mỹ về các quy định mới nghiêm ngặt nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận một số công nghệ nhất định".

Mỹ đang thực hiện một thỏa thuận nhằm đưa các công ty ở Hà Lan và Nhật Bản - quê hương của một số nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn nhất - phải chịu các giới hạn về bán thiết bị đó cho Trung Quốc.

Các công ty Mỹ đã bị ràng buộc bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, điều mà họ cho rằng sẽ mất hàng tỉ USD doanh thu, khi các đối thủ cạnh tranh chính ở châu Âu và Nhật Bản phải đối mặt với ít giới hạn hơn với doanh số bán hàng ở Trung Quốc.

Để đạt được thỏa thuận nhằm san bằng sân chơi có thể mất từ ​​6 đến 9 tháng, bà Gina Raimondo nói với đại diện của các công ty Mỹ.

Chính quyền Biden đã công bố một vòng quy tắc kiểm soát xuất khẩu mới vào ngày 7.10 để hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc với các thiết bị sản xuất chip và chất bán dẫn tiên tiến được làm bằng công nghệ Mỹ.

Thị trường thiết bị sản xuất chip toàn cầu được thống trị bởi các công ty Mỹ như Lam Research, KLA Corp, Applied Materials Inc cũng như ASML (Hà Lan) và Tokyo Electron (Nhật Bản). Hiện tại, các nhà cung cấp ngoài nước Mỹ có nhiều lợi thế hơn trong việc làm ăn với Trung Quốc.

Lam Research, KLA Corp, Applied Materials Inc đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới sẽ làm giảm doanh thu của họ. Rủi ro với họ là cho đến khi các hạn chế được áp dụng một cách đồng đều hơn, các công ty nước ngoài sẽ giành được thị phần ở Trung Quốc, tạo ra doanh thu bổ sung và qua đó có thể được dồn vào việc phát triển các sản phẩm mới.

Trong khi thị trường tổng thể cho thiết bị sản xuất chip sẽ thu hẹp vào năm tới, theo ước tính, các nhà phân tích dự đoán rằng ba công ty Mỹ sẽ bị sụt giảm doanh thu mạnh hơn so với đối thủ ở Nhật Bản.

Mỹ đang chuẩn bị tăng áp lực lên các đồng minh để chặn việc bán thiết bị chip cho Trung Quốc. Tarun Chhabra (quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ) và Alan Estevez (Bộ trưởng Thương mại Công nghiệp và An ninh Mỹ) ​​sẽ đến Hà Lan để thảo luận về các biện pháp hạn chế chip Trung Quốc vào cuối tháng 11, tờ Bloomberg đưa tin, dù không có thỏa thuận nào dự kiến ​​được đưa ra từ các cuộc đàm phán.

Alan Estevez hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận với các đồng minh của Mỹ trong thời gian tới. Alan Estevez nói rằng ông muốn các quy tắc với các công ty Mỹ phải "công bằng với sự cạnh tranh của họ trên toàn cầu và công bằng cho sự cạnh tranh giữa họ với nhau".

Ngoài ra, Alan Estevez tiết lộ rằng ông và các quan chức khác như Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cùng Gina Raimondo đang nói chuyện với các đồng minh về vấn đề.

Hà Lan là quê hương của ASML, công ty thống trị thị trường thiết bị sản xuất chip tiên tiến độc nhất vô nhị. Cụ thể hơn, ASML là công ty độc quyền toàn cầu trong việc cung cấp các hệ thống in thạch bản cực tím, những chiếc máy lớn có giá từ 160 triệu USD mỗi chiếc và được sử dụng bởi TSMC, Samsung Electronics, Intel... để tạo ra mạch của chip máy tính. Vì thế, ASML đã trở thành trọng tâm trong nỗ lực hạn chế Trung Quốc của chính phủ Mỹ.

Hôm 22.11, Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan - Liesje Schreinemacher nói rằng nước mình sẽ đưa ra quyết định riêng liên quan đến việc bán thiết bị sản xuất chip từ ASML cho Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc đàm phán về quy tắc thương mại với Mỹ và các đồng minh khác.

Điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ lợi ích của chính mình - an toàn quốc gia, nhưng cũng là lợi ích kinh tế của chúng ta. Nếu chúng tôi đưa thứ đó vào một giỏ hàng của Liên minh châu Âu rồi đàm phán với Mỹ, cuối cùng hóa ra chúng tôi cung cấp máy in thạch bản cực tím sâu cho Mỹ, chúng tôi còn tệ hơn”, Liesje Schreinemacher nói với các nhà làm luật tại Quốc hội ở thành phố The Hague (Hà Lan).

Hệ thống tia cực tím sâu là máy sản xuất chip tiên tiến thứ hai mà ASML (có trụ sở tại thành phố Veldhoven, Hà Lan) sản xuất. Thiết bị này được yêu cầu để tạo ra nhiều loại chất bán dẫn.

Phát ngôn từ Liesje Schreinemacher dường như cho thấy sự phản đối ngày càng tăng của Hà Lan với việc Mỹ kêu gọi nước này hợp tác về kiểm soát xuất khẩu nhằm làm suy yếu tham vọng của Trung Quốc nhằm xây dựng ngành công nghiệp chip trong nước và cải thiện khả năng quân sự. Hà Lan muốn duy trì quyền tiếp cận Trung Quốc với tư cách là một thị trường lớn.

Tuần trước, Liesje Schreinemacher nói Mỹ không nên mong đợi Hà Lan chắc chắn sẽ áp dụng các hạn chế xuất khẩu với Trung Quốc.

Dù ASML chưa bán bất kỳ máy in thạch bản cực tím tiên tiến nhất nào cho Trung Quốc vì chính phủ Hà Lan từ chối cấp giấy phép cho nó dưới áp lực của Mỹ, công ty vẫn có thể bán các hệ thống sản xuất chip kém tinh vi hơn cho cường quốc châu Á này.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã gây áp lực buộc chính phủ Hà Lan cấm bán máy in thạch bản nhúng, loại thiết bị tiên tiến nhất trong dòng sản phẩm cực tím sâu của ASML, trang Bloomberg News đưa tin.

Chính quyền Biden nỗ lực để kêu gọi các đồng minh, gồm cả Hà Lan và Nhật Bản, áp dụng các biện pháp sâu rộng mà họ đã công bố hôm 7.10 để cấm bán nhiều thiết bị sản xuất chip hơn cho Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực để đảm bảo các quốc gia khác không tuân theo yêu cầu của Mỹ. Trong cuộc họp thượng đỉnh G20 hôm 15.11, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã hối thúc Thủ tướng Hà Lan - Mark Rutte tránh làm gián đoạn thương mại toàn cầu.

Ông Tập Cận Bình nói với Mark Rutte: “Chúng ta phải phản đối việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế, thương mại và duy trì sự ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Bài liên quan
Samsung nhận thêm cú sốc khi mất hợp đồng sản xuất chip cho Tesla về tay TSMC
Samsung Electronics đang gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh chipset.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị phần thiết kế chip của Mỹ sẽ giảm mạnh nếu chính phủ không hỗ trợ