Bị tàn phá bởi 3 tháng chiến tranh, Ukraine vẫn có kế hoạch tiếp tục thu hút các nhà tài trợ tiền mã hóa để giúp gây quỹ sau khi giá trị của đồng tiền này lao dốc trong tháng 5.
Sau khi Nga bắt đầu cuộc tấn công vào ngày 24.2, chính phủ Ukraine đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để đề nghị viện trợ bằng tiền mã hóa. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine - Mykhailo Fedorov đã tìm cách thu hút các nhà tài trợ tiền mã hóa vào tuần này tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở thị trấn Davos (Thụy Sĩ).
Ngày 19.3, quỹ Viện trợ cho Ukraine của chính phủ thông báo đã huy động được hơn 60 triệu USD tiền mã hóa. Song hai tháng sau, vào ngày 19.5, tổng số tiền huy động được trị giá chỉ còn 51,5 triệu USD, Thứ trưởng Bộ chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine - Alex Bornyakov cho biết.
Giá tiền mã hóa đã giảm mạnh trong những tuần gần đây. Bitcoin đã mất hơn 20% giá cho đến nay trong tháng 5, sau khi giảm 17% vào tháng 4, làm nổi bật những rủi ro mà những người nắm giữ tài sản biến động mạnh phải đối mặt.
Tất cả số tiền huy động được trong quỹ Viện trợ cho Ukraine được lưu trữ bằng tiền mã hóa nhưng chính phủ có thể chi 45 triệu USD trong số đó để trang bị cho quân đội Ukraine trước khi sự cố rớt giá xảy ra, ông Alex Bornyakov cho biết trong văn bản trả lời các câu hỏi của Reuters.
Ukraine đã được tài trợ cho nỗ lực chiến đấu của mình một phần bằng tiền mã hóa. Một năm trước cuộc chiến với Nga, đã có sự gia tăng quyên góp Bitcoin cho các nhóm tình nguyện người Ukraine, một số trong đó đã cung cấp thiết bị cho các lực lượng chính phủ.
Tiền mã hóa có thể được gửi và nhận một cách ẩn danh, giúp các tổ chức huy động tiền ngay cả khi các công ty tài chính không cho phép hoặc kiểm tra nghiêm ngặt việc chuyển tiền.
Năm 2020, Ukraine thắt chặt kiểm tra để hạn chế rửa tiền, yêu cầu xác minh ID với một số giao dịch chuyển tiền trong nước. Việc chuyển giao xuyên biên giới cũng phải chịu sự giám sát bắt buộc, theo Hiệp hội Luật sư Quốc gia Ukraine.
Hãng nghiên cứu blockchain Elliptic theo dõi chuyển động của tiền mã hóa trên blockchain cho các công ty tài chính và cơ quan chính phủ. Elliptic cho biết nhóm Come Back Alive có trụ sở tại thủ đô Kyiv (Ukraine) đã bắt đầu gây quỹ bằng tiền mã hóa vào năm 2018 và nhận số tiền gần 200.000 USD chỉ trong nửa cuối năm 2021.
Come Back Alive nói họ cung cấp vũ khí và vật tư y tế cho quân đội Ukraine, bao gồm cả máy bay không người lái, ống ngắm súng bắn tỉa và hệ thống giám sát di động.
Trang quyên góp trên website Come Back Alive liệt kê địa chỉ ví kỹ thuật số bitcoin và thông tin chi tiết về tài khoản ngân hàng của nó. Các quỹ của Come Back Alive chủ yếu được huy động bằng tiền tệ truyền thống, với 199 triệu hryvnias (khoảng 7,1 triệu USD) nhận được kể từ năm 2014.
Cách đây 4 tháng, Come Back Alive nói với Reuters rằng kể từ tháng 8.2021, họ đã huy động được 14 giao dịch tiền mã hóa. "Chúng tôi giữ nó cho các dự án tương lai. Chúng tôi đã tạo ra một ví bitcoin vì nhiều người liên tục yêu cầu nó và chúng tôi muốn tạo cơ hội cho họ ủng hộ một cách thoải mái", Come Back Alive tiết lộ.
Dù tiền mã hóa có thể cung cấp một số khoản tiền cần thiết, Ukraine ước tính họ cần 15 tỉ USD trong ba tháng tới để giúp nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá phục hồi.
Hôm 19.5, Thủ tướng Ukraine - Denys Shmyhal cho biết ông và các bộ trưởng tài chính của G7 (nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Anh, Nhật Bản, Canada) đã thảo luận về các bước thiết thực để giúp Ukraine phục hồi sau cuộc chiến với Nga.
"Ukraine bảo vệ toàn bộ thế giới văn minh. Sự ủng hộ của các đối tác sẽ đẩy nhanh chiến thắng của chúng tôi. Bất chấp những nỗ lực của Nga nhằm phá hủy nền kinh tế, chúng tôi sẽ cùng nhau giành chiến thắng!", ông Denys Shmyhal viết trên Twitter mà không nêu chi tiết.
Trong một tuyên bố riêng, chính phủ Ukraine cho biết Denys Shmyhal cũng tìm kiếm thêm viện trợ tài chính để bù đắp thâm hụt ngân sách hàng tháng khoảng 5 tỉ USD của Ukraine.
“Chúng tôi cần ít nhất 15 tỉ USD trong ba tháng tới để trang trải những nhu cầu này. Điều này cũng quan trọng như vũ khí mà bạn cung cấp để chống lại Nga”, tuyên bố dẫn lời ông Denys Shmyhal.
Ông Denys Shmyhal cũng hoan nghênh đề xuất của Ủy ban châu Âu cung cấp cho Ukraine 9 tỉ euro (9,51 tỉ USD) hỗ trợ tài chính vĩ mô.
Ukraine cũng hy vọng vào quyết định sớm của Mỹ về gói viện trợ trị giá 40 tỉ USD, trong đó có thể phân bổ tới 9 tỉ USD cho ngân sách. Cùng ngày 19.5, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ khẩn cấp về quân sự, kinh tế và nhân đạo lớn nhất từ trước đến nay cho Ukraine.
Gói viện trợ này trị giá 40 tỉ USD, cao hơn con số 33 tỉ USD mà Tổng thống Biden đề xuất, được thông qua với 86 phiếu thuận và 11 phiếu chống. Tất cả thành viên đảng Dân chủ ủng hộ dự luật này, trong khi 11 thành viên đảng Cộng hòa không đồng tình.
Khoản này dự kiến hỗ trợ Ukraine trong 5 tháng tới, với 6 tỉ USD hỗ trợ an ninh, bao gồm các chương trình đào tạo, cung cấp thiết bị, vũ khí; 8,7 tỉ USD bổ sung kho thiết bị Mỹ gửi đến Ukraine và 3,9 tỉ USD hỗ trợ các hoạt động của Bộ Chỉ huy châu Âu (EUCOM).
Gói viện trợ cũng cung cấp gần 9 tỉ USD cho quỹ hỗ trợ kinh tế Ukraine, khoảng 900 triệu USD hỗ trợ dân tị nạn nước này và 5 tỉ USD giải quyết tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu do xung đột.
Ngoài ra, gói này ủy quyền thêm 11 tỉ USD cho Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), cho phép Tổng thống Biden thực hiện chuyển hàng hóa và dịch vụ từ kho hàng của Mỹ mà không cần sự chấp thuận của quốc hội để đối phó với trường hợp khẩn cấp.
"Tôi hoan nghênh Quốc hội đã gửi thông điệp rõ ràng từ lưỡng đảng đến thế giới rằng người dân Mỹ sẽ sát cánh cùng dân Ukraine trong quá trình bảo vệ nền dân chủ và tự do", Tổng thống Biden cho biết.
Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky đã gửi lời cảm ơn tới ông Biden, khẳng định 40 tỉ USD là sự đóng góp đáng kể nhằm khôi phục hòa bình và an ninh ở Ukraine, châu Âu và thế giới. "Đây là minh chứng cho sự lãnh đạo mạnh mẽ, cũng như là đóng góp cần thiết để bảo vệ tự do chung của chúng ta", ông Volodymyr Zelensky phát biểu.
Khi được ông Biden ký thành luật, gói này sẽ nâng tổng viện trợ của Mỹ phê duyệt cho Ukraine lên hơn 50 tỉ USD kể từ khi chiến tranh nổ ra ngày 24.2.
Bán NFT để phân phát nước miễn phí
Bất chấp sự biến động, tài sản tiền mã hóa vẫn thu hút những người Ukraine đang tìm cách huy động vốn. Obolon, thương hiệu bia độc lập lớn nhất của Ukraine, có kế hoạch bán các NFT để giúp phân phát nước miễn phí cho viện trợ nhân đạo.
Obolon đang theo sau sự dẫn dắt của Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine - đã huy động được 286 ether (khoảng 550.000 USD) với bộ sưu tập NFT Bảo tàng Chiến tranh trực tuyến của mình. Obolon có kế hoạch bán 5.000 NFT với giá 0,1 ether (khoảng 200 USD), có thể đổi lấy một chai bia kỷ niệm sau chiến tranh.
“Dự án này trực tiếp giúp chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô, vì ngày nay tình hình tài chính ở công ty khó khăn do kinh tế ở Ukraine rất khó khăn”, Olexander Chub, Giám đốc phụ trách ngoại thương của Obolon, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua video.