Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Peruana Cayetano Heredia, làm việc với các đồng nghiệp từ Mỹ và Pháp, đã phát hiện ra một hóa thạch cá sấu thời tiền sử ở Peru.
Trong bài báo đăng trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, nhóm đã mô tả phát hiện này và những nghiên cứu cho thấy sự tiến hóa của cá sấu biển.
Mặc dù có hai loài cá sấu hiện đại sống dưới nước nhưng chủ yếu là trong môi trường nước ngọt. Đặc điểm này gây khó khăn cho việc tìm hiểu sự tiến hóa của các loài cá sấu chủ yếu sống ở biển trong quá khứ.
Nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng cá sấu đã sống ở phần đông nam của Thái Bình Dương trong khoảng 14 triệu năm. Các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm kiếm bằng chứng về loài cá sấu thời kỳ đầu ở các vùng phía tây Nam Mỹ, cụ thể nhất là Peru. Và nỗ lực đó ít nhiều đã có kết quả khi nhóm nghiên cứu phát hiện ra một phần tàn tích của cá sấu cổ đại.
Hóa thạch cá sấu (hộp sọ và hàm) được phát hiện ở lưu vực Đông Pisco, trong sa mạc Sacaco ở Peru vào năm 2020. Kể từ thời điểm đó, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu các thuộc tính và đặc điểm của nó. Sau đó, họ tìm ra vị trí của nó trong lịch sử tiến hóa của cá sấu. Thử nghiệm đã chỉ ra rằng hóa thạch này có từ khoảng 7 triệu năm trước. Họ đã đặt tên cho nó là Sacacosuchus cordovai và kết luận rằng con cá sấu dài khoảng 4 mét khi còn sống.
Sa mạc Sacaco đã được nghiên cứu trong nhiều năm. Những khám phá hóa thạch trước đó cho thấy toàn bộ khu vực này nằm dưới biển hàng triệu năm trước. Việc tìm thấy hóa thạch cá sấu trong khu vực cho thấy nó là một sinh vật nước mặn, một phát hiện giúp theo dõi quá trình tiến hóa của cá sấu ở Nam Mỹ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cá sấu đã đến Nam Mỹ bằng cách băng qua Đại Tây Dương. Từ đó, một số có thể đã đi theo đường bờ biển để đến nơi ngày nay là Peru. Họ gợi ý thêm rằng những con cá sấu biển như vậy đều có khuôn mặt dài, mỏng và có hai loài chính: một loài gần như chỉ sống nhờ cá và một loài khác có chế độ ăn uống đa dạng hơn.