"Việc SCIC thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có Vinamilk không phải vì mục tiêu ngân sách nhà nước như nhiều ý kiến. Việc này nằm trong kế hoạch thực hiện định hướng của Chính phủ là thoái vốn ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ", ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết.

'Thoái vốn tại Vinamilk không phải nước cờ để giải quyết ngân sách'

Một Thế Giới | 27/10/2015, 07:00

"Việc SCIC thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có Vinamilk không phải vì mục tiêu ngân sách nhà nước như nhiều ý kiến. Việc này nằm trong kế hoạch thực hiện định hướng của Chính phủ là thoái vốn ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ", ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết.

Không phải nước cờ để giải quyết ngân sách!
Vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phải tiến hành thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, bao gồm: Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (nắm 50,7% vốn); CTCP FPT (nắm 6%); CTCP Viễn thông FPT (nắm 50,2%); Nhựa Bình Minh (nắm 38,4%); Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (nắm 371,%); Xuất nhập khẩu Sa Giang (nắm 49,9%); Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (năm 47,6%) và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Theo đó, ước tính sau khi thoái vốn khỏi các doanh nghiệp này, ngân sách Nhà nước có thể thu về khoảng 3 tỷ USD.
Chính điều này đã khiến dư luận cho rằng, đây là một trong những “nước cờ” để xử lý bài toán ngân sách vốn đang khó khăn.
Tuy nhiên trao đổi với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định, việc SCIC thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có Vinamilk không phải vì mục tiêu ngân sách nhà nước. 
"Việc này nằm trong kế hoạch thực hiện định hướng của Chính phủ là thoái vốn ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, ông Tiến nói.
Theo đó, Luật này quy định, doanh nghiệp sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại nộp ngân sách nhà nước và SCIC là doanh nghiệp nhà nước nên lợi nhuận của đơn vị này cũng phải thực hiện theo quy định của Luật.
Mặt khác, ông Tiến cũng cho biết, nợ công và ngân sách là những vấn đề đã được quy định tại Luật riêng và có giải pháp khác. 
Cụ thể, về nợ công, đầu năm 2015, Chính phủ đã ra chỉ thị phải siết chặt quy trình đánh giá và giảm bớt bảo lãnh chính phủ, chỉ những lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ như an sinh xã hội hoặc những lĩnh vực không tạo ra lợi nhuận, Nhà nước sẽ phải đứng ra bảo lãnh.
"Về ngân sách, vấn đề quan trọng là tạo ra khuôn khổ pháp lý để cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo minh bạch để doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, nộp thuế nhiều hơn. Thực tế trong thời gian qua, một số loại thuế đã được cắt, giảm nên nguồn thu vẫn đảm bảo", ông Tiến cho biết.
thoai von
 Ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)
Công bố thoái vốn thời điểm này là để đón đầu cơ hội!
Đánh giá về tác động từ việc SCIC thoái vốn sẽ ảnh hưởng đến thị trường, ông Tiến cho rằng, các doanh nghiệp SCIC công bố thoái vốn là các lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân đã làm được. 
"Ví dụ như Vinamilk, trước đây, thị trường sữa chỉ có doanh nghiệp này phát triển mạnh, nắm quyền chi phối giá sữa trên thị trường nên SCIC không thể thoái vốn. Nhưng, hiện đã có các doanh nghiệp khác như TH True milk phát triển. 
Như vậy, thị trường sữa đã bước đầu hình thành và phát triển mạnh, người tiêu dùng Việt Nam đã được đảm bảo, đồng thời đến giai đoạn này Chính phủ quyết định danh mục này Nhà nước không cần phải nắm giữ", ông Tiến nhận định.
Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cũng cho rằng, việc bán vốn là hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. 
Giai đoạn trước, thị trường xuống, có những rủi ro khi bán vốn không đạt mục tiêu ban đầu như tối đa hóa lợi nhuận, bảo toàn vốn nhà nước nên SCIC tạm thời chưa công số danh sách thoái vốn.
Thực tế, khi thị trường xấu, nếu đưa hàng hóa tốt ra bán, khó đạt được giá như mong muốn. Tức là, hàng hóa không thể bán với giá tốt nhất để bảo toàn vốn nhà nước, không tìm được cổ đông thực sự gắn bó với doanh nghiệp. 
"Mặt khác, thời điểm đó thông tin chưa công khai, minh bạch như hiện nay, do đó mặc dù có những lĩnh vực chúng ta đang hoạt động hiệu quả nhưng đưa lên thị trường chưa chắc nhà đầu tư đánh giá là hiệu quả vì giá trên thị trường xuống thấp nên không thể bán đúng giá. 
Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải thận trọng, không phải bán bằng mọi giá", ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng cho rằng, SCIC công bố danh sách 10 doanh nghiệp sẽ thoái vốn trong thời điểm này là đón đầu cơ hội với các yếu tố như thị trường đã khởi sắc, nhà đầu tư đã quan tâm đến Việt Nam hơn. 
Việc thoái vốn phải đảm bảo vốn nhà nước ở mức độ cao nhất, hợp lý nhất, đặc biệt khi SCIC thoái vốn ở doanh nghiệp lớn, có chi phối lớn đối với cộng đồng. 
Do đó, SCIC phải chọn thời điểm để các nhà đầu tư có đủ thông tin, phương thức thoái vốn phải đảm bảo minh bạch, thị trường, hiệu quả cần cảnh giác để loại bỏ các nhà đầu tư thao túng lợi ích. 
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành thanh tra thị trường vàng trong tháng 5
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường vàng, hoàn thành thanh tra, kiểm tra thị trường vàng trong tháng 5.2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Thoái vốn tại Vinamilk không phải nước cờ để giải quyết ngân sách'