Các lô vắc xin xuất khẩu đã giảm trong năm nay và vắc xin Trung Quốc không còn chiếm phần lớn nguồn cung ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Điều này một phần là do sự sẵn có của các loại vắc xin có hiệu quả tốt hơn nhưng cũng là do nhu cầu ít hơn.

Thời kỳ ngoại giao vắc xin đã chấm hết?

Đan Thuỳ | 14/04/2022, 12:09

Các lô vắc xin xuất khẩu đã giảm trong năm nay và vắc xin Trung Quốc không còn chiếm phần lớn nguồn cung ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Điều này một phần là do sự sẵn có của các loại vắc xin có hiệu quả tốt hơn nhưng cũng là do nhu cầu ít hơn.

Sáu tháng trước, Trung Quốc là nước xuất khẩu vắc xin COVID-19 lớn nhất sang các nước đang phát triển. Điều đó một phần là do năng lực sản xuất khổng lồ của nước này, nhưng cũng do các nước sản xuất vắc xin lớn khác ít tập trung vào việc xuất khẩu hơn.

Hầu hết vắc xin Trung Quốc được cung cấp thông qua các thỏa thuận thương mại song phương và được ưu tiên dành cho khu vực châu Á, nơi Trung Quốc muốn mở rộng quyền lực mềm của mình. Nhưng nước này cũng đã tăng cường đóng góp vắc xin từ cuối năm ngoái, thông qua các thỏa thuận song phương hoặc qua cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ, khi Mỹ cũng bắt đầu đóng góp nhiều vắc xin hơn cho thế giới sau khi nhu cầu trong nước đã được đáp ứng. 

anh-chup-man-hinh-2022-04-14-luc-10.56.55.png
Một lô vắc xin Sinovac được chuyển tới thành phố Pasay (Philippines) -  Ảnh: Xinhua

Nhưng năm nay, mọi thứ đã thay đổi. Xuất khẩu vắc xin của Trung Quốc cả thông qua giao dịch thương mại và đóng góp với các nước đều giảm mạnh kể từ tháng 1 năm nay. Vắc xin Trung Quốc không còn chiếm phần lớn nguồn cung ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Theo các nhà phân tích, một nguyên nhân là sự sẵn có của các loại vắc xin khác với dữ liệu hiệu quả tốt hơn so với vắc xin của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong xuất khẩu vắc xin trong tháng 3 cũng cho thấy một tình huống mới đó là các nước đang phát triển hiện đã có quá đủ vắc xin trong khi tỷ lệ tiêm chủng của họ vẫn tương đối thấp.

Các nhà phân tích cho rằng tất cả những điều này đang ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc.

Tại sao xuất khẩu vắc xin giảm đột ngột?

Theo công ty phân tích Airfinity của Anh, việc xuất khẩu vắc xin của Trung Quốc ra nước ngoài do các công ty dược phẩm Sinopharm, Sinovac và CanSino sản xuất đã đạt mức cao nhất vào tháng 11 với 235 triệu liều, 202.9 triệu liều trong số đó là các giao dịch thương mại. Đến tháng 12, các lô hàng của các thỏa thuận thương mại đã giảm xuống còn 89 triệu liều nhưng tổng lượng xuất khẩu vẫn ở mức cao 199 triệu, được thúc đẩy bởi sự gia tăng giao hàng cho cơ chế COVAX.

Xuất khẩu vắc xin sau đó đã giảm mạnh trong ba tháng đầu năm nay, xuống còn 51,6 triệu liều vào tháng 1.2022, 36 triệu liều vào tháng 2 và 11,5 triệu liều vào tháng 3.2022.

Năm ngoái, hầu hết vắc xin Trung Quốc được cung cấp cho các nước đang phát triển, trong khi các nhà sản xuất vắc xin mRNA như Pfizer và Moderna chủ yếu cung cấp cho các quốc gia giàu có. Nhưng trong 3 tháng đầu năm nay, Pfizer đã lần đầu tiên vượt qua các nhà sản xuất thuốc Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho các nước có thu nhập trung bình và thấp, với lô hàng hàng tháng là 91 triệu liều vào tháng Giêng, 85,7 triệu liều vào tháng 2 và 46,6 triệu liều vào tháng 3, theo dữ liệu của Liên hợp quốc. 

Dữ liệu từ Bridge Consulting có trụ sở tại Bắc Kinh, theo dõi hoạt động phân phối vắc xin của Trung Quốc ra nước ngoài, cũng cho thấy lượng vắc xin xuất khẩu từ Trung Quốc giảm đáng kể trong năm nay. Ngoài ra, hai khách hàng chủ chốt của vắc xin Trung Quốc là Brazil và Indonesia cũng không gia hạn các hợp đồng mua bán đã kết thúc vào năm 2021.

Nicholas Thomas, Giáo sư tại Đại học Thành phố Hồng Kông (CUHK), cho biết từ dữ liệu phê duyệt vắc xin rằng "hầu hết các quốc gia trên thế giới thích vắc xin Pfizer và AstraZeneca".

Thomas nói: "Khi biến thể Omicron trở thành chủng vi rút thống trị toàn cầu, các quốc gia sẽ thích các loại vắc xin hiệu quả hơn để bảo vệ dân số của họ". 

Nhiều nhà khoa học đã gợi ý rằng, mặc dù vắc xin của Trung Quốc kém hiệu quả hơn so với vắc xin mRNA và protein tái tổ hợp, chúng vẫn có thể làm giảm các ca tử vong và bệnh nặng. Song với nhiều sự lựa chọn hơn hiện nay, một số quốc gia ít có khả năng lựa chọn vắc xin Trung Quốc hơn. Đó là trường hợp ở châu Phi, theo Oladoyin Odubanjo, bác sĩ sức khỏe cộng đồng kiêm thư ký điều hành của Học viện Khoa học Nigeria.

Odubanjo cho biết: "Với số ca nhiễm COVID-19 thấp ở hầu hết các nước châu Phi, các quốc gia không mua vắc xin của Trung Quốc vì ngày càng có nhiều loại vắc xin khác được sản xuất".

Những nơi từng là thị trường quan trọng của vắc xin Trung Quốc vào năm ngoái, chẳng hạn như Indonesia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất hiện đang tìm cách đa dạng hóa nguồn hàng và mua vắc xin từ các nhà sản xuất thuốc phương Tây.

Trong thời gian việc xuất khẩu vắc xin của Trung Quốc còn thấp,  Brazil đã là cơ sở quan trọng để Sinovac mở rộng sự hiện diện của mình ở Nam Mỹ thông qua hợp tác sản xuất và thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, Brazil cũng đã đa dạng hóa các đối tác của mình, bao gồm BioNTech, AstraZeneca và Bệnh viện Mount Sinai ở Mỹ để phát triển hoặc sản xuất vắc xin, dựa trên mô hình của Trung Quốc, theo một báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương.

Trung Quốc có khả năng sản xuất 5 tỉ liều vắc xin COVID-19 mỗi năm. Huang Yanzhong, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại New York, cho rằng con số này đủ để đáp ứng cả xuất khẩu và nhu cầu trong nước, ngay cả khi  việc tiêm mũi vắc xin tăng cường được đẩy nhanh trong bối cảnh các làn sóng ca bệnh mới liên tục bùng phát.

Odubanjo cho biết việc xuất khẩu vắc xin giảm một phần là do “lo ngại về hiệu quả”.

"Biến thể Omicron có thể gây ra vấn đề lớn hơn cho các quốc gia phụ thuộc vào vắc xin của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi những lo ngại về tính hiệu quả có thể khiến một số quốc gia xem xét lại vắc xin của Trung Quốc, thì vẫn còn quá sớm để dự đoán về việc vắc xin Trung Quốc bị thất sủng", Odubanjo chia sẻ.

Ngoại giao vắc xin đã kết thúc?

Trong khi hiệu quả là một vấn đề, một vấn đề khác là nhu cầu. Lần đầu tiên, COVAX, cơ chế nhân đạo nhằm đảm bảo các quốc gia nghèo được tiếp cận công bằng và bình đẳng với vắc xin COVID-19  đã cung cấp nhiều vắc xin hơn nhu cầu vào tháng 1.2022.

Vào tuần trước, Liên minh châu Phi và COVAX thậm chí đã từ chối một lựa chọn để có được 110 triệu liều vắc xin Moderna trong hai quý đầu năm và 332 triệu trong quý 3 và 4.

Với nhu cầu ít hơn, xuất khẩu vắc xin đã giảm trên toàn thế giới. Tổng số vắc xin xuất khẩu đã giảm từ 1,55 tỉ liều vào tháng 12 xuống còn 550 triệu vào tháng 3, theo dữ liệu của Liên hợp quốc.

Jerome Kim, Tổng giám đốc của Viện vắc xin quốc tế, cho biết có một vấn đề về nhu cầu vắc xin ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

"Đầu tiên có sự đứt gãy trong hoạt động chuyên chở để vắc xin đến nơi cần đến. Thứ hai là dịch vụ chăm sóc sức khỏe đủ mạnh để chuyển từ vắc xin cho trẻ em sang vắc xin cho tất cả mọi người. Thứ ba là nhu cầu tiêm chủng. Chúng tôi đã mong rằng người dân sẽ hưởng ứng việc tiêm chủng khi đã nhận thức rõ về rủi ro do dịch bệnh gây ra nhưng rất tiếc lại không phải như vậy", Kim đề cập đến tình trạng do dự tiêm chủng ở nhiều nước đang phát triển. 

Để giải quyết những vấn đề này, Liên minh vắc xin toàn cầu GAVI, cho biết họ sẽ chuyển trọng tâm sang xây dựng năng lực cho việc tiêm chủng.

“Thực tế là vắc xin hiện nay dễ dàng có sẵn với số lượng lớn thể hiện một thắng lợi lớn của khoa học và sản xuất. Điều đó cũng có nghĩa là COVAX hiện có thể thực hiện những gì đã luôn lên kế hoạch, đó là cung cấp cho các nước có thu nhập thấp một loạt các sự lựa chọn để họ có thể bảo vệ người dân của mình một cách tốt nhất. Trọng tâm của chúng tôi hiện nay là giúp các quốc gia biến vắc xin thành tiêm chủng", GAVI cho biết.

anh-chup-man-hinh-2022-04-14-luc-10.57.06.png
Một thùng vắc xin Trung Quốc được chất lên một xe tải lạnh tại sân bay Quốc tế Phnom Penh (Campuchia) vào tháng trước - Ảnh: Xinhua

Một số nhà phân tích cho rằng kịch bản mới này có thể đánh dấu dấu chấm hết cho chính sách ngoại giao vắc xin, không chỉ đối với Trung Quốc.

Detlef Nolte, Giáo sư nghiên cứu về Châu Mỹ Latinh tại Hội đồng Đức, cho biết: "Tôi nghĩ rằng hiện tại thời kỳ cao điểm của ngoại giao vắc xin đã kết thúc, ngoại trừ các quốc gia mà nguồn cung vẫn còn thiếu".

Huang đến từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cũng gợi ý rằng nếu xu hướng này tiếp tục, nó có thể là dấu chấm hết cho chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc.

Nhưng điều đó vẫn chưa ngăn được Trung Quốc tìm cách can dự vào các nước láng giềng về việc cung cấp vắc xin COVID-19. Vào tháng 3, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ gửi thêm 20 triệu liều vắc xin tới Campuchia.

"Bất chấp sự sụt giảm, Trung Quốc vẫn tích cực theo đuổi chính sách ngoại giao vắc xin của mình. Trung Quốc đang làm sâu sắc thêm các nỗ lực của mình", Thomas từ CUHK cho biết, đồng thời lưu ý rằng ông Tập Cận Bình đã cam kết tặng thêm 150 triệu liều cho các nước Đông Nam Á vào tháng 11.

"Con số này nằm trong con số 350 triệu liều bổ sung mà Trung Quốc đã cam kết với các quốc gia Trung Á và châu Phi. Cho đến nay, tổng số vắc xin tài trợ của Trung Quốc chỉ là 222 triệu liều, đây là một sự gia tăng đáng kể trong cam kết vắc xin của nước này", Thomas nói. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
một giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thời kỳ ngoại giao vắc xin đã chấm hết?