Sri Lanka đang chìm trong khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948 đến nay.

Nguyên nhân gây nên khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka

Cẩm Bình | 14/04/2022, 10:37

Sri Lanka đang chìm trong khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948 đến nay.

Đảo quốc Tích Lan không còn khả năng thanh toán nợ nước ngoài, 22 triệu dân chịu cảnh thiếu thốn nhiều mặt hàng thiết yếu. Chính phủ tiến hành cắt điện luân phiên và cung cấp sữa bột, đường, đầu lăng, gạo theo khẩu phần.

Lạm phát tại Sri Lanka đạt mức kỷ lục 17,5% với giá một số mặt hàng lương thực tăng vọt: một kg gạo từ 80 rupee lúc bình thường nay lên đến 500 rupee, một gói sữa bột 400 g từ khoảng 60 rupee lên hơn 250 rupee.

Tổng thống Gotabaya Rajpaksha ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 1.4, nhưng chưa đầy một tuần sau ông rút lại khi người dân tổ chức biểu tình bày tỏ thái độ giận dữ với cách chính phủ xử lý khủng hoảng.

Sri Lanka phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm, thuốc men. Hầu hết quốc gia sẽ giữ ngoại tệ trong tay để mua những mặt hàng này, nhưng tình trạng thiếu ngoại hối ở Sri Lanka được cho là nguyên nhân dẫn đến giá cao ngất ngưởng.

whsri.jpg
Người dân Sri Lanka biểu tình phản ứng với cách chính phủ giải quyết khủng hoảng kinh tế - Ảnh: AAP

Đổ lỗi cho Trung Quốc

Nhiều người tin rằng quan hệ kinh tế với Trung Quốc thúc đẩy khủng hoảng. Sri Lanka đã rơi vào “bẫy nợ”: bên cho vay gia hạn nợ cho bên vay hòng tăng cường ảnh hưởng chính trị, nếu bên vay gia hạn và không thể trả thì họ bị bên cho vay chi phối..

Nhưng các khoản vay từ Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10% tổng nợ nước ngoài năm 2020 của Sri Lanka. Phần lớn nhất - khoảng 30% - là do trái phiếu quốc tế.

Các khoản vay cơ sở hạ tầng liên quan đến Trung Quốc - đặc biệt là khoản tài trợ cho cảng Hambantota - cũng bị xem là yếu tố gây nên khủng hoảng. Tuy nhiên cảng Hambantota sau khi được tài trợ bởi ngân hàng Exim Trung Quốc, do hoạt động thua lỗ nên cho tập đoàn Merchant Trung Quốc thuê trong 99 năm, tập đoàn trả cho Sri Lanka 1,12 tỷ USD.

Vụ việc cảng Hambantota không thể nào dẫn đến khủng hoảng cán cân thanh toán (khi tiền hoặc hàng xuất khẩu mất đi nhiều hơn thu vào). Dự trữ ngoại hối Sri Lanka trên thực tế đã nhận thêm được 1,12 tỷ USD.

Nguyên nhân thực sự

Kể từ sau khi giành được độc lập, nông nghiệp Sri Lanka chủ yếu là cây trồng hướng đến xuất khẩu như chè, cà phê, cao su, gia vị. Ngoại hối từ xuất khẩu số nông sản này chiếm tỷ lệ lớn trong GDP và được dùng để nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.

Vài năm qua Sri Lanka cũng xuất khẩu cả hàng may mặc cũng như thu ngoại tệ từ du lịch và kiều hối. Xuất khẩu sụt giảm sẽ là cú sốc kinh tế khiến dự trữ ngoại hối nước này rơi vào tình trạng căng thẳng.

Vì lý do trên, Sri Lanka thường xuyên gặp khủng hoảng cán cân thanh toán. Từ năm 1965 đến nay nước này nhận đến 16 khoản vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Mỗi khoản vay đều kèm theo loạt điều kiện gồm phải giảm thâm hụt ngân sách, duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, bỏ trợ cấp lương thực, giảm giá đồng tiền giúp thúc đẩy xuất khẩu.

Nhưng thông thường trong giai đoạn suy thoái, các chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn để kích thích kinh tế – điều bất khả thi với loạt điều kiện của IMF. Các khoản vay IMF vẫn được cung cấp bất chấp tình hình tồi tệ, và Sri Lanka nợ ngày càng nhiều.

Khoản vay IMF gần nhất là vào năm 2016, Sri Lanka nhận 1,5 tỉ USD trong giai đoạn 2016 - 2019 với loạt điều kiện quen thuộc. Sức khỏe nền kinh tế yếu dần theo thời gian: tăng trưởng, đầu tư, tiết kiệm và doanh thu giảm trong khi gánh nặng nợ nần tăng lên.

Tình hình xấu đi vì hai cú sốc lớn năm 2019. Đầu tiên là loạt vụ đánh bom nhà thờ và khách sạn hạng sang tại thủ đô Colombo tháng 4 khiến lượng khách du lịch giảm mạnh đến 80%, thứ hai quyết định cắt giảm thuế phi lý của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.

Thuế giá trị gia tăng giảm từ 15% xuống 8%, một số loại thuế thu gián tiếp như thuế xây dựng quốc gia, thuế thu nhập, phí dịch vụ kinh tế được bãi bỏ, thuế doanh nghiệp giảm từ 28% xuống 24%. Khoảng 2% GDP bị thất thu do đợt cắt giảm thuế.

Đến tháng 3.2020 thì đại dịch COVID-19 ập đến. Một tháng sau chính quyền Rajapaksa mắc một sai lầm chết người khác: ngừng nhập khẩu phân bón để dự trữ ngoại hối cạn kiệt. Chính sách 100% nông nghiệp hữu cơ triển khai trước đó (bị rút lại vào tháng 11.2021) làm sản xuất nông nghiệp giảm mạnh và khiến việc nhập khẩu trở nên cần thiết.

Nhưng dự trữ ngoại hối Sri Lanka vẫn chưa hết căng thẳng. Năng suất chè và cao su giảm do lệnh cấm nhập phân bón dẫn đến nguồn thu từ xuất khẩu giảm. Do nguồn thu từ xuất khẩu giảm nên có ít tiền nhập khẩu lương thực lương thực hơn, gây nên tình trạng thiếu lương thực.

Nguồn cung lương thực và các mặt hàng thiết yếu giảm nhưng nhu cầu không giảm, dẫn đến giá cả tăng. Đến tháng 2.2022, lạm phát tăng lên đên 17,5%.

Khoản vay thứ 17

Sri Lanka chắc chắn phải vay thêm tiền từ IMF để vượt qua khủng hoảng hiện tại, và chịu thêm nhiều điều kiện ngặt nghèo mới. Chính sách tài khóa giảm phát sẽ được thực hiện hạn chế triển vọng phục hồi kinh tế, làm trầm trọng thêm cảnh thiếu thốn của người dân đảo quốc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
16 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyên nhân gây nên khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka