Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định đảm bảo thị trường chứng khoán vận hành ổn định và an toàn; tăng cường minh bạch. Khi phát hiện vi phạm là “xử lý nghiêm, không bàn nhiều”.
Trả lời báo chí về sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29.10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết hiện nay các cân đối vĩ mô của Việt Nam được giữ ổn định, là cơ sở cho nền kinh tế, các doanh nghiệp tăng trưởng, phát triển, ổn định thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, diễn biến thị trường chứng khoán thời gian vừa qua có những phiên giảm sâu.
Việc thị trường chứng khoán điều chỉnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Về quốc tế, kinh tế của các khu vực lớn như Mỹ, EU có sự thay đổi, lạm phát ở mức cao, từ đó các chính sách về tiền tệ, tài khóa của họ thay đổi mạnh mẽ và tác động đến kinh tế của thế giới. Các tổ chức kinh tế lớn đều hạ dự báo tăng trưởng của năm nay.
Một nguyên nhân khác là xung đột Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào mới kết thúc. Đây là cuộc xung đột khu vực nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới, ảnh hưởng đến các mặt hàng chiến lược và điều này tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán của thế giới cũng có những mức điều chỉnh rất mạnh. Điều này cũng tác động liên thông đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ở trong nước, ông Chi cho hay để ứng phó với những thay đổi của thế giới thì Việt Nam cũng phải điều chỉnh chính sách như tăng lãi suất, room tín dụng… ảnh hưởng đến dòng tiền vào chứng khoán; tiền được hướng đến các tổ chức tín dụng nhờ tăng lãi suất cũng như sản xuất kinh doanh sau khi hồi phục kinh tế sau dịch.
“Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng vào sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Chi nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định đảm bảo thị trường chứng khoán vận hành ổn định và an toàn; tăng cường minh bạch thị trường thông qua việc yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc công bố thông tin, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm.
“Vi phạm là xử lý nghiêm, không bàn nhiều”, ông Chi nói.
Ông Chi cho biết sẽ tập trung tổ chức nhiều đoàn thanh tra, giám sát các công ty niêm yết, các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ… để phát hiện các vi phạm trên thị trường từ công bố thông tin, giao dịch. Các vi phạm bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm và công bố công khai, nếu nghiêm trọng sẽ chuyển sang cơ quan công an xử lý.
Ông Chi cũng cho hay sẽ tăng cường thông tin chính thống ra thị trường một cách kịp thời để thông tin xấu độc không lan truyền. Đồng thời, cần xử lý những tin đồn thất thiệt, tung tin trục lợi. Các cơ quan như Bộ TT-TT, Bộ Công an phải xử lý nghiêm, thậm chí truy tố những trường hợp vi phạm.
Thêm vào đó, Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát các quy định của pháp luật liên quan như Luật Chứng khoán, Nghị định 155 hướng dẫn Luật Chứng khoán để sửa đổi, bổ sung các quy định, khắc phục các vướng mắc, bất cập; nâng cao năng lực của cơ quan quản lý, nhà đầu tư…
Từ đầu năm 2022 cho tới nay, VN-Index đã giảm khoảng hơn 35,8% từ mức 1.500 điểm xuống mức thấp nhất của ngày 25.10.2022 là 962 điểm. Gần đây, tính từ đầu tháng 9 cho tới nay, VN-Index cũng đã giảm mạnh hơn 24% từ mốc 1.280 điểm xuống thấp nhất là quanh 962 điểm.
Các chuyên gia cho rằng sự sụt giảm của thị trường đến từ một số nguyên nhân chính như rủi ro suy thoái toàn cầu khiến dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường cổ phiếu trong đó có Việt Nam; mặt bằng lãi suất tăng cao cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại bình thường sau COVID-19 đã kéo một phần dòng tiền ra khỏi thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, các sự kiện bắt bớ một số lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến trái phiếu, cổ phiếu dù thanh lọc thị trường trong sạch nhưng ngắn hạn vẫn tác động đến tâm lý nhà đầu tư...
Trong bối cảnh đó, không chỉ nhà đầu tư cá nhân thua lỗ, rút lui khỏi thị trường mà nhiều quỹ nội lẫn ngoại cũng đua nhau báo lỗ kỷ lục.