Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định.
Ngày 18.9, Văn phòng chính phủ có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc người dân phản ánh không được cứu trợ. Văn bản nêu, thời gian gần đây, tại một số nơi ở TP.HCM có tình trạng người dân kéo lên trụ sở UBND xã, phường phản ánh không được cứu trợ.
Về việc này, Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát, không để sót, lọt đối tượng, không để người dân thiếu ăn, không để bất bình đẳng trong việc nhận hỗ trợ; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng kích động người dân gây mất an ninh trật tự và an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Sáng 17.9, tại buổi làm việc trực tuyến với một số quận, huyện về giám sát thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và TP liên quan đến chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch COVID-19, ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cũng đã đề cập việc này.
Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, từ ngày 17.8 đến 15.9, TP.HCM có 154 vụ người dân kéo đi lên các trụ sở để khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến việc hỗ trợ với 7.421 trường hợp, đứng đầu là quận Bình Tân, kế đến là quận 8, huyện Hóc Môn. Ông Quang cho rằng sở dĩ có tình trạng này là do các văn bản hướng dẫn hỗ trợ rất khó hiểu.
“Văn bản của chúng ta rất khó hiểu, cán bộ còn không hiểu được, huống gì tổ dân phố, người dân… Người thực thi là hệ thống chính trị cũng gặp lúng túng, truyền tải đến người dân còn khó khăn hơn, đó là nguyên nhân của việc khiếu nại, bức xúc”, ông Quang nói.
Ông cũng cho rằng, có cả tình trạng người dân kéo lên phường khiếu kiện, xin được giải thích nhưng bảo vệ không cho vào nên bà con kéo lên UBND quận cả trăm người.
Ngày 1.7.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Trong đó, đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, Nghị quyết 68 nêu rõ, căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Trước đó, kết luận về phương án hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn do COVID-19, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu các quận, huyện và TP.Thủ Đức hoàn tất việc phê duyệt danh sách trước ngày 20.9, tiền chuyển về địa phương trước 21.9 để kịp thời chi cho người dân khó khăn. Từ ngày 22.9 đến 4.10, các địa phương sẽ chi gói hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn do dịch.
Ngày 15.9, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP có đề xuất số lượng người dự kiến được giúp đỡ trong đợt 3 là hơn 7,5 triệu người. Mức hỗ trợ một lần cho mỗi người là 1 triệu đồng, dự toán kinh phí hơn 7.500 tỉ đồng.