Thủ tướng nhấn mạnh: "Ngành Công Thương phải xuất khẩu chạm mốc 300 tỉ USD, xuất siêu 2% GDP, lưu ý không được để mất thị trường bán lẻ...".

Thủ tướng lưu ý 5 vấn đề với ngành Công Thương

tuyetnhung | 27/12/2019, 21:11

Thủ tướng nhấn mạnh: "Ngành Công Thương phải xuất khẩu chạm mốc 300 tỉ USD, xuất siêu 2% GDP, lưu ý không được để mất thị trường bán lẻ...".

          

Tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành Công Thương ngày 27.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Bộ Công Thương là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại rất quan trọng và rất phức tạp, Thủ tướng nêu ra 5 vấn đề cần lưu ý.

Thứ nhất, ngành Công Thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành; tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường.

Thể chế chính sách, nhất là quy hoạch phát triển, thể hiện một thể chế tiên tiến, làm đà cất cánh cho Việt Nam nói chung, nhất là những ngành công nghiệp mũi nhọn là một yêu cầu cấp bách cho ngành Công Thương. Để làm những việc này, ngành Công Thương cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước của ngành từ Trung ương đến địa phương để tạo nên một bước phát triển đúng hướng.

Thứ hai, phải nâng cao năng suất nội ngành của ngành công nghiệp; phát triển ngành công nghiệp Việt Nam giảm phụ thuộc vào lợi thế không bền vững của nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ, thay vào đó phải chuyển ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp chế biến dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và cạnh tranh. 

Thứ ba, phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển của ngành Công Thương, tiếp tục tạo ra sự thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Phải thảo luận chuyên đề để đón bắt thời cơ các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam, cơ chế nào để tiếp tục thu hút các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam.

Thứ tư, tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, để tăng năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân, nhu cầu nội địa lớn, do đó, Bộ Công Thương cần tổ chức tốt thị trường, xây dựng thương hiệu mạnh, hàng Việt Nam thuyết phục người Việt Nam, không được để mất thị trường bán lẻ".

Thứ năm, phải tạo thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu, theo tinh thần hậu kiểm, chống tham nhũng trong xuất nhập khẩu. Thủ tướng cũng nhấn mạnh 3 mục tiêu quan trọng năm 2020 đối với ngành Công Thương: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12%; phải xuất khẩu chạm mốc 300 tỉ USD, xuất siêu 2% GDP; tăng trưởng thị trường bán lẻ đạt con số khoảng 12%.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu đến hết tháng 12 ước đạt gần 517 tỉ USD, tăng xấp xỉ 8% so với 2018. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 263,5 tỉ USD, tăng hơn 8% so với 2018. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu kiểm soát tốt, khoảng 253,5 tỉ USD. Nhờ đó, thặng dư thương mại gần 10 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Trong bối cảnh giảm sút tổng cầu, bảo hộ mậu dịch gia tăng, việc Việt Nam xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp giúp dự trữ ngoại hối duy trì mức cao, ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô. Số lượng mặt hàng xuất khẩu từ một tỷ USD tăng lên 32 mặt hàng, gấp rưỡi năm 2011. Trong đó 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD, 6 mặt hàng trên 10 tỉ USD.

Nhật Bản, Mỹ, EU, ASEAN... vẫn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm qua. Việt Nam đã xuất siêu vào thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng như Mỹ 46,4 tỉ USD, EU gần 27 tỉ USD. 

Nhìn nhận về xuất nhập khẩu năm 2020, Bộ trưởng Công Thương nói sẽ thách thức không nhỏ trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa chấm dứt; bảo hộ mậu dịch phát triển phức tạp, có nguy cơ cản trở tự do hoá thương mại... Vì thế, việc tham mưu, dự báo chính sách sát thực tế hơn là yêu cầu hàng đầu. 

Tuyết Nhung

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng lưu ý 5 vấn đề với ngành Công Thương