Theo Thủ tướng, nguyên nhân của những vướng mắc, hạn chế là tư duy, nhận thức vẫn chưa đúng tầm; ngành chưa thực sự chủ động vươn lên từ nội lực, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Thiếu vắng những tác phẩm lớn, xứng tầm
Ngày 2.6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Báo cáo Thủ tướng, lãnh đạo Bộ cho biết, thời gian qua, một số lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch có những tiến bộ toàn diện, vững chắc. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những băn khoăn, trăn trở của những người làm văn hóa trước các hiện tượng lệch chuẩn, biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.
Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thể chế quản lý chưa theo kịp và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc thực thi nhiều quy định của pháp luật liên quan đến văn hóa còn lúng túng. Việc xây dựng một số cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa còn chậm, một số chính sách đã ban hành khó áp dụng, vận dụng trong thực tiễn...
Bên cạnh đó, tư duy quản lý chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, các cơ quan quản lý vẫn còn ôm đồm, bị sa đà vào các hoạt động cụ thể, các công việc sự vụ, phong trào mà chưa thực sự phát huy được đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước. Sự tách bạch giữa quản lý nhà nước và hoạt động tác nghiệp chưa rõ.
“Chất lượng hiệu quả của hoạt động văn hóa, văn nghệ chưa cao. Dù lượng tác giả nhiều, tác phẩm được xuất bản cao hơn nhưng lại luôn thiếu những tác phẩm lớn xứng tầm, còn thiếu vắng các tác phẩm nghệ thuật mang cảm xúc thời đại”, Bộ trưởng phát biểu.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Bộ VHTT-DL phải mạnh dạn thay đổi tư duy trong quản lý mới có thể tạo đột phá, đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của nhân dân, trước hết trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, lịch sử, nhất là những di tích, di sản cấp đặc biệt, cấp quốc gia; đồng bộ cơ chế, kinh phí đặt hàng, sáng tác, phổ biến các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật trên tất cả các lĩnh vực.
Cùng với đó, Bộ cũng cần khẩn trương xử lý dứt điểm một số vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm như cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam; xây dựng bộ tiêu chí quy định rõ những hành vi, thái độ ứng xử bị coi là phản cảm, phản văn hoá trong cuộc sống hằng ngày cũng như lễ hội; rà soát tính hiệu quả, thực chất hệ thống thiết chế văn hoá cả ở Trung ương và địa phương; đẩy nhanh tốc độ số hóa về du lịch, di sản văn hoá, tư liệu…
Tư duy, nhận thức chưa đúng với vai trò
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh báo cáo của Bộ và các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đã rất thẳng thắn, khiêm tốn chỉ ra những bất cập, hạn chế, đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, không say sưa với thắng lợi nhưng cũng không bi quan, mất động lực, mất bản lĩnh khi còn những hạn chế, bất cập; phải bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, nhìn thẳng vào sự thật, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thành quả thật, coi khó khăn, hạn chế cũng là một động lực để phấn đấu, vươn lên, vượt qua.
Theo Thủ tướng, nguyên nhân của những vướng mắc, hạn chế nói trên là tư duy, nhận thức vẫn chưa đúng tầm với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của ngành. Ngành chưa thực sự chủ động tích cực vươn lên từ nội lực, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Việc huy động và khai thác nguồn lực xã hội chưa được coi trọng, chưa phong phú, đa dạng, chưa bám sát quy luật thị trường, chưa đi đúng hướng, hiệu quả. Việc thụ hưởng các thành tựu văn hóa còn chênh lệch giữa các vùng miền. Tiềm năng du lịch rất lớn chưa phát huy hết được do những hạn chế về thể chế, hạ tầng du lịch và phương pháp, tư duy quản lý…
“Duy trì cơ chế cũ thì bao nhiêu tiền ngân sách cũng thấy thiếu”.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong phát triển ngành là phải tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, biến khó khăn, thách thức thành động lực để phấn đấu, khẳng định và trưởng thành, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể...
“Suy nghĩ phải kỹ, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trong điểm, làm việc nào dứt việc đó”, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy mạnh mẽ, coi truyền thống văn hóa - lịch sử là một nguồn lực, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”, có tác động lan tỏa.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra, “việc gì cũng lên Bộ thì nhân sự gấp 10 lần cũng không làm nổi”.
Thủ tướng lấy ví dụ, các trung tâm văn hóa – thể thao, công viên, nhà hát, sân vận động, làng văn hóa… đều có thể huy động nguồn lực từ xã hội, vấn đề là phải luôn suy nghĩ, tìm tòi, đề xuất cách làm, thể chế, chính sách phù hợp. Các đơn vị này phải phát triển theo hướng tự chủ, đẩy mạnh hợp tác công tư, xóa bao cấp, “nếu duy trì cơ chế cũ thì bao nhiêu tiền ngân sách Nhà nước cũng thấy thiếu”.
Phát triển công nghiệp văn hóa
Thủ tướng yêu cầu ngành đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nắm bắt xu thế thời đại để có hướng đi đúng, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, quản lý số, vấn đề này đã có đường lối, chính sách chung, ngành phải mạnh dạn triển khai hiệu quả, phù hợp tình hình.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển lĩnh vực nghệ thuật vì đây là lĩnh vực khó, đặc thù, phải có chính sách đúng tầm, phù hợp.
Đồng thời, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí trên nền tảng văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
“Phải dựa trên nền tảng văn hóa, truyền thống của chính chúng ta thì mới có thể phát triển bền vững, lâu dài”, Thủ tướng nói.
Chia sẻ với ngành du lịch về những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, Thủ tướng đề nghị phát huy tinh thần “trong cái khó, ló cái khôn”.
“Đóng cửa ngay thì dễ quá, vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh mới cần chúng ta suy nghĩ, bàn bạc. Tình hình càng khó khăn càng đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ của người lãnh đạo, nếu vượt qua được sẽ càng củng cố được niềm tin của các đối tác”, Thủ tướng chia sẻ và nhắc tới việc Bắc Giang đã triển khai mô hình vừa sản xuất, vừa bố trí cho người lao động ăn, ở ngay tại nhà máy.