Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Moscow và Stockholm, các cơ quan an ninh Thụy Điển đã tỏ ra lo lắng về nguy cơ xâm nhập của gián điệp Nga, đe dọa đến tình hình an ninh quốc gia. Thông báo này làm xấu hình ảnh nước Nga.
Theo báo cáo hằng năm của Cục An ninh Thụy Điển (SAP), hoạt động gián điệp của Nga dưới nhiều hình thức chiến tranh tâm lý khác nhau sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh của Thụy Điển. Các hoạt động gián điệp được thực hiện thông qua “phong trào cực đoan, hoạt động thông tin và cung cấp thông tin sai lạc”, nhằm tác động đến chính sách và người dân Thụy Điển.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp báo cáo từ SAP nhận định gián điệp Nga là mối đe dọa tình báo lớn nhất của quốc gia Bắc Âu. Báo cáo trong năm 2016 cho thấy hơn 10 nhà ngoại giao bên trong Thụy Điển đang tham gia các hoạt động gián điệp, bất chấp việc Stockholm yêu cầu một số nhân viên Đại sứ quán Nga rời khỏi nước này trong năm 2015. Ngoài ra, một số gián điệp hiện làm việc trong các hãng hàng không và doanh nghiệp tại Thụy Điển.
Wilhelm Unge, một nhà nghiên cứu phản gián, nói với truyền thông địa phương: “Chúng tôi phát hiện hoạt động tình báo trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế cho đến quân sự và nhiều hơn nữa. Đánh giá tổng thể là rất đáng lo ngại”.
Thụy Điển không phải là thành viên của NATO, nhưng có vai trò quan trọng trong Liên minh châu Âu, bao gồm cả việc tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga do khối 28 nước áp đặt, liên quan đến sự can thiệp của Moscow trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Stockholm cũng cáo buộc Nga điều động một tàu ngầm đến quần đảo Stockholm và gia tăng hoạt động quân sự ở biển Baltic, bao gồm cả việc sử dụng máy bay ném bom trong các cuộc diễn tập tấn công Thụy Điển. Hiện tại, chính phủ Thụy Điển có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng và hợp tác quân sự với quốc gia láng giềng Phần Lan - một nước cũng không phải là thành viên của NATO hay EU.
Ngoài Nga, hoạt động gián điệp của Trung Quốc và Iran cũng đe dọa đến quốc gia Bắc Âu. Trong số các nhóm khủng bố, Nhà nước Hồi giáo ngày càng lớn mạnh và trở thành mối nguy hiểm tiềm năng đối với Thụy Điển, khi nhiều công dân nước này tham gia chiến đấu cho khủng bố IS. Hơn 300 người Thụy Điển đã đến Syria và Iraq để gia nhập lực lượng khủng bố. Trong đó, có 135 người có trở về và 44 người khác được báo cáo đã thiệt mạng.
Hàn Giang (theo International Business Times)