Không chỉ tích cực điều trị bảo vệ tính mạng các ca bệnh COVID-19, nhiều địa phương ở tỉnh Tiền Giang còn bảo vệ tài sản, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các ca F0 để họ yên tâm trị bệnh.

Tiền Giang: Một gia đình nông dân bị nhiễm COVID-19 và câu chuyện tình người trong đại dịch

Mỹ Tho- VKK | 17/10/2021, 16:15

Không chỉ tích cực điều trị bảo vệ tính mạng các ca bệnh COVID-19, nhiều địa phương ở tỉnh Tiền Giang còn bảo vệ tài sản, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các ca F0 để họ yên tâm trị bệnh.

Gia đình ông Lê Tấn Huy, ở ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang), không may có 6/6 người bị dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có người cha và mẹ ông đã trên 70 tuổi cùng 2 con nhỏ tuổi. Cả gia đình được đưa vào bệnh viện dã chiến điều trị 14 ngày và sau khi xuất viện phải thực hiện cách ly thêm 14 ngày tại nhà. Điều đáng nói, trong 28 ngày điều trị bệnh và cách ly tại nhà, đàn dê 20 con và là nguồn sống duy nhất trong gia đình ông Huy đã được người dân trong xóm chăm sóc chu đáo.

Sau khi cả gia đình ông Huy vào bệnh viện dã chiến điều trị bệnh COVID-19, lãnh đạo ấp Đông, xã Long Định đã bàn với Tổ tự quản số 5 sẽ bảo vệ tài sản của gia đình bệnh nhân này. Trong đó, quan trọng nhất là phải giữ được đàn dê thương phẩm.

Ông Huỳnh Văn Thanh - tổ trưởng Tổ tự quản số 5 đã vận động 6 người dân trong tổ cùng với ông thực hiện việc đi cắt cỏ để nuôi đàn dê. Mỗi ngày, từ 7-10 giờ sáng, 7 người cùng đi ra nơi công cộng để cắt cỏ, chở về đưa vào chuồng cho đàn dê ăn. Đích thân ông Huỳnh Văn Thanh mang đồ bảo hộ, đưa cỏ vào tận chuồng để cho dê ăn và làm các công việc chăm sóc đàn dê. Công việc cung cấp khoảng 100 kg cỏ mỗi ngày và vào nhà có ổ dịch COVID-19 để nuôi đàn dê rất vất vả và nguy hiểm. Ông Thanh và 6 người dân trong tổ nhân dân tự quản đã cố gắng cao nhất trong tình làng nghĩa xóm.

Khi gia đình ông Huy xuất viện, hoàn thành thời gian cách ly y tế, thì tài sản trong nhà và đàn dê đều được bảo toàn.

ong-le-tuan-huy-ben-chuong-de.jpg
Sau trị bệnh F0, ông Lê Tấn Huy trở về vẫn còn đàn dê nhờ bà con giúp đỡ. Ảnh Mỹ Tho

Ông Lê Tuấn Huy xúc động: “Tôi quá mừng và biết ơn anh chị em trong xóm rất nhiều. Nếu không có sự giúp đỡ thì đàn dê chết hết rồi. Mọi người rất nhiệt tình, cắt cỏ, chăm sóc cho đàn dê. Lúc đó gia đình tôi bị cách ly hết, bà con còn điện thoại cho tôi hỏi "có cần gì không đi mua giùm cho". Tôi rất mang ơn anh, chị em đã giúp gia đình tôi bằng nghĩa xóm làng”.

Gia đình ông Lê Tuấn Huy có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân ông bị bệnh giảm thị giác bẩm sinh. Người vợ mắc bệnh nan y vừa qua đời. Hiện nay, ông là lao động chính để nuôi cha mẹ già yếu và 2 con nhỏ. Đàn dê 20 con là nguồn kinh tế duy nhất để nuôi sống gia đình này. Thế nên việc bà con làng xóm chung tay nuôi sống đàn dê trong lúc cả nhà ông đi viện điều trị COVID-19 điều rất trân quý.

Về việc làm ý nghĩa trên, ông Huỳnh Văn Thanh, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản ấp Đông, xã Long Định chia sẻ: “Để bảo vệ tài sản cho gia đình ông Huy thì tất cả anh em đều vui vẻ quyết bảo vệ đàn dê. Nếu mà để sơ xuất thì gia đình về đâu có khôi phục được, mất hơn 5 năm”.

Sau khi xuất viện, bà con ở ấp Đông còn động viên và tặng quà thiết yếu, hỗ trợ và động viên gia đình ông Huy vượt qua khó khăn trong đại dịch. Hiện nay, các thành viên trong gia đình ông Huy đã dần phục hồi sức khỏe.

Tính đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 14.800 ca dương tính với SARSCoV-2 ; trong đó có gần 13.300 ca đã điều trị khỏi. Mỗi trường hợp có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhưng vẫn không thiếu sự tương trợ, giúp đỡ của địa phương, cộng đồng và bà con chòm xóm, láng giềng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Giang: Một gia đình nông dân bị nhiễm COVID-19 và câu chuyện tình người trong đại dịch