Thời gian vừa qua, giá xăng dầu trong nước đã tăng nhiều lần do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Lợi dụng tình hình đó, nhiều cửa hàng xăng dầu đã treo biển hết hàng để đóng cửa, găm hàng chờ lên giá nhằm trục lợi.

Tình trạng găm hàng, chờ lên giá để trục lợi của các cửa hàng xăng dầu sẽ bị xử lý thế nào?

Nhã Thanh | 02/05/2022, 10:11

Thời gian vừa qua, giá xăng dầu trong nước đã tăng nhiều lần do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Lợi dụng tình hình đó, nhiều cửa hàng xăng dầu đã treo biển hết hàng để đóng cửa, găm hàng chờ lên giá nhằm trục lợi.

Theo Bộ Công an, tại điều 15 (về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá) của Luật Giá, thì mặt hàng xăng dầu thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, giá dầu thô liên tục tăng cao.

Ở trong nước, nguồn xăng dầu nhập khẩu của một số doanh nghiệp bị đứt gãy, gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Mặt khác một số đơn vị sản xuất xăng dầu trong nước chưa sản xuất đủ công suất dẫn đến nhiều doanh nghiệp đầu mối ở các địa phương có nhu cầu tiêu thụ xăng dầu lớn không đáp ứng được nguồn cung cho thị trường, dẫn đến tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng hoặc chỉ bán theo định mức, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh tăng để bắt kịp thị trường thế giới. Tuy nhiên, do Chính phủ điều hành Quỹ bình ổn tốt nên giá bán lẻ trong nước vẫn thấp hơn các nước trong khu vực (thấp hơn Campuchia và Lào hơn 300đ/lít).

Trước tình hình trên, Bộ Công an chủ động nắm tình hình, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quy định pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng, dầu để kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ có biện pháp chỉ đạo, chấn chỉnh không để tội phạm lợi dụng hoạt động gây thiệt hại cho tài sản nhà nước và nhân dân.

Cùng với đó, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với cơ quan ngoài ngành tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh, phân phối, bán lẻ xăng dầu; chủ động phát hiện sai phạm và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe.

tsctngay26thang5-01_kxts.jpg
Ảnh: Internet

Đối với hành vi găm hàng, chờ lên giá để trục lợi của các cửa hàng xăng dầu, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, về xử lý hành chính, tại điều 32 (hành vi găm hàng) Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26.8.2020 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực thi hành từ ngày 15.10.2020) quy định với các hành vi.

Cụ thể, cắt giảm địa điểm bán hàng; cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó; quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó; cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; ngừng bán hàng hóa ra thị trường; không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; mở cửa hàng, đại điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng; găm hàng trong kho vượt quá 150% so với số lượng hàng hóa tồn kho trung bình của 3 tháng liền kề trước đó, thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 31 của nghị định này không có lý do chính đáng thì phạt tiền từ 5 - 30 triệu đồng.

Ngoài ra còn phạt bổ sung tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 điều này; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 3 đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Về xử lý hình sự, theo khoản 1 điều 196 (tội đầu cơ) Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính sẽ bị phạt tiền, phạt tù. Trường hợp nếu đối tượng mua vét hàng hóa tại thời điểm giá xăng, dầu tăng, sau đó bán lại thu lời bất chính là hành vi đầu cơ.

Cụ thể, phạm tội trong trường hợp hàng hóa trị giá từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỉ đồng; thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì có thể bị phạt tiền từ 30 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội trong trường hợp hàng hóa trị giá 3 tỉ đồng trở lên; thu lợi bất chính 1 tỉ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 1,5 đến 5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 7 đến 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Đối với pháp nhân thương mại quy định tại điều này thì bị phạt tiền từ 300 triệu đến 9 tỉ đồng, bị cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.

Bài liên quan
Cà Mau: Tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu
Ngày 20.4, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Cà Mau (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389) vừa có văn bản đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tình trạng găm hàng, chờ lên giá để trục lợi của các cửa hàng xăng dầu sẽ bị xử lý thế nào?