HĐXX TAND H.Châu Thành (Bến Tre) đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Thanh, buộc phía bị đơn là TAND H.Châu Thành (Long An) phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền gần 300 triệu đồng.
Người khác gây tai nạn, thuyền trưởng ngồi tù oan
Ông Đặng Ngọc Thanh (SN 1976, ngụ xã Hữu Định, H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre), cho biết, ngày 7.11, TAND H.Châu Thành (tỉnh Bến Tre) đã xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi bồi thường oan sai giữa ông và bị đơn là TAND H.Châu Thành (tỉnh Long An). Ông Thanh là người đã bị TAND H.Châu Thành (Long An) tuyên án 7 năm tù giam và phải ngồi tù oan 7 tháng vào năm 2015.
Dù nhiều năm đã trôi qua nhưng ông Thanh vẫn nhớ rõ từng chi tiết vụ tai nạn dẫn đến việc ông phải ngồi tù oan uổng. Ông Thanh kể, năm 2013 ông được ông Phạm Thanh Sang, chủ phương tiện sà lan vận chuyển cát đá ở tỉnh Tiền Giang, thuê làm thuyền trưởng điều khiển sà lan vận tải từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về TP.HCM và ngược lại.
Cuối tháng 4.2013, ông Thanh điều khiển sà lan từ TP.HCM về miền Tây, cùng đi trên sà lan có ông Sang - chủ sà lan, và 1 người phụ việc tên Võ Văn Quốc. Trên đường đi, do gia đình điện thoại thông báo có việc gấp nên ông Thanh giao lại sà lan cho ông Sang rồi lên bờ về quê ở xã Hữu Định (Bến Tre).
Tối 1.5.2013, ông Sang điều khiển sà lan lưu thông vào sông Vàm Cỏ Tây (Long An) thì giao tay lái lại cho Quốc điều khiển, dù biết rõ Quốc không có bằng lái tàu. Khi sà lan lưu thông đến đoạn sông thuộc khu vực H.Châu Thành (Long An), do không quan sát nên Quốc đã để chiếc sà lan tông trực diện vào 1 chiếc ghe, khiến cả 3 mẹ con trên ghe tử nạn.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng, dù không có mặt trên sà lan nhưng với tư cách là thuyền trưởng, ông Thanh bị cơ quan điều tra khởi tố, truy tố về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”; người trực tiếp gây tai nạn là Quốc bị khởi tố, truy tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”. Nhưng điều kỳ lạ là ông Sang - chủ sà lan, không bị khởi tố.
Tại phiên xử ngày 7.11 đại diện TAND H.Châu Thành (Long An) - người đứng, vẫn bảo lưu quan điểm chỉ chấp nhận bồi thường cho ông Thanh hơn 162 triệu đồng- Ảnh: Thanh Anh
Tháng 8.2014, TAND H.Châu Thành (Long An) đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Thanh 7 năm tù giam, Quốc bị mức án 8 năm tù. Tại tòa, Hội đồng xét xử mới yêu cầu phía Viện KSND phải khởi tố ông Sang - chủ sà lan, tội danh “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”.
Sau khi bị bắt giam, ông Thanh vẫn tiếp tục kháng cáo kêu oan và Viện KSND kháng nghị bản án sơ thẩm nên năm 2015 TAND tỉnh Long An đưa vụ việc ra xét xử phúc thẩm. Tòa phúc thẩm nhận định hành vi của ông Thanh không cấu thành tội phạm nên tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại, đồng thời Viện KSND tỉnh Long An ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Thanh và tháng 10.2015 ông Thanh được trả tự do sau 7 tháng ngồi tù oan.
Đến tháng 8.2016, TAND H.Châu Thành tuyên phạt ông Sang (chủ sà lan) 3 năm tù về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” và Quốc, người trực tiếp gây tai nạn, bị phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”.
Nhọc nhằn đòi bồi thường oan sai
Sau khi ra tù, ông Thanh có đơn yêu cầu TAND H.Châu Thành (Long An) phải công khai xin lỗi và bồi thường oan sai cho ông với số tiền hơn 400 triệu đồng, bao gồm các chi phí tổn thất tinh thần, mất thu nhập thực tế trong thời gian bị tạm giam, thu nhập bị giảm sút, tiền thuê luật sư và các chi phí đi lại thăm nuôi… trong suốt thời gian ông bị ngồi tù oan.
Tuy nhiên, phía TAND H.Châu Thành đã thẳng thừng từ chối yêu cầu chính đáng của ông Thanh. TAND H.Châu Thành viện lý do đã trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, đã có văn bản yêu cầu Viện KSND hủy quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Thanh để tiếp tục điều tra, truy tố ông, nên không xin lỗi và bồi thường oan sai.
Sự việc diễn biến phức tạp nên Viện KSND tỉnh Long An đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM, cuối cùng thống nhất không hủy quyết định đình chỉ đối với ông Thanh vì hành vi của ông không cấu thành tội phạm. Sau đó dù nhiều lần TAND H.Châu Thành (Long An) yêu cầu phía Viện KSND hủy quyết định đình chỉ điều tra bị can để tiếp tục khởi tố trở lại đối với ông Thanh nhưng Viện KSND vẫn bảo lưu quan điểm ông Thanh không phạm tội.
Tháng 12.2017, đại diện 3 cơ quan tố tụng gồm: Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện KSNDvàTAND H.Châu Thành (Long An) đã đến xã Hữu Định (Châu Thành, Bến Tre) công khai xin lỗi ông Thanh.
Tại buổi xin lỗi, đại diện TAND H.Châu Thành (Long An) đã nhận thiếu sót, bày tỏ mong muốn ông Thanh và gia đình chấp nhận lời xin lỗi. Tuy chấp nhận lời xin lỗi của các cơ quan gây oan sai khiến bản thân phải ngồi tù 7 tháng nhưng ông Thanh vẫn giữ nguyên yêu cầu được bồi thường hơn 400 triệu đồng.
Sau 3 lần thương lượng, TAND H.Châu Thành (Long An) chỉ đồng ý bồi thường cho ông Thanh số tiền hơn 162 triệu đồng, nên ông đã làm đơn khởi kiện và khởi kiện bổ sung đối với TAND H.Châu Thành (Long An) tại TAND H.Châu Thành (Bến Tre), đòi bồi thường trên 415 triệu đồng.
Trong thời gian ông Thanh bị điều tra và bị tạm giam, bà Tuyết buôn bán nhỏ để lo cho chồng và nuôi 2 con nhỏ - Ảnh: Thanh Anh
Bà Nguyễn Thị Hồng Tuyết (vợ ông Thanh) nhớ lại: “Từ khi anh Thanh bị tạm giữ bằng lái tàu, cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ điều tra thì ảnh hoàn toàn thất nghiệp, cả nhà sống nhờ thu nhập từ nghề buôn bán nhỏ của tui. Đến khi anh Thanh bị bắt giam, ra tòa lãnh án, tui vừa lo buôn bán, chăm sóc 2 con nhỏ, đi thăm nuôi ảnh mỗi tháng 2 lần ở huyện Châu Thành Long An, vừa lo thuê mướn luật sư chạy vạy khắp nơi kêu oan cho chồng.
Tiền nhà không đủ, tui phải đi vay đi mượn thêm khắp nơi. Số tiền 415 triệu đồng vợ chồng tui yêu cầu những người gây oan sai bồi thường chỉ dựa trên những khoản chi phí có hóa đơn, chứng từ đầy đủ, những khoản chi không có hóa đơn chứng từ thì không tính”.
Tại phiên xét xử chiều 7.11, Hội đồng xét xử TAND H.Châu Thành (Bến Tre) nhận định: trong thời gian bị điều tra và 7 tháng bị bắt giam oan ức thì bản thân ông Thanh bị tịch thu bằng lái thuyền trưởng và bị cấm đi khỏi nơi cư trú nên không thể tiếp tục công việc, dẫn đến bị mất thu nhập và thu nhập bị giảm sút là có cơ sở để yêu cầu được bồi thường.
Vì vậy HĐXX đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Thanh, buộc phía bị đơn là TAND H.Châu Thành (Long An) phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền gần 300 triệu đồng. Sau khi tòa tuyên án, ông Thanh cho biết sở dĩ ông và gia đình chấp nhận số tiền bồi thường trên do đã quá mỏi mệt trước vụ việc kéo dài nhiều năm.
“Thực sự thì số tiền bồi thường này chẳng đủ để vợ chồng tui trả hết nợ trong quá trình nhiều năm đi kêu oan cho tui. Nhưng bây giờ ai cũng biết tui bị xét xử oan sai nên vợ chồng tui cũng thấy ấm lòng. Hiện nay, tui chỉ lo đi làm kiếm tiền trả nợ, nuôi vợ con”, ông Thanh cho biết.
Thanh Anh