Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực ngay lập tức và yêu cầu các quan chức Mỹ xem xét trừng phạt quốc gia Đông Nam Á này.
“Cộng đồng quốc tế nên cùng chung một tiếng nói để thúc ép quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực mà họ đang nắm giữ. Mỹ đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar trong thập kỷ qua dựa trên tiến bộ đối với nền dân chủ. Các luật xử phạt sẽ phải được xem xét ngay lập tức bởi cơ quan chức năng của chúng tôi, để được đưa ra một cách thích hợp”, ông Biden cho biết trong một tuyên bố hôm 1.2 (giờ Mỹ).
Chính quyền Biden hiện đang chịu khá nhiều áp lực trong việc đưa ra một phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ sau khi quân đội Myanmar nắm chính quyền kể từ hôm 1.2 trong một cuộc đảo chính chống lại chính phủ được bầu cử dân chủ. Đây có thể là một thử thách lớn đầu tiên của tân tổng thống Mỹ đối với nỗ lực hợp tác với các đồng minh trong một chiến lược châu Á mới để kiểm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.
Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho nhà lãnh đạo dân sự - Aung San Suu Kyi và những người khác bị giam giữ. Blinken cho biết Mỹ bày tỏ mối quan tâm trước các báo cáo về việc giam giữ các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự.
“Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar thả tất cả các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, tôn trọng ý chí của người dân Myanmar như đã được thể hiện trong cuộc bầu cử dân chủ vào ngày 8.11. Mỹ sát cánh cùng người dân Myanmar trong khát vọng dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển. Quân đội phải đảo ngược những hành động này ngay lập tức”, ông Blinken nói.
Nghị sĩ Dân chủ cấp cao trong ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Robert Menendez, cho biết Mỹ và các nước khác “nên áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế” đối với quân đội Myanmar và giới lãnh đạo quân sự nếu họ không trả tự do cho các nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ.
“Việc phát động một cuộc đảo chính khác là một bi kịch đối với người dân Myanmar sau một thập kỷ nỗ lực thành lập một chính phủ dân chủ do người dân lãnh đạo”, Menendez nói trong một tuyên bố...
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff cũng kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với “các lãnh đạo quân sự cấp cao chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính này”.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell, cũng tán thành với quan điểm của các thành viên đảng Dân chủ và quan chức chính quyền Biden. Ông gọi vụ bắt giữ là "kinh hoàng" và yêu cầu Washington phải phản ứng mạnh mẽ.
“Chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải có lập trường mạnh mẽ cùng các đồng minh của Mỹ và tất cả các nền dân chủ trên toàn thế giới, lên án cuộc tấn công độc đoán tại Myanmar. Chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân Myanmar trong hành trình hướng tới dân chủ và sẽ trừng phạt những ai cản đường họ”, McConnell cho hay.
Được biết, quân đội Myanmar hôm 1.2 đã ban bố tình trạng khẩn cấp và giành quyền kiểm soát chính quyền sau khi bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều nhà lãnh đạo khác của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ cầm quyền (NLD).
Động thái này diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và lực lượng quân đội Myanmar. Quân đội nước này gần đây liên tục cáo buộc có "gian lận" trong cuộc bầu cử tháng 11.2020, khi đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng với 346 trên tổng số 412 ghế quốc hội.
Trong một diễn biến mới nhất, quân đội Myanmar tối ngày 1.2 đã thông báo loại bỏ 24 bộ trưởng và thứ trưởng thuộc chính quyền của bà Aung San Suu Kyi, đồng thời chọn 11 người vào thay thế bên trong chính quyền mới. Tuyên bố trên được đưa ra trên kênh truyền hình Myawaddy do quân đội Myanmar kiểm soát. Những người mới được bổ nhiệm sẽ giữ các vị trí lãnh đạo trong các bộ tài chính, y tế, thông tin, ngoại giao, quốc phòng, biên giới và nội vụ.
Trước đó, phó Tổng thống Myanmar U Myint Swe được quân đội hậu thuẫn được tuyên bố trở thành quyền Tổng thống. Ngoài ra, quyền lực đang được chuyển giao sang cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing.
Ngoài Mỹ, nhiều nước phương Tây và Liên Hợp Quốc đã phát đi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ, đề nghị quân đội Myanmar thả bà Suu Kyi và các quan chức chính phủ cũng như tôn trọng ý chí của người dân, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại hòa bình.
Chính phủ Nhật Bản cũng yêu cầu quân đội Myanmar thả các lãnh đạo bị bắt, thêm rằng họ từ lâu ủng hộ nền dân chủ ở nước này và yêu cầu khôi phục dân chủ ngay lập tức. Bộ Ngoại giao Singapore bày tỏ quan ngại "nghiêm trọng" về tình hình tại Myanmar.
Trong khi đó, Thái Lan, Campuchia và Philippines khẳng định việc bà Aung San Suu Kyi bị bắt là "vấn đề nội bộ của Myanmar". Còn Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên giải quyết bất đồng theo khuôn khổ hiến pháp và pháp lý, cũng như bảo vệ ổn định chính trị và xã hội.
Biểu tình lớn ủng hộ nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi tại Thái Lan và Nhật Bản
Hàng nghìn người Myanmar đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan tập trung bên ngoài Đại sứ quán nước này ở thủ đô Bangkok vào chiều 1.2 nhằm phản đối việc quân đội bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và nắm quyền điều hành đất nước.
Những người Myanmar đa phần ủng hộ bà Aung San Suu Kyi lên tiếng phản đối hành động của giới quân đội nước này đồng thời kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt giữ.
Đáng chú ý, gần 1.000 người Myanmar cầm chân dung bà Aung San Suu Kyi ở Tokyo phản đối cuộc đảo chính bất ngờ của quân đội hôm 1.2. Người biểu tình đeo khẩu trang, cầm cờ tập trung bên ngoài Đại học Liên Hợp Quốc ở trung tâm thủ đô Nhật Bản, kêu gọi cơ quan quốc tế này tiếp tục lên án hành động của quân đội Myanmar.