Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội Mỹ hôm 28.4 (giờ Mỹ) đúng vào dịp đánh dấu 100 ngày đầu tiên nắm quyền của ông.

Tổng thống Biden: Mỹ sẽ đối mặt với Trung Quốc, nhưng không tìm cách gây chiến

Hoàng Vũ | 29/04/2021, 13:29

Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội Mỹ hôm 28.4 (giờ Mỹ) đúng vào dịp đánh dấu 100 ngày đầu tiên nắm quyền của ông.

Trong bài phát biểu dài hơn 1 giờ đồng hồ trước lưỡng viện Mỹ, ông Biden đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm củng cố sức mạnh quốc gia trong hàng loạt lĩnh vực trọng yếu nhằm chống lại thách thức từ Trung Quốc.

"Hôm nay, tôi đến đây để nói về khủng hoảng, cơ hội, về việc tái thiết lại đất nước cũng như phục hồi nền dân chủ Mỹ và giành lấy tương lai cho đất nước này", Tổng thống Biden mở đầu bài phát biểu.

Theo chia sẻ của người đứng đầu Nhà Trắng, kể từ sau 100 ngày điều hành một đất nước đang có nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc gồm đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế và sự mất niềm tin vào các giá trị dân chủ sau vụ bạo loạn tại đồi Capitol, chính quyền ông đã bắt đầu xoay chuyển tình thế và giúp nước Mỹ “sẵn sàng để cất cánh”.

"Nước Mỹ đang chuyển mình, tiến về phía trước và sẽ không thể bị dừng lại. Chúng ta đang cạnh tranh với Trung Quốc và các nước khác để giành chiến thắng trong Thế kỷ 21. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa, không chỉ là tái thiết, mà phải là tái thiết tốt đẹp hơn nữa", tổng thống Mỹ nói.

https-3a-2f-2fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com-2fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4-2fimages-2f8-2f6-2f4-2f7-2f33927468-3-eng-gb-2fcropped-1619659630biden-201-20flag.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước quốc hội lưỡng viện hôm 28.4 - Ảnh: AP

Đề cập đến Trung Quốc, ông Biden khẳng định Washington sẽ "đối mặt" với Bắc Kinh, nhưng không tìm cách gây chiến.

“Tôi đã trao đổi rõ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ hoan nghênh cạnh tranh, nhưng không tìm kiếm xung đột. Nhưng tôi sẽ tuyệt đối bảo vệ toàn vẹn lợi ích của Mỹ và đứng lên chống lại các hành vi thương mại không công bằng bao gồm sự bảo trợ của Bắc Kinh đối với hành vi trộm cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ Mỹ”, ông Biden cho hay.

Người đứng đầu nước Mỹ thừa nhận rằng thế giới hiện đứng trước nhiều thách thức mà không một quốc gia nào có thể ứng phó một cách đơn độc. Ông tuyên bố nước Mỹ sẽ không dẫn đầu một mình mà sẽ làm điều đó cùng với các đồng minh.

"Tôi đã nói với ông Tập rằng Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện quân sự mạnh mẽ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giống như chúng tôi đang làm với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu. Điều đó không phải để khơi mào xung đột, mà là để ngăn chặn xung đột", ông Biden khẳng định.

Bên cạnh đó, tổng thống Mỹ cũng cho biết, kế hoạch đầy tham vọng mà chính quyền của ông công bố hồi cuối tháng 3 mang tên "Kế hoạch Việc làm Mỹ" sẽ đánh dấu sự gia tăng đầu tư đáng kể vào lĩnh vực nghiên cứu, phát triển phi quốc phòng của Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc và nhiều nước khác đang cố gắng bắt kịp Mỹ về khoa học, công nghệ.

"Chúng ta sẽ chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về công nghệ trong vòng 10 năm tới so với 50 năm qua. Chúng ta đang bị tụt lại trong lĩnh vực cạnh tranh này. Trung Quốc và các nước khác đang bắt kịp rất nhanh. Chúng ta phải phát triển và thống lĩnh về các sản phẩm, công nghệ tương lai như công nghệ sinh học, chíp máy tính, năng lượng sạch… Không có lý do gì tại sao các cánh quạt cho tuabin gió lại không thể được chế tạo ở Mỹ thay vì Trung Quốc”, ông Biden nhấn mạnh.

Ryan Hass, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings và là cố vấn không chính thức cho chiến dịch tranh cử của ông Biden, nhận định rằng dưới thời chính quyền Biden, mối quan hệ Trung-Mỹ đang "chuyển dần từ đối đầu gay gắt sang cạnh tranh sâu sắc”.

“Trong 100 ngày đầu tiên, chính quyền Biden đang cố gắng truyền đạt cho Trung Quốc rằng đừng đánh giá thấp Mỹ, chúng tôi có khả năng tự sửa chữa. Chúng tôi tin rằng những ngày tốt đẹp nhất vẫn đang ở phía trước”, ông Hass cho biết tại hội thảo về quan hệ Mỹ - Trung trong 100 ngày Biden nắm quyền hôm 28.4.

Theo ông Hass, một phần quan trọng trong kế hoạch của Mỹ để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh cường quốc với Trung Quốc là củng cố các liên minh. Trong đó, Nhật Bản dường như đang đứng đầu trong danh sách các ưu tiên của Mỹ.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Washington và Tokyo đã khẳng định sẽ làm việc cùng nhau "để đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc" và đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do và cởi mở", đồng thời đề cập đến "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên đảo Đài Loan” cũng như cách hành xử của Trung Quốc ở Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng.

Chính quyền Biden hiện vẫn đang trong quá trình xem xét chính sách kéo dài để xác định một chiến lược toàn diện đối với Trung Quốc. Cho đến nay, phần lớn các hạn chế áp đặt với Bắc Kinh của cựu Tổng thống Donald Trump vẫn còn nguyên giá trị, bao gồm cả thuế quan.


Bài liên quan
Cuộc chuyển giao quyền lực sóng gió: Ông Biden và ông Trump đối đầu kịch liệt về Ukraine
Quá trình chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, với bất đồng sâu sắc về chính sách đối ngoại, đặc biệt là vấn đề Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Biden: Mỹ sẽ đối mặt với Trung Quốc, nhưng không tìm cách gây chiến