Ông Trump kế thừa những phương án chống chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng từ người tiền nhiệm Barack Obama, dù rằng đó chưa phải các phương án tối ưu nhất.
Ba năm trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh quan chức Lầu Năm Góc tìm ra cách chống lại chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên với hy vọng vô hiệu hóa tên lửa sau khi nó được phóng lên chỉ sau vài giây.
Trước đó, Triều Tiên tuyên bố tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của họ có thể tấn công đến các thành phố Mỹ. Tuy nhiên, những cuộc thử nghiệm sau đó của nước này đều thất bại, tên lửa phóng lên đều bị tan rã trong không trung và lao xuống biển.
Nhiều nhà chuyên gia hoài nghi lỗi sản xuất, bất mãn nội bộ và trình độ chuyên môn chưa cao là nguyên nhân của việc thử nghiệm thất bại. Dù vậy, trong 8 tháng qua, Triều Tiên đã phóng thử thành công 3 tên lửa tầm trung.
Bên cạnh đó, ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đang trong "giai đoạn cuối cùng của sự chuẩn bị" cho việc phóng tên lửa xuyên lục địa. Tuyên bố này có thể là thật hoặc chỉ là lời nói khoác.
Trong khi đó, dựa trên các cuộc phỏng vấn quan chức chính quyền Obama và Trump, và xem xét hồ sơ được công bố, ta thấy rõ rằng Mỹ vẫn chưa có khả năng chống lại chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên một cách hiệu quả.
Tờ New York Times đưa tin, mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên ngày càng trở nên đáng lo ngại, điều này được ông Obama coi như là mối nguy hiểm lớn nhất. Và sau khi ông hết nhiệm kỳ, nó trở thành vấn đề cấp bách nhất mà chính quyền tổng thống Donald Trump phải đối mặt.
Hồi đầu năm, ông Kim Jong-un tuyên bố sẽ cho phóng tên lửa đạn đạo. Ông Trump đáp trả trên Twitter rằng: "Sẽ không có chuyện đó xảy ra".
Tuy nhiên, sau khi nhậm chức ông Trump nhanh chóng phát hiện ra ông không có nhiều sự lựa chọn hoàn hảo để đối phó với Triều Tiên.
Có nhiều phương án được đưa ra. Ông Trump có thể yêu cầu Lầu Năm Góc nỗ lực chống chương trình tên lửa của Triều Tiên qua cuộc chiến không gian mạng và điện tử. Hay tổng thống cũng có thể mở cuộc đàm phán với nước này nhằm ngưng các hoạt động hạt nhân và tên lửa, tuy nhiên điều này để lại nhiều mối đe dọa.
Ngoài ra, tổng thống có thể tấn công trực tiếp nhắm vào tên lửa của Triều Tiên như ông Obama từng xem xét, nhưng rất ít cơ hội chạm tới mục tiêu. Hoặc ông Trump gây áp lực lên Trung Quốc để nước này cắt đứt viện trợ thương mại và giúp đỡ Bình Nhưỡng, tuy nhiên Bắc Kinh sẽ không làm những việc gây hại đến an ninh quốc gia của họ.
Phương Nhi (theo New York Times)