Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Brussels (Bỉ) hôm 11.10 để kêu gọi các nước ủng hộ châu Âu tiếp tục hỗ trợ Kyiv phòng vệ trước Nga.
Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh không có nguy cơ tình hình tại Israel lấn át Ukraine “khỏi ánh đèn sân khấu”. Ông khuyến khích các chính trị gia phương Tây thăm Israel, tương tự như những chuyến thăm đến Kyiv của các nhà lãnh đạo thế giới.
“Các nhà lãnh đạo hãy tới Israel. Đoàn kết quan trọng hơn là ở một mình”, ông Zelensky nói.
Tổng thống Ukraine cũng tìm cách gắn kết hai cuộc xung đột lại với nhau và nói rằng sự chia rẽ trong liên minh sẽ có lợi cho Điện Kremlin. "Nga đang trông cậy vào điều đó, vào việc chia rẽ sự ủng hộ", ông nói.
“Moscow vẫn có đủ nguồn lực để biến xung đột thành thảm kịch toàn diện. Điều này đang xảy ra ở Sahel, và nó có thể xảy ra một cách đau đớn hơn ở Israel và toàn bộ Trung Đông. Chúng ta không được để điều này xảy ra”, Zelensky nói với các bộ trưởng quốc phòng NATO hôm 11.10.
Sự xuất hiện của ông Zelensky tại châu Âu diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang phải đối mặt với một cuộc tấn công mới của Nga ở phía đông và các cuộc tấn công quy mô lớn có thể xảy ra trong mùa đông tới. Kyiv hiện mong muốn phương Tây tăng cường vận chuyển vũ khí và đạn dược.
“Phòng không là một phần quan trọng trong câu trả lời cho câu hỏi "khi nào cuộc chiến này sẽ kết thúc?" và liệu nó có kết thúc một cách công bằng cho Ukraine hay không”, ông Zelensky nói.
Các nước phương Tây đang đáp lại những lời kêu gọi của Kyiv và nhấn mạnh rằng họ có thể hỗ trợ cả Israel và Ukraine cùng lúc - một thông điệp được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cam kết.
“Chắc chắn chúng tôi có thể làm được cả hai việc. Chúng tôi là quốc gia mạnh nhất thế giới và chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để giúp đỡ các đồng minh và đối tác của mình”, ông Austin cho hay.
Anh hứa sẽ cung cấp gói hỗ trợ quân sự trị giá 100 triệu bảng Anh, bao gồm thiết bị rà phá bom mìn và củng cố các công sự cho Ukraine. London cũng đã công bố một gói trị giá 70 triệu bảng riêng biệt bao gồm tàu khu trục không người lái MSI-DS Terrahawk Paladin.
“Trong chuyến thăm Kyiv gần đây, tôi đã đảm bảo với Tổng thống Zelensky rằng sự hỗ trợ của Anh dành cho Ukraine và những nhu cầu cấp thiết nhất của họ là không thể lay chuyển”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps nhấn mạnh.
Bỉ cũng cam kết cung cấp máy bay chiến đấu F-16 vào năm 2025.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cho biết các đồng minh trong Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine của đã quyết định thành lập các “liên minh năng lực” nhỏ hơn, tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ cụ thể cho Kyiv. Ví dụ, Estonia và Luxembourg sẽ dẫn đầu trong việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng CNTT của Ukraine để “bảo vệ mạng lưới của mình”, trong khi Lithuania sẽ hỗ trợ rà phá bom mìn.
Austin nói thêm rằng Mỹ sẽ đứng đầu một liên minh lớn hơn gồm các quốc gia đào tạo phi công và phi hành đoàn Ukraine vận hành và bảo trì máy bay chiến đấu F-16 cùng với Hà Lan và Đan Mạch.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã có bài phát biểu dài 10 phút trên truyền hình hôm 10.10 nêu bật cam kết của Mỹ đối với quyền tự vệ của Israel, trong khi chính phủ Anh cử Ngoại trưởng James Cleverly tới Tel Aviv vào 11.10. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng chỉ trích khả năng "viện trợ" và "hợp tác" của Iran dành cho Hamas.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Israel không phải là vấn đề duy nhất mà các đồng minh NATO phải đối mặt. Chỉ vài giờ trước khi cuộc họp Bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO bắt đầu hôm 11.10, có tin tức ở Phần Lan và Estonia rằng các đường liên kết viễn thông và khí đốt dưới biển đã bị gián đoạn.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Chúng tôi có những liên hệ ở cấp chính trị cao nhất về sự cố đường ống” khi đề cập đến cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö và Thủ tướng Estonia Kaja Kallas. “Chúng tôi không thể chỉ chọn một mối đe dọa hay một thách thức để giải quyết”, ông Stoltenberg nói thêm, ám chỉ NATO đang đối mặt với nhiều vấn đề trong các lĩnh vực khác nhau.