TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Việt Nam đã áp theo mô hình “zero COVID” quá dài. Việc phong tỏa cứng và rộng chỉ được 7-10 ngày, chứ không thể tới gần nửa năm được.

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Chúng ta áp mô hình “zero COVID” quá dài

Lam Thanh | 27/09/2021, 21:05

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Việt Nam đã áp theo mô hình “zero COVID” quá dài. Việc phong tỏa cứng và rộng chỉ được 7-10 ngày, chứ không thể tới gần nửa năm được.

Triển khai nhanh chương trình hỗ trợ tiền mặt

Tại tọa đàm tham vấn chuyên về kinh tế, xã hội do Văn phòng Quốc hội tổ chức, Quyền Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP, ông Terence Jones nhận định, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn cho các hộ gia đình không có thu nhập do mất việc làm hoặc mất thu nhập từ công việc tự do.

Tuy nhiên, ông Terence Jones cũng nêu, gói hỗ trợ vừa không đủ lớn vừa không đủ rộng về phạm vi để bảo vệ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khỏi bị mất thu nhập do phong tỏa và giãn cách xã hội.

Ông dẫn kết quả nghiên cứu do Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện cho thấy, tỷ lệ nghèo về thu nhập tạm thời đã tăng từ mức 10% trước đại dịch lên 33,4% vào tháng 8.2021; hàng nghìn hộ gia đình buộc phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí cắt giảm cả tiền sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Một báo cáo đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) thực hiện khẳng định, tỷ lệ bao phủ của các chương trình hỗ trợ tiền mặt còn thấp; độ bao phủ giữa các tỉnh là khác nhau vì chương trình dựa vào chính quyền địa phương để huy động nguồn kinh phí. Các quy định rườm rà cho người nhận trợ cấp và người sử dụng lao động cũng đã làm giảm tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ giải ngân.

qh.jpg
Toàn cảnh tọa đàm

Để chống lại những tác động của tiết kiệm bắt buộc, UNDP đã đề xuất một chương trình hỗ trợ tiền mặt với quy mô khoảng 5% GDP quý, triển khai ngay từ thời điểm này và trong các tháng còn lại của năm 2021.

Một gói trợ cấp tiền mặt với quy mô tương đương 5% GDP quý được giải ngân trong những tháng cuối năm 2021 (khoảng 77 nghìn tỉ đồng) là tương đương mức hỗ trợ của các quốc gia khác trong khu vực. Thực hiện gói chính sách này, Chính phủ không vấp phải nguy cơ tăng lạm phát hoặc tăng lãi suất trong khi sẽ có tác động lớn hơn nhiều đến tổng tiêu dùng tư nhân và tổng sản lượng kinh tế.

Đại diện UNDP cho rằng, cần phải triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt càng nhanh càng tốt. Cách nhanh nhất để triển khai là áp dụng ngay gói trợ cấp cho mọi trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi (khoảng 11 triệu trẻ) với điều kiện xuất trình được giấy khai sinh chứng minh độ tuổi; phụ nữ mang thai; người cao tuổi từ đủ 60 (có khoảng 11,5 triệu người), bao gồm cả người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên với điều kiện họ không có lương hưu; người khuyết tật.

Mỗi tỉnh đòi 1 kiểu thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm VPQH cho rằng Việt Nam, đã áp theo mô hình “zero COVID” kéo quá dài.

“Chúng ta phong tỏa cứng đất nước. Thực chất phong tỏa cứng và rộng chỉ được 7 ngày, cùng lắm là 10 ngày. Chúng ta không thể phong tỏa cứng đất nước gần nửa năm trời”- TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Theo ông Dũng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay để phục hồi kinh tế là chuyển đổi mô hình chống dịch. “Rất mừng là Thủ tướng đã bắt đầu làm việc này, nhưng hiện các địa phương vẫn rất khác nhau”, ông Dũng bình luận và cũng nêu “có một vòng kim cô rất lớn” cho các lãnh đạo đứng đầu các địa phương. Chúng ta đặt ra nếu để bùng phát dịch bệnh, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Nhưng như vậy, người ta khóa cứng địa phương thôi”.

nguyen-si-dung.jpg
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm VPQH - Ảnh: Đại biểu nhân dân

Ông dẫn chứng việc TP.HCM khóa cứng hết không cho chợ truyền thống, chợ đầu mối, chợ dân sinh hoạt động, chỉ cho mình siêu thị hoạt động. Vậy thì khoản (thu) siêu thị nhận được lớn đến thế nào? Những người yếu thế đã không có việc làm, chợ truyền thống giá rẻ không tiếp cận được, hàng thiết yếu phải mua qua siêu thị thì người nghèo khốn khổ thế nào?

“Tôi cho rằng phân cấp, phân quyền là quan trọng nhưng ở thời điểm này phải cần mệnh lệnh từ Trung ương. Còn mỗi tỉnh mỗi kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác; tỉnh cho qua, tỉnh không thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, nghịch lý lao động của chúng ta là nơi thiếu cứ thiếu, nơi thừa cứ thừa. Một số khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM sẽ thiếu rất nhiều lao động. Hiện lao động phải chạy về quê, chưa biết bao giờ mới quay trở lại, trong khi các chuỗi cung ứng toàn cầu không thể ngừng được.

Ông Dũng cho rằng chương trình tới đây, cho dù là tiền tệ hay tài khóa, nếu không tăng được cầu trong nước thì không thể phát triển được. Ngoài ra, rất nhiều người có nguồn vốn nhỏ, sáng họ ra chợ đầu mối mua xong bán, giờ họ cạn kiệt tiền rồi. Họ mong có chương trình tín dụng nhỏ hỗ trợ vì đó là nền tảng lao động lớn của chúng ta.

Vấn đề cuối cùng, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng QH nên tham gia tích cực hơn trong quá trình quản trị rủi ro. “Chẳng hạn trong phòng chống dịch, sắp tới chuyển đổi thì chuyển đổi thế nào? Tiêm thế vắc xin nào, giãn cách thế nào? Các ủy ban phải phối hợp với các bộ, ngành chuyên môn giải trình chính sách mạch lạc”, ông Dũng nói.

Bài liên quan
Ý kiến chuyên gia: TP.HCM cần xác định "sống chung" và tính toán mở cửa từng phần để phục hồi kinh tế
Sáng 17.9, tại cuộc gặp gỡ, lắng nghe các chuyên gia góp ý về kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM sau ngày 15.9, nhiều chuyên gia đề nghị TP.HCM từng bước phải mở dần, trên cơ sở đảm bảo an toàn, tuyệt đối không chủ quan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất làm 3 công nhân tử vong ở Hà Tĩnh
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 7.5, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Chúng ta áp mô hình “zero COVID” quá dài