Để tổ chức SEA Games 31, TP.HCM dự kiến đầu tư hơn 15.600 tỉ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các khu thể dục thể thao.
UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề án đăng cai đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 và Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 năm 2021.
Theo đề án này, TP.HCM sẽ tận dụng tối đa cơ sở vật chất, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao hiện có, hạn chế tối đa sử dụng ngân sách xây dựng cáccông trình thể thao mới.
Thành phố sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào cơ sở vật chất để tổ chức SEA Games 31. Đồng thời, thành phố sẽ sử dụng hệ thống sân bãi tại Bình Dương và Đồng Nai phục vụ đại hội thể thao này.
Để tổ chức SEA Games 31, TP.HCM dự kiến đầu tư hơn 15.600 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho toàn Khu liên hợp thể dục thể thao Quốc gia Rạch Chiếc (quận 2) gần 8.140 tỉ đồng, kinh phí chi trực tiếp để đăng caiSEA Games 31gần 7.480 tỉ đồng.
Cụ thể, TP.HCM sẽ tập trung xây dựng 3 công trình trọng điểm. Thứ nhất là xây dựng mới Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng. Đây sẽ là nơi bố trí trung tâm báo chí, trung tâm truyền hình và tổ chức thi đấu các môn thể dục, billiards và snooker cũng như thực hiện lễ bế mạc. Dự kiến, vốn đầu tư cho công trình này khoảng 1.953,8 tỉ đồng, theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng, dự kiến khởi công đầu năm 2018, hoàn thành cuối năm 2020.
Được biết, ba khu đất được TP.HCM chọn đổi lấy công trình này để hoàn vốn cho nhà đầu tư gồm cácđịa chỉ 257 Trần Hưng Đạo, 3 và 3 bis Phan Văn Đạt, quận 1. Ngoài ra, thành phố còn yêu cầu các sở ngành tham mưu thêm quỹ đất khác, như khu đất 3 hatại trường đua Phú Thọ, quận 11.
Thứ hai là thành phố sẽ đầu tư, xây dựng là Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao TP.HCM. Dự án này được đầu tư từnguồn ngân sách đầu tư trung hạn với số tiền 1.282,7 tỉ đồng.
TP.HCM sẽ tập trung xây mới các hồ dành cho các môn thể thao dưới nước (để hoàn chỉnh Cung Thể thao dưới nước Phú Thọ), trường bắn cung, khối dành cho tập luyện và thi đấu các môn đấu kiếm, các môn võ... Sau SEA Games 31, đây sẽ là nơi đào tạo vận động viên của thành phố.
Thứ ba là TP.HCM xây sân vận động chính tại Khu liên hợp thể dục thể thao Quốc gia Rạch Chiếc.Trong đó, sân vận động có mái che, sức chứa tối thiểu 50.000 chỗ, có bố trí đường chạy điền kinh.
Đặc biệt, UBND TP.HCM đã chấp thuận giữ nguyên vị trí, giới hạn phạm vi khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc với diện tích khoảng 180ha. TP.HCM đã giao Sở Văn hóa và Thể thao rà soát toàn bộ chủ trương, hồ sơ, quy trình và các thủ tục pháp lý đã triển khai thực hiện đối với dự án khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc. Từ đó, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý cần thiết để sớm triển khai dự án bồi thường giải phóng mặt bằng khu này.
Dự kiến công trình hoàn thành vào quý 1/2021. Sau SEA Games 31, TP.HCM sẽ hình thành trung tâm đào tạo môn bóng đá, điền kinh tại đây.
Ngoài ra, UBND TP.HCM còn dự trù kinh phí dành cho sửa chữa, nâng cấp các công trình trên là khoảng 205 tỉ đồng, trong đó kinh phí xã hội hóa khoảng 21 tỉ đồng.
SEA Games 31 dự kiến tổ chức vào tháng 8.2021 và kéo dài 12 ngày. Theo UBND TP.HCM, việc TP.HCM đăng cai SEA Games 31 là cơ hội để nâng cao vị thế và uy tín của TP.HCM. Đồng thời, góp phần chủ động quảng bá hình ảnh TP.HCM đến các nước trong khu vực và quốc tế.
Phan Diệu