Trong một trận bóng đá do nhà trường tổ chức, 2 nam sinh viên mâu thuẫn với nhau. Hậu quả một nam sinh viên bị đâm nguy kịch.
Thông tin Y học

TP.HCM: Hai sinh viên mâu thuẫn khi đá bóng, 1 người bị đâm nguy kịch

Hồ Quang 23/12/2023 13:15

Trong một trận bóng đá do nhà trường tổ chức, 2 nam sinh viên mâu thuẫn với nhau. Hậu quả một nam sinh viên bị đâm nguy kịch.

Ngày 23.12, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho hay, đơn vị đang tiếp nhận và điều trị cho một sinh viên bị đâm thủng động mạch đốt sống, gãy mỏm ngang đốt sống cổ vì mâu thuẫn trong lúc đá bóng. Nạn nhân là L.M.S (18 tuổi), đang học năm thứ nhất tại một trường đại học trên địa bàn TP.HCM.

tphcm-2-sinh-vien-da-bong-mau-thuan-nhau-1-nguoi-bi-dam-nguy-kich-hinh-anh-2.png
Bệnh nhân bị gãy mỏm ngang đốt sống cổ C2 bên phải có mảnh rời và thủng đốt sống phải ngang mức C2 gây chảy máu đang hoạt động, phù nề mô mềm xung quanh - Ảnh: BVCC

Theo thông tin ban đầu, ngày 11.12, trong lúc tham gia một trận đấu bóng đá do nhà trường tổ chức, S. đã có mâu thuẫn với một sinh viên khác. Ngay sau khi trận đấu kết thúc, S. bị nam sinh viên kia dùng dao đâm từ phía sau vào vùng cổ bên phải. Vết thương gây chảy máu rất nhiều, S. được giáo viên cùng các bạn băng bó tạm thời và đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, Bệnh viện Quân y 175 lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ (code red). Các bác sĩ nhiều chuyên khoa nhanh chóng có mặt, thám sát vết thương và nhận định bệnh nhân bị thủng mạch máu lớn vùng cổ, tình trạng chảy máu vẫn đang hoạt động, tiên lượng nguy kịch.

Các bác sĩ khẩn trương băng ép cầm máu vết thương, thực hiện các xét nghiệm cấp cứu, siêu âm và chụp cắt lớp vi tính vùng đầu cổ. Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị gãy mỏm ngang đốt sống cổ C2 bên phải có mảnh rời, thủng thành bên động mạch đốt sống phải ở vị trí tương ứng gây chảy máu đang hoạt động, động mạch đốt sống phải kém ưu thế so với động mạch đốt sống trái.

tphcm-2-sinh-vien-da-bong-mau-thuan-nhau-1-nguoi-bi-dam-nguy-kich-hinh-anh-1.png
Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành can thiệp nội mạch để xử lý chỗ thủng động mạch đốt sống - Ảnh: BVCC

Bác sĩ Phan Đình Văn, Đơn vị can thiệp thần kinh, Khoa Nội thần kinh cho biết, các bác sĩ đã hội chẩn một cách chớp nhoáng và quyết định đặt nội khí quản, an thần thở máy chủ động bảo vệ đường thở khỏi sự chèn ép của khối máu tụ lớn vùng cổ đã hình thành, khẩn trương đưa bệnh nhân can thiệp nội mạch để xử lý chỗ thủng động mạch đốt sống.

“Bệnh nhân được chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền qua catheter ghi nhận, hình ảnh thoát thuốc cản quang khỏi lòng động mạch đốt sống phải cuối đoạn V2 chính là vị trí động mạch bị thủng, và tình trạng xuất huyết vẫn đang hoạt động, đường kính động mạch đốt sống trái lớn hơn so với động mạch đốt sống phải. Chọn lọc vi ống thông đến vị trí động mạch bị thủng, thông qua vi ống thông luồn các vòng xoắn kim loại (coil) gây tắc động mạch tại vị trí này. Chụp động mạch đốt sống 2 bên qua catheter ghi nhận chỗ thủng động mạch đốt sống phải đã được xử lý triệt để, tuần hoàn lên não đảm bảo thông qua động mạch đốt sống trái”, bác sĩ Văn chia sẻ.

Bệnh nhân sau can thiệp xử lý thành công động mạch đốt sống bị thủng tiếp tục được các bác sĩ nhiều chuyên khoa theo dõi, thám sát kỹ lưỡng, xử lý hiệu quả các sang thương kết hợp (vết thương da, cơ, mạch máu nhỏ vùng cổ, gãy mỏm ngang đốt sống cổ C2, sang chấn tâm lý…).

“Vài giờ đồng hồ sau can thiệp, bệnh nhân được giải mê và rút ống nội khí quản. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và xuất viện”, bác sĩ Văn cho biết.

tphcm-2-sinh-vien-da-bong-mau-thuan-nhau-1-nguoi-bi-dam-nguy-kich-hinh-anh(1).png
Sau can thiệp, bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 - Ảnh: BVCC

Theo TS-BS Tạ Vương Khoa, Phó chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, điều trị thủng động mạch đốt sống do vết thương xuyên thấu là vấn đề rất nan giải. Hiện có 2 phương pháp xử lý thủng động mạch đốt sống là phẫu thuật và can thiệp nội mạch. Trong đó phẫu thuật đòi hỏi phẫu thuật viên phải bóc tách nhiều cấu trúc giải phẫu học quan trọng về mạch máu, thần kinh, cơ ở vùng cổ cũng như phải cắt mỏm ngang các đốt sống cổ (trường hợp thủng đoạn V2, V3 - cũng chính là các vị trí thường bị tổn thương nhất) mới có thể tiếp cận, và bộc lộ được động mạch đốt sống để xử lý, tiềm ẩn rủi ro xảy ra các tai biến nghiêm trọng, thậm chí đe doạ tính mạng trong và sau phẫu thuật.

“Việc phẫu thuật xử lý một động mạch đốt sống đang chảy máu được xem là một trong những loại phẫu thuật phức tạp, thử thách nhất dành cho các phẫu thuật viên, kể cả đối với những người giàu kinh nghiệm, đặc biệt khi vị trí thủng ở cao như trường hợp này (cuối đoạn V2, tiếp giáp đoạn V3)”, bác sĩ Khoa nói.

Đối với can thiệp nội mạch qua da là luồn dụng cụ trong lòng mạch máu đến vị trí động mạch đốt sống bị thủng, xử lý chỗ thủng bằng các vật liệu phù hợp (coil, bóng, keo, stent…). Đây là kỹ thuật có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật do đặc tính xâm lấn tối thiểu, tránh được nguy cơ tổn thương các cấu trúc giải phẫu quan trọng ở vùng cổ, thời gian điều trị được rút ngắn, đặc biệt là có thể dễ dàng đánh giá, kiểm soát động mạch đốt sống đối bên và động mạch thân nền trong suốt thủ thuật.

Bài liên quan
Can thiệp nội mạch cứu sống bệnh nhân vỡ phình động mạch vị tá tràng nguy kịch
Ngày 13.10, BS.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯ CT) cho biết các bác sĩ đã can thiệp nội mạch cầm máu thành công một trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết nội do vỡ phình động mạch vị tá tràng nguy kịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Hai sinh viên mâu thuẫn khi đá bóng, 1 người bị đâm nguy kịch