Ngày 16.5 tới các địa phương sẽ khảo sát, lập dự toán gửi về Sở Lao động thương binh – Xã hội để tổng hợp trình UBND TP.HCM. Sau đó sẽ có quyết định phân bổ dự toán cho 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức.

TP.HCM: Khi nào người lao động được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ?

Hồ Quang | 12/05/2022, 19:40

Ngày 16.5 tới các địa phương sẽ khảo sát, lập dự toán gửi về Sở Lao động thương binh – Xã hội để tổng hợp trình UBND TP.HCM. Sau đó sẽ có quyết định phân bổ dự toán cho 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó giám đốc Sở Lao động thương binh – Xã hội TP.HCM đã cho biết như thế về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM vào chiều 12.5.

Ngày 28.3.2022, Thủ tướng chính phủ có Quyết định 08 quy định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn. Đến ngày 27.4, UBND TP đã có kế hoạch 1283 nhằm triển khai thực hiện Quyết định 08. Ngày 9.5 vừa qua, Sở Lao động thương binh – Xã hội đã tổ chức 2 phiên họp nhằm triển khai kế hoạch của TP, trong đó 1 phiên họp với các sở, ngành của TP để thống nhất về các chính sách, các công việc hướng dẫn về mặt quản lý nhà nước nhằm tổ chức thực hiện; còn phiên thứ 2 là họp với thường trực UBND của 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức cũng như trưởng phòng lao động của các quận, huyện triển khai.

tphcm-khi-nao-nguoi-lao-dong-duoc-nhan-ho-tro-tien-thue-nha-tro-hinh-anh(1).png
Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: PV 

Về tiến độ thực hiện việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn TP, ông Lâm cho biết ngày 16.5 tới các địa phương sẽ khảo sát, lập dự toán gửi về Sở để tổng hợp lập trình UBND TP. Sau đó sẽ có quyết định phân bố dự toán về cho 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Theo ông Lâm, điều kiện để người lao động được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ gồm, người lao động đang làm việc kể từ ngày 1.2.2022 đến ngày 30.6.2022. Những người này phải có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hoặc có xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên, thực hiện trước ngày 1.4.2022. Đối với trường hợp người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải có tháng lương liền kề trước thời điểm lập danh sách đề nghị. Mức hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho những trường hợp này là 500.000 đồng/người/tháng với thời gian hỗ trợ là 3 tháng, có thể gộp 2-3 tháng/lần.

Trong trường hợp người lao động quay lại thị trường lao động từ quê đang ở trọ từ 1.4.2022 đến 30.6.2022, những người này phải có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hoặc có xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên, thực hiện trước ngày 1.4.2022. Riêng những người không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải có phải có tháng lương liền kề trước thời điểm lập danh sách đề nghị. Những đối tượng này được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ là 1 triệu đồng/người/tháng với thời gian hỗ trợ là 3 tháng, có thể gộp 2-3 tháng/lần.

Danh sách người lao động đề nghị nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ theo Khoản 2, 3 Quyết định của Chính phủ; bản sao danh sách trả lương liền kể của các tháng. Người lao động có mẫu đơn đề nghị và phải có xác nhận của chủ nhà trọ.

Sau đó, doanh nghiệp căn cứ vào đó lập danh sách gửi Bảo hiểm xã hội TP. Trong vòng 2 ngày, Bảo hiểm xã hội TP xác nhận và danh sách này sẽ nộp cho UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức. Tiếp đó, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức ký ban hành quyết định hỗ trợ cho người lao động trên địa bàn.

“Khi có danh sách và có số tiền kho bạc sẽ chuyển về doanh nghiệp. Trong vòng 2 ngày khi nhận được tiền, người sử dụng lao động phải chi ngay cho người lao động số tiền trên, không được giữ quá 2 ngày. Hạn cuối nhận hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động vào ngày 15.8.2022”, ông Lâm cho biết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về hoạt động của các cơ sở nuôi dưỡng người cao tuổi, ông Lâm cho biết, hiện TP có 20 đơn vị, trong đó 8 đơn vị công lập và 12 đơn vị ngoài công lập.

Tại 8 đơn vị công lập đang nuôi dưỡng 1.555 cụ; còn 12 đơn vị ngoài công lập đang nuôi dưỡng 1.138 cụ. Với những người già neo đơn, lang thang không nhớ địa chỉ, hoặc con cái neo đơn gửi đến phần lớn do các cơ sở công lập nuôi dưỡng

Trong năm 2022, TP có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở chăm lo người cao tuổi. Hiện đã có 3 hồ sơ xin phép thành lập cơ sở nuôi dưỡng người cao tuổi. “Những hồ sơ này đang thẩm tra, những hồ sơ chưa phù hợp với pháp luật hiện hành thì chúng tôi sẽ có hướng dẫn để có định hướng phù hợp”, ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi ngoài công lập có mức chăm sóc cao hơn so với mức quy định. Hiện nay mức quy định là 1,2 triệu đồng, nhưng mức nuôi dưỡng của TP là 1,92 triệu đồng. Ngoài ra, phần lớn các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi ngoài công lập có cơ sở vật chất hiện đại, đảm bảo chất lượng chăm sóc.

Tuy nhiên, khi thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội còn gặp khó khăn về chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế đất… “Hiện chúng tôi đang tập hợp để có những kiến nghị đối với các cơ quan chức năng nhằm động viên, huy động nhiều hơn các cơ sở ngoài công lập chăm lo cho người cao tuổi trên địa bàn”, ông Lâm cho hay.

Bài liên quan
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Khi nào người lao động được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ?