TP.HCM khẳng định không làm thất thoát ngân sách và không có lợi ích nhóm ở 6 dự án BOT mà Thanh tra Chính phủ mới công bố. TP.HCM sẽ tiếp thu kết luận và nội dung báo cáo của Thanh tra Chính phủ và sẽ triển khai ngay công tác khắc phục, nhất là vấn đề thanh toán quyết toán.

TP.HCM: ‘Không thất thoát ngân sách, không có lợi ích nhóm ở 6 dự án BOT’

Phan Diệu | 23/08/2017, 15:34

TP.HCM khẳng định không làm thất thoát ngân sách và không có lợi ích nhóm ở 6 dự án BOT mà Thanh tra Chính phủ mới công bố. TP.HCM sẽ tiếp thu kết luận và nội dung báo cáo của Thanh tra Chính phủ và sẽ triển khai ngay công tác khắc phục, nhất là vấn đề thanh toán quyết toán.

Ngày23.8, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ tháng 8 về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Tại cuộc họp báo, kết luận sai phạm 2.172 tỉ đồng của 6 dự án BOT ở TP.HCM mà Thanh tra Chính phủ vừa công bố được báo chí rất quan tâm.

Về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan cho biết nguồn vốn cần để đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại TP.HCM rất lớn, thế nhưng ngân sách thì có hạn nên phải tìm vốn từ nhiều nguồn. TP.HCM là địa phương đi đầu về BOT và BT. Trong quá trình thực hiện, TP.HCM vận dụng đúng theo tinh thần của pháp luật, không làm sai.

“TP.HCM không làm thất thoát ngân sách và không có lợi ích nhóm ở 6 dự án BOT mà Thanh tra Chính phủ công bố. Thành phố sẽ tiếp thu kết luận và nội dung báo cáo của Thanh tra Chính phủ và sẽ triển khai ngay công tác khắc phục, nhất là vấn đề thanh toán quyết toán. Thành phố cũng sẽ tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm để đóng góp cho chính sách chung cho cả nước về vấn đề đầu tư theo hình thức BOT, BT", ông Hoan khẳng định.

Theo ông Hoan, những vấn đề quan trọng, thành phố đều có xin ý kiến của HĐND TP.HCM, từ chủ trương đến phương thức thanh toán, kể cả đặt trạm thu phí ở đâu. Quan điểm của thành phố là đường làm ở đâu sẽ đặt trạm ở đó. Lúc đó đã nghĩ đến chuyện quy hoạch các trạm thu phí vào TP.HCM.

Người phát ngôn của UBND TP.HCM còn cho biết trong quá trình dự thảo thì TP.HCM đều có văn bản góp ý cho Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ có một số nội dung Thanh tra Chính phủ tiếp thu, lắng nghe và điều chỉnh, còn nhiều vấn đề giải trình của TP.HCM không được tiếp thu thấu đáo.

“Đây là điều đáng tiếc. Theo tôi là do quan điểm, cách tiếp cận vấn đề và việc vận dụng pháp luật”, ông Hoan nói thêm.

Về việc các dự án đội vốn, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM nói rằng kết luận là đúng nhưng không phải do kê khống làm tăng tổng mức đầu tư.

“Nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện, giá cả nhân công, chi phí nguyên vật liệu… thay đổi nên phải điều chỉnh cho phù hợp. Đây là một kinh nghiệm mà thành phố cần rút ra để thực hiện các dự án khác. Nếu thành phố được quy hoạch tốt, có tầm nhìn thì không phải đầu tư bổ sung các hạng mục, cũng như không phải bổ sung thêm cầu vượt…thì sẽ không bị coi là đội vốn”, ông Hoan nhìn nhận.

Trong khi đó, đề cập đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án BOT cầu Phú Mỹ, người phát ngôn TP.HCM khẳng định đã có báo cáo Thủ tướng về sự cần thiết đầu tư dự án này và Thủ tướng đã có văn bản đồng ý vào năm 2004.

Cũng tại cuộc họp báo, nói về một số dự án BOT kéo dài thời gian thực hiện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết nguyên nhân là do vừa triển khai, vừa phải bổ sung hạng mục như dự án nâng cấp, mở rộng xa lộ Hà Nội; dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, đoạn An Sương - An Lạc. Còn kết luận “phê duyệt không đúng 1.400 tỉ đồng” là nằm ở dự án nâng cấp, mở rộng xa lộ Hà Nội.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về việc chấp hành quy định của pháp luật với 6 dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT tại TP.HCM. Thanh tra Chính phủ cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ýkiến nghị về xử lý sai phạm với số tiền hơn 2.172 tỉ đồng tại 6 dự án BOT ở TP.HCM.

Kết luận của Thanh tra Chính phú chỉ rõ từ năm 2010 đến tháng 6.2015 trên địa bàn thành phố có 13 dự án BOT, BT trong lĩnh vực giao thông, môi trường đang được triển khai với giá trị gần 33.000 tỉ đồng của 8 nhà đầu tư. Trong số này có 5 dự án trong lĩnh vực giao thông đã hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng, 8 dự án đã ký hợp đồng hoặc đang triển khai với tổng mức đầu tư gần 26.000 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra 6 dự án gồm: dự án xây dựng cầu Phú Mỹ; dự án đường kết nối cầu Phú Mỹ; dự án cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn An Sương- An Lạc; dự án xa lộ Hà Nội; dự án cầu Bình Triệu 2; dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản tăng vọt
11 giờ trước Tài chính và đầu tư
3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỉ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: ‘Không thất thoát ngân sách, không có lợi ích nhóm ở 6 dự án BOT’