Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trong thời gian 2 tuần tới, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo tất cả các cửa hàng nếu thực sự không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ trường hợp các cửa hàng xăng, thuốc, siêu thị và lương thực thực phẩm.
Thông tin này được Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đề xuất UBND TP.HCM trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM diễn ra chiều 24.3.
Theo ông Bỉnh, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trong thời gian 2 tuần tới, nhất là trong tuần này, thành phố khuyến cáo cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trên 60 tuổi nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác. Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Tăng cường dinh dưỡng, tập luyện, nâng cao sức khỏe.
Mọi người không có nhiệm vụ thì cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt. Khi ra đường, phải mang khẩu trang và di chuyển cũng phải đảm bảo cự ly an toàn 2m, không được tụ tập trên đường phố để tránh nguy cơ lây lan.
Đồng thời, ngừng tất cả phương tiện công cộng xe buýt trong nội thành. Xe taxi không sử dụng máy lạnh, phải mở cửa kính để thông thoáng. Tài xế xe taxi phải mang khẩu trang và thường xuyên vệ sinh xe taxi sau mỗi lần chở khách.
Đặc biệt, ông cũng khuyến cáo tất cả các cửa hàng, nếu thực sự không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ trường hợp các cửa hàng xăng, thuốc, siêu thị và lương thực thực phẩm. Các quán ăn, quán nước không được mở máy lạnh, phải mở cửa sổ và sử dụng quạt để thông thoáng.
Các cửa hàng không tập trung quá 10 người. Còn các quán ăn đường phố phải đảm bảo mỗi khách hàng ngồi cách nhau 2m. Nhân viên phục vụ phải mang khẩu trang và thường xuyên rửa tay; vệ sinh khử khuẩn bàn ăn ngay sau khi khách hàng sử dụng. Nếu các quán không bố trí được theo yêu cầu phải ngưng hoạt động.
Cạnh đó, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng đề xuất tạm thời ngưng các điểm tham quan, du lịch. Nếu không thể thì chỉ tổ chức tiếp từng đoàn với số lượng tối đa không quá 10 người, mỗi người giữ khoảng cách an toàn 2m và phải đảm bảo các phương tiện phòng hộ cá nhân như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn rửa tay…
Đáng chú ý, ông Bỉnh cũng đề xuất Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các quận huyện chỉ đạo UBND phường xã phải thành lập tổ công tác để tổ chức đến từng nhà, các cơ sở lưu trú, rà soát kỹ, lập danh sách những người nhập cảnh vào Việt Nam từ 8.3.2020 đến nay chưa được cách ly để tổ chức xét nghiệm tất cả. Từ đó, đánh giá nguy cơ để quyết định đưa đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nơi cư trú và có sự giám sát chặt chẽ của y tế và chính quyền địa phương.
Để đảm bảo không lây nhiễm trong khu cách ly tập trung cũng như mất trật tự, tụ tập đông người gây lây nhiễm trong cộng đồng, Sở Y tế cũng cho biết không tiếp nhận thực phẩm và nhu yếu phẩm của thân nhân người cách ly.
Cũng tại cuộc họp này, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đánh giá 2 tuần tới sẽ là thời điểm vàng để phòng chống dịch nên cần đẩy mạnh kết hợp nhiều giải pháp và các kế hoạch ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới.
Do vậy, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng 150 nhân sự, và ông Liêm còn đề nghị các quận huyện có nhu cầu hỗ trợ liên hệ trực tiếpChỉ huy trưởng Thanh niên xung phong.
Liên quan đến việc cung ứng khẩu trang cho người dân, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng đề nghị các đơn vị, tổ chức, địa phương rà soát, lập danh sách nơi nào cần để phân phối cho hợp lý. Hiện tại, Sở Công Thương đã cung cấp đường dây nóng để người dân báo khi phát hiện chỗ nào bán khẩu trang không hợp lệ. Sở này cần chú ý việc cung cấp hàng hóa cho các siêu thị luôn phải đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Phan Diệu