Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Lâm – Phó giám đốc sở Lao động Thương binh - Xã hội TP.HCM cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 vào chiều 21.10.
Theo ông Lâm tính đến nay, TP đã chi trả tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 được trên 5 triệu người. Đến thời điểm này đã có 17 quận, huyện chi trả tiền hỗ trợ cho người dân đạt trên 80%. “Các quận huyện còn lại chi trả còn chậm do trên địa bàn dân cư có khu phong tỏa, người nhận hỗ trợ phải nằm bệnh viện… Bên canh đó, nguồn kinh phí chuyển về địa phương chưa kịp. Tuy nhiên, các địa phương này cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ chi trả tiền hỗ trợ theo chỉ đạo của UBND TP”, ông Lâm cho biết.
Trả lời câu hỏi của PV Một Thế Giới liên quan đến việc người dân bức xúc về chi trả tiền hỗ trợ, nhiều người đủ điều kiện nhận hỗ trợ nhưng không được nhận, ông Lâm cho biết, trong tháng 11 tới, Sở Lao động Thương binh – Xã hội TP.HCM sẽ lập 3 đoàn cùng với mặt trận và các đoàn thể đi giám sát, kiểm tra các địa phương chi trả tiền hỗ trợ của người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID -19. “Khi có kết quả cuối cùng chúng tôi sẽ công bố cho các cơ quan truyền thông”, ông Lâm nói.
Đề cập đến vấn đề này, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho rằng, việc bỏ sót hỗ trợ cho người gặp khó khăn do dịch COVID-19 không loại trừ cách làm của các địa phương thiếu khoa học, chủ quan, lúng túng, không sâu sát… “Sở Lao động Thương binh - Xã hội và các ngành chức năng cần phải có sự kiểm, giám sát để có sự chấn chỉnh, uốn nắn”, ông Khuê đề nghị.
Theo ông Khuê, trải qua 5 tháng của đại dịch COVID-19, đến nay TP đã bước sang giai đoạn mới. Trong giai đoạn khó khăn ấy, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào đã được nhân lên, trong đó có công rất lớn của các cơ quan truyền thông.
Hạnh phúc của nhân dân là vấn đề cần được quan tâm, phải làm sao để cuộc sống của người dân TP ngày càng tốt hơn.
Ông Khuê biểu dương các sở ngành đã nhập cuộc rất tích cực, nỗ lực. Tất cả những điều đó đã được TP ghi nhận và chia sẻ.“Trong gian nan 'một miếng khi đói bằng một gói khi no'", ông Khuê nói.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay trong công tác phòng chống dịch là việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở đã có văn bản tham mưu cho UBND TP. Hiện TP cũng đã họp và thống nhất sẽ triển khai ngay sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn về việc phê duyệt vắc xin tiêm cho trẻ.
Hiện Sở Y tế cũng đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP thống kê được hơn 780.000 trẻ trong độ tuổi trên đang đi học, và có khoảng 10.000 trẻ trong độ tuổi trên không đi học hoặc đi học ở những hệ khác.
“Tất cả các cháu ở lứa tuổi này trên địa bàn TP đều được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian diễn ra chiến dịch. Thành phố sẽ triển khai ngay khi Bộ Y tế có quyết định việc tiêm vắc xin cho trẻ em”, ông Hưng nhấn mạnh.