Trong số 38 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong trong ngày hôm qua (10.11) tại TP.HCM, có 28 người chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19.

TP.HCM: Trong 38 bệnh nhân COVID-19 tử vong, có 28 người chưa tiêm đủ 2 mũi

Hồ Quang | 11/11/2021, 20:53

Trong số 38 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong trong ngày hôm qua (10.11) tại TP.HCM, có 28 người chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19.

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 vào chiều 11.11, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đang có dấu hiệu gia tăng. Đây là kết quả tất yếu khi TP chuyển sang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có nguy cơ tử vong 

Hiện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP đang phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện để theo dõi các trường hợp F0 nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, thực hiện test nhanh, xử lý kịp thời các ổ dịch; đồng thời theo dõi các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong.

tphcm-38-benh-nhan-covid-19-tu-vong-thi-co-den-10-nguoi-da-tiem-du-2-mui-hinh-anh(1).png
Bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: PV 

Theo ông Châu, trong những ngày gần đây, số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng thở oxy dao động ở mức 1.800 ca trở lên; số ca thở máy xâm lấn khoảng 230 đến 250 ca. Riêng số ca tử vong thấp nhất vào ngày 30.10 với 21 ca, nhưng sau đó dao động khoảng 21 đến 43 trường hợp.

Bên cạnh các trường hợp tử vong là người ở TP.HCM, có các trường hợp tử vong chuyển từ các tỉnh, thành khác đến trong tình trạng nặng. Cụ thể trong ngày 9.11 có 5 ca tử vong đến từ các tỉnh, trong đó có 2 ca ở Long An, 2 ca Bình Dương và 1 ca Bến Tre; trong ngày hôm qua (10.11) có 38 ca tử vong, trong đó có 3 trường hợp từ các tỉnh khác chuyển đến gồm: Long An, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Qua phân tích các trường hợp tử vong trong ngày 10.11 bác sĩ Châu cho biết, trong số 38 trường hợp tử vong có 34 trường hợp có bệnh nền, 4 trường hợp không có bệnh nền. Trong đó từ 18 đến 50 tuổi có 2 trường hợp; 51 đến 65 có 15 trường hợp, chiếm 39,5%; từ 65 tuổi trở lên có 21 trường hợp, chiếm 55%; không có trường hợp tử vong ở trẻ em.

“Như vậy số ca tử vong trong thời gian gần đây tập trung vào những người lớn tuổi và những người có bệnh nền”, ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, trong số 38 trường hợp tử vong hôm 10.11, có 20 trường hợp chưa tiêm vắc xin, trong đó có 12 trường hợp trên 65 tuổi và có một số bệnh nền, thậm chí có một số bệnh nặng nằm một chỗ nhiều năm qua; 10 trường hợp tiêm đủ 2 mũi… Trong số 10 trường hợp tử vong đã tiêm đủ 2 mũi đều trên 50 tuổi và có bệnh nền.

“Yếu tố nguy cơ cao hiện nay có thể tử vong do COVID-19 là nhóm những người mắc bệnh nền, cao tuổi, nhất là những người mắc bệnh nền nằm một chỗ lâu ngày và chưa tiêm vắc xin. Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM vừa qua, Sở Y tế đã khuyến cáo ban chỉ đạo các quận, huyện tiếp tục tìm, phát hiện những người lớn tuổi, nằm một chỗ chưa tiêm vắc xin để tổ chức tiêm ngay và có giải pháp bảo vệ những người này tránh bị lây nhiễm COVID-19 từ những người thân trong gia đình”, ông Châu chia sẻ.

Ông Châu cũng lưu ý các thanh niên trẻ tuổi, khi thăm viếng ông bà, cha, mẹ và những người lớn tuổi cần phải đảm bảo an toàn, tránh mang mầm bệnh COVID-19 từ bên ngoài để lây lan cho những người này.

Ông Châu thừa nhận trong thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng quá tải cục bộ tại các trạm y tế lưu động do số bệnh nhân COVID-19 có dấu hiệu gia tăng, trong khi đó lực lượng quân y quản lý, điều hành các trạm y tế này ở một số nơi đã rút đi.

“Hiện Sở Y tế TP đã điều động các trạm y tế lưu động của các bệnh viện đã được phân công để tăng cường cho y tế địa phương nhằm quản lý tốt hơn các F0; đồng thời phát hiện những trường hợp chuyển biến nặng chuyển bệnh viện”, ông Châu cho biết.

Nhân viên ở trạm y tế cũng phải được phong hàm giáo sư

Nói về những hạn chế, yếu kém của hệ thống y tế cơ sở trong công tác phòng chống dịch COVID-19, nhất là trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, ông Châu cho rằng nguyên nhân chính là do nhân lực tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn còn quá thấp so với thực tế cũng như so với quy định.

Hiện nhân viên y tế tại trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.HCM chỉ có 2,5/10.000 dân, thấp hơn rất nhiều so với bình quân của của nước và TP. Hà Nội.

Nếu căn cứ theo Thông tư liên tịch số 08 biên chế cho các trạm y tế ở TP.HCM là rất thấp. Cụ thể trạm y tế được phân bố từ 5 biên chế trở xuống có 52 trạm; phân bố từ 6 đến 8 biên chế có 173 trạm; phân bố từ 9 đến 10 biên chế có 64 trạm.

“TP.HCM khác với các tỉnh, thành khác. Thực tế hiện nay, mỗi trạm y tế ở TP phải cần ít nhất là 10 người, vì quy mô trung bình dân số mỗi phường, xã có TP là 30.000 người”, ông Châu nói.

Về nguyên nhân các trạm y tế xã, phường, thị trấn bị thiếu biên chế, ông Châu cho biết là do những nơi này không thu hút được nhân lực. Để giải quyết điều này. Sở Y tế TP đã xây dựng đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở. Trước mắt, TP giao các bệnh viện quận huyện cử cán bộ, nhân viên y tế về tăng cường, hỗ trợ thêm cho trạm y tế; điều chuyển các bác sĩ mới ra trường ở Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về công tác tại trạm y tế. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài và căn cơ, Sở Y tế sẽ đề xuất với Hội đồng nhân dân TP, Quốc hội các chính sách khác để thu hút thêm những nhân lực cho y tế cơ sở.

“Để thu hút nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, không chỉ lương, thu nhập mà còn phải có cơ chế, chính sách để những nhân viên y tế đến đây công tác phải phát huy được nghề nghiệp. Phải làm sao để những người hoạt động tại các trạm y tế tuyến cơ sở vẫn có thể trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, được phong giáo sư, được lên ngạch...”, ông Châu cho biết thêm.

Theo ông Châu, trong thời gian qua, trung tâm y tế và trạm y tế phường, xã, thị trấn đóng vai trò rất quan trọng các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trước khi có dịch COVID-19 xảy ra thì các trạm y tế đã hoàn thành khá tốt các chương trình y tế cộng đồng như: tiêm chủng cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nhất là trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, số ca F0 tăng cao, thì đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém trong hệ thống y tế cơ sở do không thể đáp ứng kịp số lượng ca mắc tăng cao.

Tính đến 18 giờ ngày 10.11, TP có 443.212 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 442.671 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 541 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 11.586 bệnh nhân, trong đó có 618 trẻ em dưới 16 tuổi, 232 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 10.11, TP có 1.228 bệnh nhân nhập viện, 865 bệnh nhân xuất viện (nâng tổng số bệnh nhân xuất viện từ đầu năm đến lên 259.970, 38 trường hợp tử vong trong ngày, nâng tổng số bệnh nhân tử vong từ đầu năm đến nay lên 17.055.

Bài liên quan
TP.HCM tiếp tục ủy quyền cho quận huyện điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về ủy quyền cho UBND các quận, huyện điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu trên địa bàn TP.HCM (trừ TP.Thủ Đức) để phục vụ dự án đầu tư công.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Trong 38 bệnh nhân COVID-19 tử vong, có 28 người chưa tiêm đủ 2 mũi