Trong một diễn biến đáng ngạc nhiên, Huawei (gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc từng bị Mỹ trừng phạt) đã nổi lên như vũ khí quan trọng nhất của Bắc Kinh trong cuộc chiến về chất bán dẫn đang diễn ra.
Thế giới số

Trung Quốc âm thầm biến Huawei thành vũ khí mạnh nhất trong cuộc chiến chip với Mỹ

Sơn Vân 12:15 01/12/2023

Trong một diễn biến đáng ngạc nhiên, Huawei (gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc từng bị Mỹ trừng phạt) đã nổi lên như vũ khí quan trọng nhất của Bắc Kinh trong cuộc chiến về chất bán dẫn đang diễn ra.

Trong khi những câu chuyện trước đó cho rằng Huawei chủ yếu dựa vào các nhà sản xuất chip và đóng vai trò là hãng thiết kế chip hàng đầu Trung Quốc thì thực tế lại phức tạp hơn.

Sự tham gia của Huawei vào ngành công nghiệp chip Trung Quốc sâu sắc hơn nhiều so với những gì được biết đến trước đây. Huawei không chỉ là khách hàng chính của các nhà sản xuất chip và là hãng thiết kế chip có ảnh hưởng, mà còn bắt đầu cung cấp chuyên môn kỹ thuật, hỗ trợ tài chính cho các công ty nhỏ hơn trong chuỗi cung ứng chip. Điều thú vị là những đóng góp này thường không được tiết lộ để tránh các hạn chế từ Mỹ do có sự tham gia của Huawei.

Chính phủ Trung Quốc cũng thể hiện sự hỗ trợ chưa từng có dành cho Huawei. Trang Bloomberg gần đây tiết lộ một mạng lưới các doanh nghiệp được hỗ trợ bởi quỹ đầu tư của chính quyền thành phố Thâm Quyến. Quỹ này được thành lập đặc biệt để hỗ trợ Huawei xây dựng mạng lưới chip tự cung tự cấp.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc đã khởi động một dự án trị giá 30 tỉ USD để giúp Huawei xây dựng các cơ sở chế tạo chip.

Quyết định đặt Huawei làm lực lượng dẫn đầu trong nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp chip tự cung tự cấp của Trung Quốc bắt nguồn từ mệnh lệnh trực tiếp từ các cấp cao nhất chính phủ. Được mô tả là nhà vô địch quốc gia với quyết tâm, quy mô và năng lực công nghệ, Huawei trở thành nền tảng cho tham vọng bán dẫn của Trung Quốc. Nhậm Chính Phi, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei, từ lâu đã thấy trước những mối đe dọa với sự tồn tại của công ty và kêu gọi tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu chất bán dẫn để tránh phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ bên ngoài.

Bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại từ năm 2019, Huawei đã thể hiện khả năng phục hồi của mình bằng cách nhanh chóng huy động hàng ngàn nhà phát triển thiết kế lại bảng mạch và phần mềm, cho phép sản phẩm của họ hoạt động mà không cần công nghệ Mỹ. Hơn nữa, mối quan hệ giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc ngày càng gắn bó hơn.

Thành công từ việc ra mắt smartphone Huawei Mate 60 Pro hồi tháng 8 càng làm nổi bật tiến bộ công nghệ nhanh chóng của Trung Quốc. Với tỷ lệ cao các linh kiện được sản xuất trong nước, gồm cả bộ xử lý Kirin 9000s 7 nanomet do SMIC (hãng chip số 1 Trung Quốc) sản xuất, Mate 60 Pro đại diện cho một cột mốc quan trọng và làm dấy lên các cuộc tranh luận về khả năng của Mỹ trong việc cản trở Trung Quốc đạt được những tiến bộ công nghệ.

Tuy nhiên, Mỹ đã nảy sinh những lo ngại về khả năng chất bán dẫn tiên tiến được sử dụng cho mục đích quân sự, chẳng hạn như máy bay không người lái được điều khiển bằng AI hoặc siêu máy tính phá mã. Khi căng thẳng với Trung Quốc leo thang, Mỹ đặt mục tiêu kiềm chế khả năng quốc phòng của cường quốc châu Á, gồm cả các ứng dụng quân sự tiềm năng nhờ sức mạnh công nghệ của Huawei.

trung-quoc-bi-mat-bien-huawei-thanh-vu-khi-manh-nhat-trong-cuoc-chien-chip-voi-my.jpg
Huawei đã nổi lên như vũ khí quan trọng nhất của Bắc Kinh trong cuộc chiến về chất bán dẫn đang diễn ra - Ảnh: Internet

Trung tâm mạng lưới các doanh nghiệp do nhà nước hỗ trợ giúp đỡ Huawei là Shenzhen Major Industry Investment Group Co, một quỹ đầu tư được điều hành bởi chính quyền thành phố Thâm Quyến, nơi Huawei đặt trụ sở chính. Được thành lập bằng vốn nhà nước, quỹ này đã hướng nỗ lực của mình vào việc hỗ trợ các sáng kiến chip Trung Quốc, đặc biệt tập trung vào Huawei. Họ đã đầu tư vào một số công ty trong chuỗi cung ứng chip và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa Huawei với công ty cung cấp công cụ sản xuất chip Shenzhen Sicarrier Technologies Co.

Mối quan hệ cộng sinh giữa Shenzhen Sicarrier Technologies Co và Huawei được tạo điều kiện thuận lợi thông qua bộ phận nghiên cứu nội bộ của Huawei, được gọi là Lab 2012. Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ này nêu bật mức độ phối hợp và hợp tác giữa Huawei và các đơn vị khác nhau đang thúc đẩy ngành công nghiệp chip Trung Quốc.

Khi tiếp tục phát triển thành một công ty thiết yếu thúc đẩy tham vọng bán dẫn của Trung Quốc, rõ ràng là quỹ đạo Huawei gắn liền với số phận sự trỗi dậy công nghệ của nước này. Mức độ hỗ trợ của nhà nước và các mối quan hệ đối tác chiến lược mà Huawei xây dựng giúp gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc trở thành công ty lớn trong bối cảnh bán dẫn toàn cầu, định hình tương lai của nền kinh tế thế giới nhiều năm tới.

Baidu đặt mua 1.600 chip AI từ Huawei để thay cho Nvidia

Hai nguồn tin của Reuters cho biết Baidu đã đặt mua chip AI từ Huawei trong năm nay. Đây là dấu hiệu cho thấy áp lực của Mỹ đang khiến gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc chấp nhận các sản phẩm của Huawei như giải pháp thay thế cho Nvidia.

Baidu là một trong những công ty AI hàng đầu Trung Quốc, đang vận hành mô hình ngôn ngữ lớn Ernie Bot.

Một nguồn tin cho biết Baidu đã đặt hàng chip Huawei vào tháng 8, trước khi Mỹ công bố các quy định mới vào ngày 17.10 để thắt chặt các hạn chế xuất khẩu chip AI và các công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc.

Nguồn tin nói Baidu đã đặt mua 1.600 chip AI Ascend 910B của Huawei cho 200 máy chủ. Huawei đã phát triển Ascend 910B để thay thế cho A100 của Nvidia.

Theo nguồn tin của Reuters, đến tháng 10, Huawei đã giao hơn 60% đơn đặt hàng cho Baidu, tức khoảng 1.000 Ascend 910B.

Nguồn tin thứ hai nói rằng tổng giá trị của đơn đặt hàng là khoảng 450 triệu nhân dân tệ (61,83 triệu USD) và Huawei sẽ giao tất cả chip vào cuối năm nay.

Dù đơn đặt hàng này rất nhỏ so với hàng ngàn chip mà các hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc trước đây đặt mua từ Nvidia, nhưng các nguồn tin nói rằng nó rất quan trọng vì cho thấy Baidu có thể rời bỏ sản phẩm của công ty Mỹ.

Baidu, cùng với các công ty cùng ngành ở Trung Quốc như Tencent và Alibaba, được biết đến là khách hàng lâu năm của Nvidia.

Dù chip Ascend của Huawei vẫn bị coi là kém xa so với Nvidia về hiệu năng nhưng nguồn tin đầu tiên cho biết chúng là sản phẩm nội địa tinh vi nhất có sẵn tại Trung Quốc.

Nguồn tin đầu tiên của Reuters tiết lộ: “Baidu đã đặt hàng Ascend 910B để chuẩn bị cho một tương lai có thể không còn mua được chip từ Nvidia nữa”.

Trang web Huawei cho biết họ đã hợp tác với Baidu từ năm 2020 để làm cho nền tảng AI tương thích với phần cứng của Huawei. Vào tháng 8, hai công ty Trung Quốc thông báo sẽ tăng cường khả năng tương thích giữa mô hình Ernie Bot của Baidu và chip Ascend của Huawei.

Baidu đã phát triển dòng chip Kunlun AI của riêng mình, hỗ trợ tính toán AI quy mô lớn, nhưng chủ yếu dựa vào Nvidia A100 để đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn của mình.

Các nhà phân tích dự đoán vào tháng trước rằng các biện pháp hạn chế của Mỹ sẽ tạo cơ hội cho Huawei mở rộng tại thị trường quê nhà trị giá 7 tỉ USD. Huawei đã trở thành đối tượng kiểm soát xuất khẩu của Mỹ kể từ năm 2019.

Đơn đặt hàng chip Ascend 910B từ Baidu cho thấy thêm sự tiến bộ công nghệ của Huawei, khi Trung Quốc đổ tiền đầu tư vào ngành bán dẫn trong nước để giúp hãng này bắt kịp các đối thủ nước ngoài và thúc đẩy các công ty trong nước thay thế công nghệ nước ngoài bằng các giải pháp nội địa.

Bài liên quan
Người Nhật đau đầu đối phó với nạn cát vàng đến từ Trung Quốc
Cát vàng là bụi có nguồn gốc từ các sa mạc nội địa của Trung Quốc và Mông Cổ, được gió thổi đến quần đảo Nhật Bản, thường là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
10 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc âm thầm biến Huawei thành vũ khí mạnh nhất trong cuộc chiến chip với Mỹ