Microsoft sẽ đảm nhận vị trí quan sát, không bỏ phiếu trong hội đồng quản trị của OpenAI, Giám đốc điều hành Sam Altman cho biết hôm 29.11 trong bức thư chính thức đầu tiên sau khi nhận lại quyền điều hành công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI).
Thế giới số

Sam Altman nói Microsoft không được bỏ phiếu trong HĐQT OpenAI, không thù ghét người từng sa thải mình

Sơn Vân 30/11/2023 12:08

Microsoft sẽ đảm nhận vị trí quan sát, không bỏ phiếu trong hội đồng quản trị của OpenAI, Giám đốc điều hành Sam Altman cho biết hôm 29.11 trong bức thư chính thức đầu tiên sau khi nhận lại quyền điều hành công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI).

Vị trí quan sát viên đồng nghĩa đại diện của Microsoft có thể tham dự các cuộc họp hội đồng quản trị của OpenAI và truy cập thông tin bí mật, nhưng không có quyền biểu quyết về các vấn đề như bầu hoặc chọn giám đốc.

Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, trước đó đã nói rằng việc quản trị tại OpenAI cần phải thay đổi. Satya Nadella từng tuyển dụng Sam Altman làm lãnh đạo nhóm AI mới tại Microsoft sau khi doanh nhân này bất ngờ bị OpenAI sa thải hôm 17.11 rồi được bổ nhiệm lại làm giám đốc điều hành vào ngày 22.11.

sam-altman-noi-microsoft-khong-duoc-bo-phieu-trong-hdqt-openai-khong-thu-ghet-nguoi-tung-sa-thai-minh.jpg
Theo Sam Altman, Microsoft sẽ đảm nhận vị trí quan sát, không bỏ phiếu trong hội đồng quản trị của OpenAI - Ảnh: Getty Images

OpenAI cho biết tuần trước đã công bố một hội đồng quản trị mới ban đầu gồm Chủ tịch Bret Taylor (cựu đồng Giám đốc điều hành Salesforce), Larry Summers (cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ), Adam D'Angelo (Giám đốc điều hành Quora từng biểu quyết sa thải Sam Altman).

Bret Taylor từng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương vụ mua Twitter trị giá 44 tỉ USD của Elon Musk. Larry Summers là học giả Đại học Harvard và trợ lý kinh tế lâu năm cho các Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ. Adam D'Angelo là thành viên duy nhất còn lại trong hội đồng quản trị OpenAI cũ từng sa thải Sam Altman.

Hội đồng OpenAI mới đang tích cực tìm kiếm 6 thành viên nữa có chuyên môn trong các lĩnh vực từ công nghệ đến an toàn và chính sách. Các nguồn tin nói với Reuters rằng những nhà đầu tư vào OpenAI khó có được một ghế trong hội đồng quản trị phi lợi nhuận.

Microsoft đã cam kết đầu tư hơn 10 tỉ USD vào OpenAI và sở hữu 49% cổ phần của công ty này.

Mira Murati, người từng là Giám đốc công nghệ OpenAI và được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành tạm thời trong thời gian ngắn sau khi Sam Altman bị sa thải, một lần nữa lại là giám đốc công nghệ của công ty khởi nghiệp AI.

Greg Brockman, người đồng sáng lập OpenAI từng theo Sam Altman rời công ty, sẽ trở lại làm Chủ tịch. Sam Altman cho biết thông tin này hôm 29.11

Sam Altman nói: “Greg và tôi là đối tác điều hành công ty này. Chúng tôi chưa bao giờ tìm ra cách truyền đạt điều đó trên sơ đồ tổ chức, nhưng sẽ thực hiện”.

Sam Altman cho biết Ilya Sutskever, nhà đồng sáng lập và Giám đốc khoa học OpenAI, sẽ không còn là thành viên hội đồng quản trị nữa.

Ilya Sutskever từng tham gia vào nỗ lực sa thải Sam Altman cùng các thành viên hội đồng quản trị cũ nhưng sau đó đã ký vào một lá thư của nhân viên yêu cầu OpenAI đưa ông quay trở lại, bày tỏ sự hối tiếc vì hành động của mình.

"Tôi yêu và tôn trọng Ilya Sutskever. Tôi nghĩ anh ấy là ánh sáng dẫn đường và là viên ngọc quý của loài người. Tôi không giữ sự thù địch nào với anh ấy", Sam Altman nói và cho biết thêm công ty đang thảo luận về cách Ilya Sutskever có thể tiếp tục công việc của mình tại OpenAI.

Ngoài Sam Altman, Greg Brockman, Ilya Sutskever và D'Angelo, hội đồng quản trị OpenAI trước đây còn có Tasha McCauley (cựu Giám đốc điều hành GeoSim Systems), Helen Toner (Giám đốc chiến lược tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Georgetown).

OpenAI dự kiến sẽ không cung cấp cho Microsoft và các nhà đầu tư khác, gồm cả Khosla Ventures và Thrive Capital, ghế trong hội đồng quản trị mới của mình, một người quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters.

Sam Altman bị sa thải hôm 17.11 sau khi xung đột với hội đồng quản trị về nỗ lực biến OpenAI từ một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào khám phá khoa học về AI thành doanh nghiệp xây dựng sản phẩm, thu hút khách hàng và huy động vốn cần thiết để cung cấp sức mạnh cho các công cụ AI. Các thành viên hội đồng quản trị OpenAI cũ nuôi dưỡng mối lo ngại về những tác hại tiềm ẩn do AI mạnh mẽ và không được kiểm soát gây ra.

Thomas Hayes, Chủ tịch quỹ phòng hộ Great Hill Capital, nói: “Tôi không biết liệu OpenAI có lựa chọn để loại Microsoft khỏi hội đồng quản trị không. Microsoft sẽ có điều gì đó để nói về việc này, dựa trên số tiền mà họ đã đầu tư vào OpenAI”.

Thomas Hayes cho biết việc Microsoft “ngồi yên một cách thụ động” sẽ không có lợi cho họ.

Việc Sam Altman trở lại làm Giám đốc điều hành OpenAI sẽ tăng cường khả năng kiểm soát công ty khởi nghiệp của ông và có thể khiến doanh nhân này ít bị kiểm tra hơn về quyền lực khi giới thiệu công nghệ thúc đẩy các ngành công nghiệp.

Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nhà đầu tư, gồm cả Microsoft, có thể mang lại cho Sam Altman nhiều sự tự do hơn để thương mại hóa công nghệ.

Mak Yuen Teen, Giám đốc trung tâm bảo vệ nhà đầu tư tại Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore, nói với hãng tin Reuters: “Sự trở lại của Sam có thể chấm dứt tình trạng hỗn loạn bề ngoài, nhưng có thể vẫn tiếp tục xuất hiện những vấn đề quản trị sâu sắc. Sam có vẻ cực kỳ quyền lực và không rõ có hội đồng quản trị có thể giám sát ông hay không. Điều nguy hiểm là hội đồng quản trị có nguy cơ trở thành con dấu cao su (chỉ làm theo ý của Sam - PV)”.

Hội đồng quản trị OpenAI mới sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn ở cấp cao nhất và mối quan hệ chặt chẽ với cả chính phủ Mỹ lẫn Phố Wall.

Nhà phân tích Beatriz Valle của hãng GlobalData nhận xét: “Altman đã được tiếp thêm sinh lực trong những ngày qua. Song mặt trái là ông ta hiện có quá nhiều quyền lực. Việc Summers, Taylor gia nhập OpenAI là điều khá bất thường và đánh dấu sự đảo ngược đáng kể vận mệnh của công ty”.

Là thành viên hội đồng quản trị hãng công nghệ tài chính Block của Jack Dorsey - cựu Giám đốc điều hành Twitter, Larry Summers những tháng gần đây đã lên tiếng về khả năng mất việc làm và gián đoạn có thể do AI gây ra.

"ChatGPT đang ảnh hưởng đến tầng lớp tri thức. Nó sẽ thay thế những gì bác sĩ làm", Larry Summers viết trong một bài đăng trên X vào tháng 4.

Một số nhà phân tích cho rằng việc thay đổi hội đồng quản trị sẽ đảm bảo rằng các lãnh đạo OpenAI tiến hành công việc một cách thận trọng, vì công ty khởi nghiệp đang phát triển mạnh này giờ đây sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn. Một số người lưu ý rằng các công ty như Meta Platforms đã phát triển mạnh mẽ với một giám đốc điều hành quyền lực bất chấp những lo ngại về quản trị doanh nghiệp.

Nhà phân tích Jason Wong của hãng Gartner nói: “Sam chắc chắn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhưng danh tiếng cũng bị ảnh hưởng và sẽ có nhiều sự chú ý hơn từ cộng đồng AI, kinh doanh và công nghệ rộng lớn hơn. Ông ta không thể không mắc sai lầm nữa".

Công việc đầu tiên của hội đồng quản trị OpenAI mới sẽ là tìm những giám đốc mới có thể thiết lập được sự cân bằng tốt hơn giữa các ưu tiên kinh doanh của OpenAI và nhu cầu bảo vệ công chúng khỏi các công cụ có khả năng tạo ra thông tin sai lệch, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hoặc tạo điều kiện cho tác nhân xấu gây ra bạo loạn dễ dàng hơn.

Hội đồng quản trị OpenAI mới sẽ phản ánh sự đa dạng hơn, theo Ashley Mayer, Giám đốc điều hành công ty đầu tư mạo hiểm Coalition Operators.

“Tôi rất mừng cho các nhân viên OpenAI rằng Sam đã trở lại, nhưng cảm thấy rằng kết thúc có hậu trong năm 2023 của chúng ta là ba người đàn ông trong hội đồng quản trị được giao nhiệm vụ đảm bảo AI mang lại lợi ích cho toàn nhân loại. Hy vọng sẽ còn nhiều điều mới trong thời gian tới”, Ashley Mayer nhận xét.

Bài liên quan
'Việc Sam Altman bị OpenAI sa thải liên quan thư về bước đột phá AI có thể đe dọa loài người'
Trước khi Giám đốc điều hành Sam Altman bị OpenAI sa thải hôm 17.11, một số nhà nghiên cứu đã gửi cho hội đồng quản trị lá thư cảnh báo về bước đột phá trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh mẽ mà họ cho rằng có thể đe dọa loài người, hai người quen thuộc vấn đề này nói với Reuters.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sam Altman nói Microsoft không được bỏ phiếu trong HĐQT OpenAI, không thù ghét người từng sa thải mình