Báo The Straits Times (Singapore) ngày 22. 8 đưa tin chính phủ Trung Quốc muốn người dân giảm ăn thịt và hải sản vì chúng gây họa cho sức khỏe, làm tăng phát khí CO2 và tốn nhiều tiền.
Cứ 10 năm, Trung Quốc lại công bố bộ hướng dẫn dinh dưỡng, và bộ hướng dẫn mớidoHội dinh dưỡng Trung Quốc soạn nháp và được Ủy ban kế hoạch hóa gia đình-sức khỏe phê duyệt,yêu cầu người dân giảm ăn thịt-hải sản từ 280g xuống còn 52g/tuần, tức mỗi năm chỉ nên dùng 14,5 kg thịt và 27,3kg cá.
Mục tiêu là giảm hơn 50% so với mức ăn 63 kg/thịt và 40 kg cá/người/năm.
Nếu đạt mục tiêu này, việc giảm ăn thịt-hải sản sẽ có những kết quả cho sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực cho Trung Quốc cũng như mối quan hệ với các nước láng giềng.
Từ việc Trung Quốc phải nuôi 20% dân số thế giới nhưng chỉ có 8% nguồn đất trồng trọt toàn thế giới, việc người dân nước này ăn gì có thể tác động đến sự thay đổi thời tiết, việc sử dụng đất và nguồn tài nguyên.
Ăn thịt thật nhiều để quên thời đói kém
Người Trung Quốc giàu lên nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh từ cuối những năm 1970 đã được nêu là yếu tố chính đứng sau nhu cầu hưởng thụ các món ăn giàu giá trị như thịt, hải sản. Nhưng thương mại điện tử và sự thay đổi lối sống cũng khiến người Trung Quốc “tham ăn” hơn.
Mo Haoyan, 52 tuổi, là chủ một công ty xây dựng ăn nên làm ra, nên ông rất thích ăn thịt. Ông ước tính ít nhất 50% nguồn thức ăn của ông là thịt. Chỉ vì thời thơ ấu ở tỉnh Hồ Nam, cậu bé Mo cùng mọi ngườichỉ được hưởng một khẩu phần thịt ít ỏi 250 g/tháng (chỉ cỡ 3 ngón tay) do nền kinh tế theo kế hoạch của Trung Quốc.
Những hồi ức về các bữa ăn “độn” ngô và rau đã khiến Mo “mê” ăn thịt, nhất là món thịt heo chiên đúng khẩu vị người Hồ Nam. Mo nói: “Tôi phải ăn thịt ở từng bữa. Nếu không thì tôi cứ như chẳng có bữa nào”.
Mo Xiaomin, 32 tuổi, hồi năm 2011 đã cùng gia đình mở công ty hải sản bán sỉ ở thành phố Hạ Môn (nam Trung Quốc). Anh chứng kiến sự phát triển từ khi anh mở trang trực tuyến bán lẻ hải sản hồi năm ngoái: mỗi tháng kiếm được 200.000 Nhân dân tệ (40.500 đô-la Singapore) nhiều hơn thời kỳ đầu những 4 lần.
Hơn một nửa khách hàng của Mo không sống ở Hạ Môn, nên anh giữ liên lạc với họ qua các mạng xã hội. Mo nói: “Nó cho thấy nhu cầu hưởng thụ hải sản rất cao ở các tỉnh xa biển. Tôi tin tưởng đó là một tiềm năng lớn, nếu tôi có thể cải thiện khâu vận chuyển và nỗ lực tiếp thị”.
Nhu cầu ăn thịt tăng cũng làm nhiều người Trung Quốc nhảy vào kinh doanh.Jiang Shenglan, một sinh viên vừa tốt nghiệp 25 tuổi, đã mở một tiệm bán chân giò heo nướng, từ đó mở thêm 2 quán nữa ở thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây). Anh cho biết: “Người dân ăn nhiều thịt ở cả các thành phố lớn lẫn nhỏ vì thu nhập tăng”.
Ngư dân Trung Quốc muốn chiếm Biển Đông để đáp ứng nhu cầu hải sản tăng
Nhưng sự tiêu thụ thịt-hải sản đang tăng ở Trung Quốc khiến ngũ cốc và rau củ bị bỏ qua, gây ra một số vấn đề ở vài lĩnh vực:
Các nghiên cứu y tế cho thấy việc người dân ăn nhiều thịt làm bùng nổ tỉ lệ mắc các bệnh ung thư, tiểu đường, béo phì và tim mạch. Nhu cầu ăn thịt cũng làm tăng lượng khí thải carbon dioxide từ kỹ nghệ chăn nuôi.
Nên nếu người Trung Quốc bớt ăn thịt, thì có thể giảm được lượng khí thải C02 từ 1,8 tỉ tấn xuống còn 1 tỉ tấn kể từ năm 2030.
Nhu cầu thịt tăng cũng khiến tăng nhập khẩu các loại lương thực như đậu nành vốn tăng gấp 3 từ năm 2005.
Nhu cầu ăn thịt tăng cũng khiến Trung Quốc từ bỏ chính sách tự túc hồi năm 2014, bằng cách ra chỉ tiêu sản lượng thấp hơn mức tiêu thụ nội địa. Trung Quốc cũng phải mua nhiều đất nông nghiệp ở các nước khác.
Nhu cầu ăn hải sản tăng cũng khiến xảy ra chuyện đánh cá quá tay ở Trung Quốc và các nước cung cấp hải sản cho dân Trung Quốc, như Mexico. Ngư dân Trung Quốc còn phớt lờ lệnh cấm đánh cá của chính phủ, thậm chí xâm phạm ngư trường của các nước láng giềng.
Theo báo The Straits Times, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc gần đây ra các qui định mới để kéo giảm hoạt động đánh bắt quá đáng này, nêu rõ “việc này làm mất hình ảnh quốc gia, tác động xấu đến quan hệ đối ngoại” vốn đãcăng thẳng từ chuyện Trung Quốc đòi độc chiếm Biển Đông.
Người mê thịt phản đối qui định giảm ăn thịt
Nỗ lực giảm tiêu thụ thịt của Trung Quốc được cựu thống đốc bang California, ông Arnold Schwarzenegger, và nhà sản xuất phim James Cameron hoan nghênh.
Nhưng nhiều người Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ việc cần giảm tiêu thụ thịt-hải sản trong bữa ăn của họ. Gao Nan, 32 tuổi tự nhận là người mê thịt, lưu ý rằng dù ăn nhiều thịt, lượng tiêu thụ tính trên đầu người ở Trung Quốc vẫn còn kém xa nhiều nước như Mỹ, Úc.
Gao nói: “Thật bất công khi kỳ vọngnhân dân ngưng ăn thịt để cứu thế giới. Chúng tôi xem trọng việc bảo vệ môi trường, nhưngkhông nên xen vào bữa ăn của chúng tôi”.
Li Sen, một nhà phân tích lĩnh vực nông nghiệp, nói rất khó kéo giảm khoản thịt mỗi đầu người khi chuyện ăn rất quan trọng ở Trung Quốc.
Ông dẫn chứng khoản chi thức ăn vượt xa các nước phương tây. Ví dụ người Trung Quốc chi 27% thu nhập cho thức ăn, so với 7% ở Mỹ. Ông nói: “Tốc độ tiêu thụ thịt-hải sản tăng chỉ có thể giảm khi người ta ý thức cần ăn uống lành mạnh, nhưng tôi không cho rằng sẽ có sự giảm thiểu đáng kể trong tương lai gần”.
Li Sen nói: để đạt được mục tiêu, chính quyền sẽ cần tăng cường phổ biến, áp dụng cơ chế giá để điều hòa nhu cầu ăn thịt-hải sản. Hiệu quả nhất là đề cao sự tác động tới sức khỏe.
Du Jiangang, 45 tuổi người Bắc Kinh, hàng năm đều đi du lịch ở nước ngoài tùy theo ở đó có hải sản ngon và giá rẻ hay không. Ông chấp nhận thôi không ăn cá, cua và tôm, vì bác sĩ cảnh cáo ông bị cao huyết áp, lượng cholesterol vàlượng đường cao. Hiện thất nghiệp, Du nói: “Lớn tuổi rồi, tôi nên ngưng ăn hải sản”.
+ Trung bình mỗi năm một người Trung Quốc ăn 63 kg thịt và 40 kg hải sản. Năm 1978 họ chỉ ăn 13 kg thịt và 6kg hải sản vào cuối những năm 1970.
+ Trung Quốc tiêu thụ 25% lượng thịt và 35% lượng cá, đều là các tỉ lệ cao nhất thế giới.