Chiến đấu cơ Su-35 và hệ thống phòng không S-400 là hai trong số nhiều khí tài quân sự mà Trung Quốc mua từ Nga.
Thống kê của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport cho thấy Moscow trong năm 2017 đã bán cho Bắc Kinh số vũ khí có tổng giá trị 15 tỉ USD, duy trì được doanh số bán hàng của năm trước.
Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Cả hai nước chiếm hơn 50% tổng doanh số xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ chiếm 6% xuất khẩu và nằm trong số 5 nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20.9 thông báo áp đặt trừng phạt với Bộ Phát triển trang bị (EDD) trực thuộc Quân ủy trung ương Trung Quốc cùng người đứng đầu cơ quan này vì mua chiến đấu cơ Su-35 và hệ thống tên lửa phòng không S-400.
Sukhoi Su-35
Trung Quốc đặt mua 24 tiêm kích đa năng Su-35 (bản nâng cấp của Su-27). Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cường quốc châu Á vào tháng 10.2017 đã nhận 10 chiếc, trở thành quốc gia ngoài Nga đầu tiên sở hữu máy bay này.
Su-35 được trang bị hai động cơ phản lực AL-117S cùng vòi kiểm soát vector đẩy, giúp tiêm kích cơ động khi bay tốc độ thấp. Radar đa chức năng của Su-35 có thể theo dõi 30 mục tiêu cùng lúc.
Tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã cho Su-35 hộ tống máy bay ném bom chiến lược H-6K bay qua eo biển Ba Sĩ (Bashi) nhằm răn đe Đài Loan.
Hệ thống S-400
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Bắc Kinh nhận được tổ hợp S-400 đầu tiên trong năm nay, theo một hợp đồng ký kết cuối năm 2014.
S-400 có khả năng phóng các loại tên lửa đánh chặn từ tầm ngắn đến tầm xa (40-400 km) và đánh trúng mục tiêu cách mặt đất từ 10 m-30 km, lập thành nhiều lớp phòng thủ.
Hệ thống radar hiện đại giúp hệ thống phòng thủ này cải thiện năng lực phát hiện máy bay tàng hình cũng như chống nhiễu. Một tổ hợp S-400 gồm 72 bệ phóng với 384 tên lửa, theo dõi được 300 mục tiêu cùng lúc, tấn công 36 mục tiêu cùng một lúc.
Nga dự kiến bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thương vụ này khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo ngại.
Trực thăng Kamov
Trung Quốc năm 2016 mua 7 trực thăng đa nhiệm Ka-32A11VS, bổ sung thêm hai chiếc vào năm 2017. Hợp đồng mua bán có cả thỏa thuận huấn luyện cho phi công.
Trực thăng Kamov đủ khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ từ cứu hỏa, tìm kiếm-cứu nạn đến tuần tra. Nó có thể mang hàng hóa ở trong lẫn ngoài thân, hạ cánh chính xác trên địa hình đồi núi hay đô thị đông đúc.
Động cơ AL-31F
Tính đến cuối năm 2017 đã có 100 trong tổng số 150 động cơ AL-31F mà Trung Quốc đặt mua được giao. Động cơ này chủ yếu được dùng cho tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay J-15.
Mẫu thử nghiệm tiêm kích tàng hình J-20 cũng trang bị AL-31F khi động cơ nội địa WS-10 không đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn mua 400 động cơ AL-31FN cho tiêm kích J-10, cùng với AL-41F-1S dự phòng cho Su-35.
Động cơ D-30
Máy bay ném bom H-6K và máy bay vận tải quân sự Y-20 của Trung Quốc sử dụng động cơ tua bin hai trục D-30.
Với D-30, chiếc H-6K được đưa vào hoạt động từ năm 2009 có bán kính chiến đấu 3.500 km.
Cẩm Bình (theo SCMP)