Các công ty Mỹ có quy mô hoạt động và doanh thu lớn từ thị trường Trung Quốc thường được xem là những 'con tin' trong tay Bắc Kinh nếu một cuộc chiến thương mại giữa hai nước nổ ra.

Trung Quốc đang nắm những 'con tin thương mại' Mỹ nào?

Nhàn Đàm | 23/07/2017, 10:59

Các công ty Mỹ có quy mô hoạt động và doanh thu lớn từ thị trường Trung Quốc thường được xem là những 'con tin' trong tay Bắc Kinh nếu một cuộc chiến thương mại giữa hai nước nổ ra.

Các tập đoàn và công ty Mỹ có lẽ sẽ cần phải có sự chuẩn bị đối với tình trạng gia tăng căng thẳng về các vấn đề thương mại giữa chính quyền của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.

Tại hội nghị cấp cao về kinh tế song phương giữa hai nước vào ngày 19.7 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã có một lời chỉ trích khá nặng nề về sự thiếucải thiện cán cân thương mại của Trung Quốc - một động thái gây căng thẳng đến mức sau đó hai bên đã không đưa ra được tuyên bố chung nào như thường lệ.

Điều này không đồng nghĩa với việc một cuộc chiến thương mại sẽ nổ ra, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc việc hạn chế nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc như một biện pháp gây sức ép - một quyết địnhcó thể khiến phía Trung Quốc trả đũa, thường là thông qua các công ty Mỹ đang có quy mô hoạt động kinh doanh lớn tại nền kinh tế số 2 thế giới. Và sau đây là các công ty Mỹ thường được xem là những 'con tin' trong tay Trung Quốc nếu một cuộc chiến thương mại giữa hai bên nổ ra:

1. Hollywood:

Các hãng phim Hollywood đều muốn được tiếp cận sâu rộng hơn vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc, nơi các bộ phim nước ngoài chiếm tới 61% doanh thu phòng vé trong 6 tháng đầu năm 2017.

Tuy nhiên, hiện Trung Quốc đang giới hạn số lượng phim nước ngoài được chiếu tại các rạp ở nước này - khoảng 30 phim và phải chia sẻ 25% doanh thu. Hollywood hiện đang muốn tăng số lượng phim được phép trình chiếu và giảm tỷ lệ chia sẻ doanh thu.

2. Boeing:

Các đối tác Trung Quốc hiện chiếm khoảng 30% số lượng mẫu máy bay 737 hàng đầu mà Boeing sản xuất ở thời điểm hiện tại, và việc sản xuất các đơn hàng cho phía Trung Quốc đã tạo ra khoảng 150.000 việc làm cho Boeing ở Mỹ.

Hãng máy bay khổng lồ này cũng cho biết, nhu cầu của Trung Quốc hiện lên tới khoảng 6.810 máy bay trong tương lai, có tổng giá trị lên đến hơn 1.000 tỉ USD. Và điều này là lý do khiến cho Boeing sẽ mở trung tâm sản xuất đầu tiên ở nước ngoài tại Trung Quốc vào năm 2018.

3. Westinghouse:

Tập đoàn xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đã xâm nhập thị trường Trung Quốc từ khá lâu, và đang kỳ vọng có thể kết nối các lò phản ứng thế hệ tiếp theo với lưới điện vào năm 2018.

Thành công ở Trung Quốc đang được xem là giải pháp cuối cùngcho tập đoàn Mỹ này khi Westinghouse Electric đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 3 vừa qua. Nếu thành công ở Trung Quốc, sẽ có thêm các nước khác đặt hàng Westinghouse.

4. Starbucks:

Cuối năm nay, Starbucks sẽ mở nhà máy đầu tiên ở nước ngoài của mình tại Trung Quốc - nơi đang là một trong những thị trường quan trọng nhất của thương hiệucafe đến từ tiểu bang Seattle này. Đích thân Chủ tịch Howard Schultz của Starbucks đã thừa nhận: “Trung Quốc đang là cơ hội quan trọng nhất và thú vị nhất đối với chúng tôi trong tương lai gần.”

5. Tesla:

Một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến những nỗ lực của tập đoàn sản xuất xe điện nổi tiếng của tỷ phú Elon Musk mở rộng thị trường vào Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ sụp đổ. Trung Quốc được coi là thị trường xe điện lớn nhất thế giới và Tesla đang tìm mọi cách để xâm nhập trước khi các hãng xe điện Trung Quốc có đủ sức cạnh tranh.

6. Apple:

Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 25,3% doanh thu của tập đoàn công nghệ Mỹ trong năm 2016 - một mức khá lớn.Tuy nhiên, đây đã là năm thứ 5 liên tiếp doanh thu của Apple tại Trung Quốc sụt giảm. Và cũng trong năm 2016, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã buộc Apple phải đóng cửa các dịch vụ iTunes và iBooks tại thị trường nước này.

7. McDonald’s:

Tập đoàn đồ ăn nhanh Mỹ đã ký một thỏa thuận bán 80% cổ phần tại thị trường Trung Quốc và Hồng Kông cho tập đoàn Citic được sở hữu bởi Chính phủ Trung Quốc vào đầu năm nay, ước tính trị giá khoảng 1,7 tỉ USD. Tuy nhiên nó vẫn chưa được Bắc Kinh thông qua và có thể khiến công ty Mỹ chịu khá nhiều thiệt hại.

8. Ford:

Hiếm có công ty Mỹ nào dễ bị tổn thương hơn Ford nếu một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Doanh số các loại xe của Ford tại thị trường Trung Quốc đã giảm khoảng 7% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ 2016.

Điều tương tự cũng đã xảy ra với hai hãng xe Hàn Quốc là Hyundai và Kia trước đó sau khi căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc xung quanh vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ lắp đặt ở bán đảo Triều Tiên, nó khiến cho người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay các loại xe của nhà sản xuất Hàn Quốc.

9. Amazon:

Ngoài Ford, gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ là Amazon cũng nằm trong diện phải chịu thiệt hại nặng nề nhất nếu căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.

Trung Quốc hiện có quá nhiều cách để gây tổn hại cho một công ty thương mại điện tử như Amazon, từ hệ thống tường lửa khổng lồ cho đến luật an ninh không gian mạng vừa mới được thông qua của nước này, ngoài ra còn các luật về hạn chế truyền tải dữ liệu và an ninh phần mềm. Thậm chí nếu muốn, Trung Quốc có thể cấm cửa Amazon tương tự như đã làm trước đó với một số gã khổng lồ công nghệ Mỹ khác như Facebook.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc đang nắm những 'con tin thương mại' Mỹ nào?