Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 13.287 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 2.4.

Trung Quốc ghi nhận số ca COVID-19 cao nhất 26 tháng qua, cảng Thượng Hải tắc nghẽn nghiêm trọng

Sơn Vân | 03/04/2022, 11:10

Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 13.287 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 2.4.

Đây là mức cao nhất kể từ tháng 2.2020, với phần lớn ca COVID-19 ở tỉnh Cát Lâm phía đông bắc và trung tâm tài chính Thượng Hải.

Hôm 3.4, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã báo cáo 1.506 ca mắc COVID-19 mới có triệu chứng trong ngày 2.4, giảm so với 2.129 trường hợp một ngày trước đó. Trong khi số ca COVID-19 không có triệu chứng mới (Trung Quốc không phân loại là bệnh nhân đã xác nhận) đã tăng lên 11.781 vào ngày 2.4, so với 7.869 của một ngày trước đó.

Trong số các ca mắc COVID-19 mới có triệu chứng, 1.455 trường hợp lây truyền tại địa phương, với 956 ca được phát hiện từ tỉnh Cát Lâm và 438 ở Thượng Hải.

Với 26 triệu dân, Thượng Hải sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên trên toàn thành phố vào ngày 3.4 và xét nghiệm axit nucleic hàng loạt vào 4.4. Một quan chức cấp cao của cơ quan y tế Thượng Hải cho biết thông tin này trong một cuộc họp báo hôm nay.

Wu Qianyu, thanh tra của Ủy ban Y tế thành phố Thượng Hải, nói: "Nhiệm vụ chính là loại bỏ hoàn toàn các điểm nguy cơ và cắt đứt chuỗi lây truyền vi rút SARS-CoV-2 để chúng ta có thể kiềm chế sự lây lan của dịch càng sớm càng tốt".

Phó thủ tướng Trung Quốc - Tôn Xuân Lan hôm 3.4 cũng thúc giục thành phố Thượng Hải "thực hiện các động thái kiên quyết và nhanh chóng" để kiềm chế đại dịch.

trung-quoc-ghi-nhan-so-ca-covid-19-cao-nhat-26-thang-qua.jpg
Cảnh sát và nhân viên an ninh trong bộ quần áo bảo hộ đứng bên ngoài các cửa hàng thực phẩm có rào ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Thượng Hải đã nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát dịch bằng cách áp đặt chế độ phong tỏa hai giai đoạn, khiến các nhà sản xuất phải tạm dừng hoạt động và gây ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại cảng Thượng Hải, trung tâm vận chuyển container lớn nhất thế giới.

Dù vậy, Công ty TNHH Cảng Quốc tế Thượng Hải cho biết "hoạt động tại Cảng Thượng Hải ổn định và có trật tự".

Theo dữ liệu của Refinitiv (nhà cung cấp toàn cầu của Mỹ-Anh về cơ sở hạ tầng và dữ liệu thị trường tài chính), tình trạng tắc nghẽn tàu container và tàu chở dầu ngoài khơi Thượng Hải đã giảm bớt kể từ ngày 31.3, nhưng số lượng tàu xếp hàng tại khu neo đậu bên ngoài cửa sông Dương Tử đã tăng lên gần 90, mức cao nhất kể từ đầu tháng 10.2021.

Sự gia tăng nghiêm trọng các tàu chờ đợi cũng được ghi nhận tại các cảng gần Thượng Hải, chẳng hạn như Ninh Ba ở tỉnh Chiết Giang, do một số công ty đã chuyển hướng chờ hàng hóa để tránh việc luân chuyển hậu cần kéo dài.

Thất vọng vì bị phong tỏa, người Thượng Hải đã lên mạng xã hội để bình luận, đặt câu hỏi về tính thực tế của việc kiên trì với cách tiếp cận không khoan nhượng với COVID-19 ở thành phố đông dân nhất Trung Quốc.

Tại Thượng Hải, các video và hình ảnh về các trung tâm cách ly đông đúc đã được chia sẻ khi chính quyền mở rộng phong tỏa từ phía đông thành phố sang các khu vực phía tây. Người dân đăng tải những lời kêu gọi trợ giúp chữa bệnh và mua thực phẩm.

Cách đây vài ngày, một video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc có cảnh trao đổi giận dữ giữa một nhóm bệnh nhân COVID-19 và nhân viên y tế tại Trung tâm Triển lãm Thế giới Thượng Hải rộng lớn - tạm thời được chuyển đổi thành cơ sở cách ly khổng lồ.

"Chúng tôi yêu cầu một lời giải thích! Ở đây nhiều người bị lây nhiễm chéo, không có nước trong nhà vệ sinh, phân và nước tiểu khắp nơi, tất cả đều là một mớ hỗn độn!", người quay video hét lên trong video clip.

Vì sao hầu hết ca mắc COVID-19 ở Trung Quốc không có triệu chứng?

Các nhà dịch tễ học kiểm tra đợt bùng phát dịch lớn nhất ở Trung Quốc trong 2 năm qua đang cố gắng xác định lý do tại sao tỷ lệ ca mắc COVID-19 không có triệu chứng lại cao như vậy. Điều đó có thể có ý nghĩa với chiến lược ngăn chặn dịch trong tương lai của Trung Quốc.

Dù các đợt bùng phát dịch ở nước ngoài đã chứng minh rằng Omicron ít gây chết người hơn so với các biến thể trước và mức độ nhập viện thấp hơn, tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng tương đối cao ở Trung Quốc.

Dữ liệu chính phủ cho thấy ở Anh, ước tính về tỷ lệ nhiễm Omicron không có triệu chứng dao động từ 25% đến 54%, mặc dù việc xét nghiệm chưa được có hệ thống.

Anh đã đi trước trong việc dỡ bỏ tất cả hạn chế khi cùng các nước khác điều chỉnh chính sách chung sống với COVID-19, trong khi chính phủ Trung Quốc vẫn thận trọng và việc đi lại quốc tế vẫn bị hạn chế.

Việc tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng cao và số người chết rất thấp do COVID-19 - chỉ ghi nhận 2 trường hợp trong năm nay - đã làm dấy lên hy vọng rằng Trung Quốc có thể đạt được "hạ cánh mềm" khi nới lỏng các hạn chế dynamic clearance - đề cập đến chính sách phong tỏa và xét nghiệm bắt buộc.

Sau đây là một số giải thích cho lý do tại sao tỷ lệ ca mắc COVID-19 không có triệu chứng ở Trung Quốc lại cao như vậy:

Xét nghiệm trên diện rộng

Trung Quốc là quốc gia lớn duy nhất thực hiện xét nghiệm giám sát hàng loạt, không mục tiêu, điều này chắc chắn sẽ phát hiện ra nhiều ca mắc COVID-19 không có triệu chứng hơn, dù cũng có thể tìm ra nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng hơn.

Adrian Esterman, chuyên gia về thống kê sinh học tại Đại học Nam Úc, cho biết: “Chắc chắn mức độ xét nghiệm cao sẽ phát hiện nhiều ca mắc COVID-19 không có triệu chứng hơn”.

Ở các quốc gia khác, nhiều người có kết quả xét nghiệm dương tính với bộ dụng cụ tại nhà không báo cáo với chính quyền. Dữ liệu chính thức cũng cho thấy số ca nhiễm SARS-CoV-2 bên ngoài Trung Quốc giảm khi có sự sụt giảm số lượng xét nghiệm được thực hiện.

Chỉ riêng trong ngày 28.3, Thượng Hải đã tiến hành hơn 8 triệu xét nghiệm COVID-19 tại hơn 60.000 trạm trên khắp các quận bị phong tỏa. Ngay cả khi vẫn áp đặt các chương trình xét nghiệm bắt buộc, các quốc gia khác hiện áp dụng cách tiếp cận có mục tiêu hơn.

Omicron gây bệnh nhẹ hơn và tỷ lệ tiêm vắc xin của Trung Quốc cao

Phản ứng không khoan nhượng của Trung Quốc với biến thể mới một phần là kết quả của sự không chắc chắn về mức độ miễn dịch và sức đề kháng của người dân sau gần 2 năm bị kiểm soát nặng nề.

Viết trên mạng xã hội Weibo tuần trước, chuyên gia COVID-19 Thượng Hải - Zhang Wenhong nói rằng Omicron dù khó bị loại bỏ hơn nhưng rõ ràng là ít đáng sợ hơn so với các biến thể trước.

Các chuyên gia Trung Quốc, bao gồm cả Zhang Boli, người tư vấn cho chính phủ về điều trị COVID-19, nói rằng khả năng gây bệnh nặng của Omicron thấp hơn, kết hợp với tỷ lệ tiêm vắc xin tương đối cao ở nước này có thể làm giảm số lượng các ca nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc xin ở Hàn Quốc và Singapore cao hơn Trung Quốc nhưng lại có nhiều ca mắc COVID-19 có triệu chứng hơn.

Phát hiện sớm

Zhang Wenhong cũng nói trong cuộc phỏng vấn với Nhật báo Khoa học và Công nghệ Trung Quốc rằng tỷ lệ lớn ca COVID-19 không có triệu chứng không nhất thiết do đặc điểm của vi rút SARS-CoV-2. Tỷ lệ lớn có thể do các cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện sớm và cách ly người dương tính với COVID-19 trước khi họ có triệu chứng.

Wu Zunyou, trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, nói rằng "không có triệu chứng" không phải là một trạng thái cố định. Người dân có thể bắt đầu nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng vài ngày sau và vẫn cần chú ý đến tỷ lệ lây nhiễm, Wu Zunyou nói.

Đồng nhiễm

Cũng có thể nhiều triệu chứng phổ biến trong ca mắc COVID-19 ở nước ngoài là do "đồng nhiễm", với các chủng đặc biệt độc hại của cảm lạnh thường biểu hiện theo những cách tương tự như COVID-19.

Các nhà nghiên cứu cho biết việc phong tỏa ở nước ngoài đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể ca mắc bệnh truyền nhiễm khác, bao gồm cả bệnh cúm. Với việc phần lớn thế giới đang học cách chung sống với COVID-19, cũng có cơ hội cho các loại vi rút cũ quay trở lại.

Bài liên quan
Dân đổ xô đi mua sắm, Thượng Hải phủ nhận phong tỏa dù số ca COVID-19/ngày gần 1.000
Các nhà chức trách ở Thượng Hải phủ nhận tin đồn phong tỏa toàn thành phố dù ca mắc COVID-19 không triệu chứng tăng ngày thứ 6 liên tiếp, đẩy số lượng ca lên mức kỷ lục

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc ghi nhận số ca COVID-19 cao nhất 26 tháng qua, cảng Thượng Hải tắc nghẽn nghiêm trọng