Trung Quốc chỉ trích quyết định của Ấn Độ về việc ngừng sử dụng bộ kit xét nghiệm COVID-19 do Công ty Công nghệ sinh học Wondfo Quảng Châu và Công ty Công nghệ chẩn đoán Livzon Chu Hải của nước này sản xuất sau khi phát hiện các vấn đề về chất lượng. Động thái này có thể làm căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Trung Quốc tức tối chỉ trích khi Ấn Độ đòi trả bộ xét nghiệm COVID-19

29/04/2020, 06:27

Trung Quốc chỉ trích quyết định của Ấn Độ về việc ngừng sử dụng bộ kit xét nghiệm COVID-19 do Công ty Công nghệ sinh học Wondfo Quảng Châu và Công ty Công nghệ chẩn đoán Livzon Chu Hải của nước này sản xuất sau khi phát hiện các vấn đề về chất lượng. Động thái này có thể làm căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Trung Quốc chỉ trích Ấn Độ vì ngừng sử dụng bộ kit xét nghiệm COVID - Ảnh: AFP

"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về kết quả đánh giá và quyết định của Ấn Độ khi ngừng sử dụng bộ kit xét nghiệm coronavirus chủng mới. Trung Quốc rất coi trọng chất lượng các sản phẩm y tế xuất khẩu. Gần đây, đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ đã duy trì liên lạc chặt chẽ với Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) và hai công ty Trung Quốc để tìm hiểu tình hình thực tế. Thật không công bằng và vô trách nhiệm khi một số cá nhân gọi các sản phẩm của Trung Quốc là bị lỗi và nhìn nhận vấn đề với định kiến ngay từ đầu”, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Ân Độ Ji Rong cho biết.

Bà Ji Rong lưu ý rằng phía Trung Quốc chuyển các bộ xét nghiệm tới Ấn Độ sau khi nhận được sự chấp thuận của ICMR và Viện Vi rút học quốc gia Ấn Độ, khẳng định các xét nghiệm cần phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp để tạo ra kết quả chính xác. Theo bà Ji, việc lưu trữ, vận chuyển và sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh đòi hỏi những yêu cầu khắt khe, do vậy nếu bất kỳ sử dụng nào không thực hiện theo đúng chỉ dẫn của chuyên gia, kết quả thu được sẽ có độ chính xác khác nhau.

“Các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu bộ kit xét nghiệm tới một số nước ở châu Âu, châu Á và Mỹ Latinh, nhưng chưa gặp bất kỳ vấn đề nào. Trung Quốc đang cố gắng giúp đỡ Ấn Độ chống lại đại dịch COVID-19 bằng hành động thiết thực, đồng thời đảm bảo rằng chất lượng của các vật tư y tế xuất khẩu là ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất”, quan chức ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Những bình luận của Đại sứ quán Trung Quốc được đưa ra sau khi chính phủ Ấn Độ hôm 27.4 cho biết sẽ hủy đơn đặt hàng các bộ xét nghiệm kháng thể nhanh từ Trung Quốc do vấn đề về chất lượng.

Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR), cơ quan hàng đầu về đối phó với dịch COVID-19 đã tiến hành kiểm tra chất lượng sau khi nhận được một số bộ xét nghiệm từ Công ty Công nghệ sinh học Wondfo Quảng Châu và Công ty Công nghệ chẩn đoán Livzon Chu Hải của Trung Quốc trong điều kiện thực tế và dựa trên đánh giá khoa học. Thế nhưng, các sản phẩm của hai công ty Trung Quốc bị phát hiện có độ chính xác không ổn định và các đơn hàng đã bị hủy. ICMR sau đó khuyến cáo các bang tại nước này dừng ngay lập tức việc sử dụng bộ kit xét nghiệm nhanh của Trung Quốc.

Ấn Độ trước đó đã đặt mua hơn nửa triệu bộ dụng cụ xét nghiệm từ Trung Quốc trong tháng này để tăng cường năng lực xét nghiệm khi tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, một số bang cho biết các bộ xét nghiệm của Trung Quốc cho ra những kết quả mâu thuẫn nhau.

Giới chức bang Rajasthan cho hay các bộ xét nghiệm được sử dụng để kiểm tra các bệnh nhân đã nhiễm COVID-19 nhưng một số chúng lại cho kết quả âm tính. Trong khi đó, chính quyền bang Tây Bengal báo cáo rằng các bộ xét nghiệm lỗi của Trung Quốc buộc giới chức bang này phải tiến hành xét nghiệm thêm, từ đó làm chậm lại quá trình chẩn đoán COVID-19 đang lây lan mạnh ở nước này, với hơn 29.000 ca dương tính và hơn 900 ca tử vong.

“Chúng tôi nhận được cảnh báo về độ chính xác của bộ kit xét nghiệm từ một bang, sau đó chúng tôi kiểm tra thêm 2 bang khác và phát hiện ra rằng có nhiều số liệu khác nhau về độ chính xác trong kết quả xét nghiệm các mẫu dương tính, một số nơi có tỷ lệ 6% trong khi một số nơi khác có tỷ lệ 71%”, Raman R. Gangakhedkar, nhà khoa học tại ICMR cho biết.

Trước đó, truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin hàng chục ngàn bộ đồ bảo hộ xuất xứ từ Trung Quốc được cho là không đạt tiêu chuẩn và không thể sử dụng tại Ấn Độ. Cụ thể, trong số 170.000 bộ đồ bảo hộ Trung Quốc được đưa tới Ấn Độ hôm 5.4, khoảng 50.000 bộ không đạt tiêu chuẩn khi thử nghiệm. 2 lô hàng nhỏ hơn gồm 30.000 và 10.000 đồ bảo hộ cũng không đủ tiêu chuẩn để sử dụng.

Được biết nhu cầu về thiết bị y tế tăng vọt trong bối cảnh thế giới chiến đấu với COVID-19 hiện đã lây nhiễm cho hơn 3 triệu người. Dù Trung Quốc chưa bao giờ đứng đầu trên thế giới về sản xuất thiết bị xét nghiệm chẩn đoán, nhưng trong bối cảnh bùng phát của đại dịch COVID-19 và khi các nước đang tranh giành các mặt hàng y tế, vốn đã trở nên khan hiếm, Trung Quốc đã trở thành một nguồn cung quan trọng cho phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, đã có nhiều quốc gia phàn nàn về tình trạng khẩu trang và các sản phẩm vật tư y tế khác nhập khẩu từ Trung Quốc không đạt chuẩn, không thể sử dụng cho đội ngũ y tế tuyến đầu chống dịch. Một số nước, trong đó có Tây Ban Nha, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Czech đã phải thu hồi hàng trăm ngàn chiếc khẩu trang và quần áo bảo hộ không đảm bảo chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính phủ Canada tuần trước cho biết khoảng 1 triệu chiếc khẩu trang mua từ Trung Quốc không đáp ứng được tiêu chuẩn thích hợp đối với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Hoàng Vũ (theo Channel News Asia)

Bài liên quan
Foxconn bỏ tiêu chí hôn nhân, giới tính trong tuyển dụng công nhân ở Ấn Độ
Theo Reuters, Foxconn - nhà cung cấp hàng đầu của Apple - đã bỏ tiêu chí về độ tuổi, giới tính, hôn nhân, thậm chí cả tên của tập đoàn Đài Loan này ra khỏi tin tuyển dụng công nhân lắp ráp iPhone tại Ấn Độ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
44 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc tức tối chỉ trích khi Ấn Độ đòi trả bộ xét nghiệm COVID-19