Theo chính phủ Venezuela và các nhân chứng, một vụ nổi loạn và cháy trong các xà lim ở một đồn cảnh sát của thành phố Valencia hôm 28.3 (giờ địa phương) đã khiến 68 người thiệt mạng.
Theo Reuters, các gia đình chờ tin bên ngoài đồn cảnh sát ở Valencia (miền trung Venezuela) bị giải tán bằng hơi cay, và chính quyền địa phương chỉ cung cấp thông tin vào khuya 28.3.
Viện trưởng Viện Công tố William Saab khẳng định cơ quan của ông “bảo đảm điều tra rốt ráo, nhằm lập tức làm rõ chuyện gì xảy ra trong thảm kịch khiến hàng chục gia đình nhân dân Venezuela phải chịu đau thương này”.
Một quan chức chính phủ, ông Jesus Santander nói bang Carabobo quyết định nghi lễ tưởng niệm sau thảm họa này. Ông cũng cho biết cơ quan giảo nghiệm pháp y đang xác minh số tử vong, và một cảnh sát bị bắn vào đùi, hiện sức khỏe ổn định, trong khi lực lượng chữa cháy đã dập tắt vụ cháy.
Theo Reuters, các nhà tù Venezuela luôn bị quá tải, và có cả hoạt động buôn bán ma túy, tàng trữ vũ khí. Ở nước này thường xảy ra những vụ tù nhân nổi loạn làm hàng chục người chết.
Nhiều nhà tù Venezuela lâm tình trạng vô pháp luật từ hàng chục năm qua. Tù nhân thường khoe súng máy và lựu đạn, phê ma túy và lực lượng quản giáo bị mất quyền lực. Ông Humberto Prado, một nhà hoạt động vì quyền lợi tù nhân, nói: “Trong các lò lửa này có những người mà chính quyền không biết, vì họ không dám bước vào các nhà tù đó”.
Ngày 18.3, Reuters đưa tin 15 xác chết gồm 3 xác bị chặt đầu được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể, ở nhà tù thuộc bang Guarico.
Hãng tin Anh còn cho biết Venezuela có hơn 30 nhà tù nhốt khoảng 50.000 tù phạm, trong khi sức chứa của các nhà tù này chỉ chưa được 1/3 số tù phạm này.
Hồi cuối năm 2017, có những cáo buộc một kẻ nhận tội ăn thịt người đã giết và chặt xác hai người, rồi ném thi thể của họ cho các tù nhân ăn, trong một vụ nổi loạn ở trung tâm tạm giam của cảnh sát bang Tachira.
Trong một sự cố kinh hoàng nhất, khoảng 130 tù nhân bị thiêu cháy hoặc bị chém chết bằng liềm, trong một vụ đấu đá giữa các băng đảng tội phạm ở nhà tù Sabaneta ở Macaraibo năm 1994.
Bảo Vĩnh (theo Reuters)