Tưởng rằng khi cơ quan công an quyết định trao trả 5 triệu yên Nhật cho chị ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng trong thời gian tới, câu chuyện về “tỷ phú ve chai” đã chính thức khép lại. Thế nhưng, những ngày qua chị Hồng lại vô cùng căng thẳng, sợ hãi. Bởi đã có nhiều người tìm đến nhà chị để xin tiền, làm các thủ thuật gây mê, lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản.

Tỷ phú ve chai bị 'giám đốc' từng kinh doanh đa cấp dụ dỗ lửa đảo

Một Thế Giới | 25/05/2015, 06:39

Tưởng rằng khi cơ quan công an quyết định trao trả 5 triệu yên Nhật cho chị ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng trong thời gian tới, câu chuyện về “tỷ phú ve chai” đã chính thức khép lại. Thế nhưng, những ngày qua chị Hồng lại vô cùng căng thẳng, sợ hãi. Bởi đã có nhiều người tìm đến nhà chị để xin tiền, làm các thủ thuật gây mê, lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản.

Đến nhà đòi “vay” 200 triệu đồng
Ngay sau khi Công an quận Tân Bình (TP.HCM) đưa ra thông báo, sắp tới chị ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng sẽ nhận được toàn bộ 5 triệu yên Nhật, lập tức có một người phụ nữ lạ mặt xuất hiện vào chiều 21.5. Người này yêu cầu chị Hồng đưa 200 triệu với lý do “cho mượn để làm ăn”.
Thời điểm người phụ nữ lạ mặt xuất hiện, chỉ có một mình chị Hồng ở nhà. Theo miêu tả của chị Hồng, người này có vóc dáng hơi mập, đi xe máy hiệu Attila và nói giọng miền Tây. Thoạt đầu người phụ nữ này không dám vào nhà mà cứ lấp ló ở ngoài cửa. Chị Hồng ngỡ là có phóng viên đến phỏng vấn nên chạy vào bếp mang hai chiếc ghế ra để hai người ngồi trước cửa nhà cho thoáng mát.
Ban đầu, người phụ nữ lạ mặt nắm chặt tay chị Hồng thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với chị. Nhưng người này không nói thẳng vào vấn đề mà cứ vòng vo khó hiểu. “Lúc này, người tôi cứ đơ đơ, lâng lâng như trên mây. Điều mà tôi cảm nhận được là sự dịu ngọt từ lời nói của người phụ nữ này”, chị Hồng nhớ lại cảm giác lúc đó.
Rồi người phụ nữ lạ mặt rút trong người ra một tờ giấy photo chi chít mực đen. Do không biết chữ nên chị Hồng không biết tờ giấy đó có nội dung gì. Chị hỏi lại thì người phụ nữ này nói rằng đó là sổ đỏ của một căn nhà ở quận Bình Tân (TP.HCM). Hôm nay bà ta đến đây mong chị Hồng cho vay 200 triệu đồng. Để làm tin, bà ta sẽ ký bàn giao lại sổ đỏ. Lúc này, chị Hồng cảm giác như đang bị thôi miên, đầu cứ gật gù, không nói được lời nào. Còn người phụ nữ ấy thì cứ giải thích, đưa ra các kiến nghị liên quan đến tiền bạc.
Bà ta nói rằng, cách đây không lâu bà ta có đầu tư 500 triệu để kinh doanh. Vì bị em họ lừa gạt mất, nên bây giờ bà ta rơi vào cảnh túng thiếu. Nghe tin chị Hồng nhận lại được tiền 5 triệu yên, bà ta muốn vay chị 200 triệu. Sau 3 tháng, bà ta sẽ quay lại trả đủ số vốn kèm theo một khoản tiền lãi gấp đôi so với gửi ngân hàng.
Chị Hồng như tin vào điều đó, đầu cứ ngẩn ngơ, định đứng dậy để đi tìm người thân mượn tiền cho đủ 200 triệu đưa cho người đàn bà này. May thay, chị họ của chị Hồng vừa đi buôn ve chai trở về. Thấy có người phụ nữ lạ ở nhà trọ, trong khi đó Hồng có biểu hiện lạ nên người chị họ từ xa í ới nói to để chen ngang câu chuyện: “Cô là ai, cô tìm em gái tôi có việc gì?”. Người phụ nữ lạ mặt giật nảy người, lắp bắp. Rồi sau đó, bà ta giải thích lại mọi việc cho chị họ của chị Hồng nghe. Thấy lời nói không có sức thuyết phục, người chị họ kéo chị Hồng vào nhà rồi giải thích với bà ta: “Em tui, con Hồng nó chưa nhận tiền mà. Nếu nó nhận, nó sẽ mang tiền đi từ thiện rồi sửa 2 căn nhà ở quê. Số còn lại cho những chị em trong nhà trọ vay một ít để chăm lo gia đình. Không có số tiền lớn để chị mượn đâu”.
Thế nhưng người phụ nữ lạ không chịu ra về mà tìm cách tiến đến gần, dùng bàn tay cố gắng tiếp xúc lên cơ thể cả 2 người phụ nữ ve chai. Thấy chuyện không ổn, người chị họ vội hét lớn lên để mọi người xung quanh nghe thấy. Lúc này, anh Trịnh Minh Vương (37 tuổi, chồng chị Hồng) đang đi chơi gần đó nghe thấy liền chạy về nhà. Do nóng tính, anh đã quát đuổi người phụ nữ lạ mặt ra khỏi nhà. “Đồ lừa đảo, bà đi đi” - anh Vương to giọng. Nhưng người này cũng không chịu rời đi, bà ta phản pháo lại: “Tui mà lừa đảo ư, tui xin lấy cả thanh danh của mình ra để cá cược”. Rồi bà ta lại dịu giọng thương lượng: “Nếu không có 200 triệu thì bây giờ cho tôi mượn đỡ 100 triệu cũng được. Thật sự tôi rất cần tiền”. Sau hơn 10 phút thấy không thể thuyết phục được vợ chồng chị Hồng cùng người chị họ, bà ta mới bỏ đi. Lúc này, chị Hồng mới tỉnh táo hơn. Chị lấy điện thoại trong túi quần ra chụp hình biển số xe của bà ta nhưng tay vẫn còn run run không thể ghi hình được.
Tối cùng ngày, tiếp xúc với phóng viên, chị Hồng bày tỏ sự lo lắng vì mấy ngày qua có nhiều trường hợp tìm đến nhà chị để xin tiền, làm các chiêu trò thủ thuật gây mê, lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản của chị. Trong khoảng thời gian bà Phạm Thị Ngọt (ngụ huyện Hóc Môn, người cho rằng số tiền 5 triệu yên là của chồng mình) xuất hiện, còn có gần 20 người khác đến nhà chị Hồng tìm mọi cách để năn nỉ, xin tiền, nhưng chỉ dừng ở con số dưới 10 triệu đồng.
“Ông giám đốc công ty đa cấp” muốn đưa 5 triệu tiền Việt đổi lấy 5 triệu yên Nhật
Trước đó, cuối tháng 4.2015, chị Hồng thường xuyên bị một người đàn ông tự xưng tên L.T.T, là giám đốc của một công ty giải pháp doanh nghiệp có trụ sở ở Hà Nội gọi điện thoại dụ dỗ. Người này mong chị Hồng hãy đưa cho ông toàn bộ số tiền 5 triệu yên. Qua điện thoại, ông này giải thích lý do chị Hồng phải đưa tiền là: “Chủ nhân thực sự của số tiền có thể là một người làm ăn ở Nhật, tích góp tiền Nhật và mang về Việt Nam. Song, đó là những đồng yên do nước Nhật Bản sản xuất ra. Do đó, nếu không tìm được chủ nhân thực sự của số tiền, chúng ta hãy trả lại cho đất nước đã sản xuất ra số tiền này. Điều này sẽ giúp cho người Nhật Bản, đất nước Nhật Bản, hay rộng hơn là thế giới sẽ nhìn nhận đầy đủ hơn về con người Việt Nam, đất nước Việt Nam”.
Ngày hôm sau, ông ta cử một người khác tìm đến nhà chị Hồng đưa cho 5 triệu đồng kèm theo một bức thư dài 3 mặt giấy. Trong đó nêu, muốn gửi ít tiền để san sẻ khó khăn ban đầu với chị Hồng. Trong thư, ông ta hứa ông ta và bạn bè sẽ hỗ trợ số vốn lớn để chị Hồng làm ăn, đầu tư làm giàu. Thấy bộ dạng người đưa thư có vẻ không tử tế, ánh mắt không thật thà nên chị Hồng không đồng ý nhận tiền, chỉ giữ lại bức thư mà người đàn ông tên L.T.T gửi đến. Sau hôm đó, ông L.T.T còn nhiều lần gọi điện thoại, nhắn tin yêu cầu chị Hồng đưa tiền cho ông.
Phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu sự thật về người đàn ông này. Liên hệ với địa chỉ công ty do ông này cung cấp có trụ sở ở Hà Nội, chúng tôi phát hiện thực tế đây là một công ty không có thật. Qua nhiều lần kiểm tra số điện thoại mà ông này hay liên hệ với chị Hồng, chúng tôi còn phát hiện ra tên thật của ông này là Tâm, hiện tạm trú tại quận 6, TP.HCM. Ông Tâm từng tham gia mạng lưới của một số công ty đa cấp. Sẵn tài ăn nói, Tâm thường sử dụng lời ngon tiếng ngọt để dụ một số “con mồi” có tiền, hòng mục đích chiếm đoạt tài sản. Tâm thường thay đổi số điện thoại, chỗ ở liên tục. Mỗi khi tiếp xúc với “con mồi”, gã hay thuê một số đối tượng khác gặp mặt trực tiếp, còn gã thì điều binh, khiển tướng qua điện thoại.
Yên Phú – An Nhiên/ Tuổi trẻ Đời sống

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
4 phút trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tỷ phú ve chai bị 'giám đốc' từng kinh doanh đa cấp dụ dỗ lửa đảo