Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại Facebook dài 2 giờ giữa các lãnh đạo Nga, Pháp, Đức và Ukraine vào tối 24.7, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin hãy ngưng cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở đông Ukraine.

Ukraine kêu gọi Putin ngưng cấp vũ khí cho quân nổi dậy

Trần Trí | 25/07/2017, 15:08

Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại Facebook dài 2 giờ giữa các lãnh đạo Nga, Pháp, Đức và Ukraine vào tối 24.7, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin hãy ngưng cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở đông Ukraine.

Ông Poroshenko cũng nhấn mạnh đã có cuộc triển khai quân gìn giữ hòa bình LHQ đến những vùng chiến sự gần biên giới Nga.

Tổng thống Poroshenko mô tả cuộc chiến trong những ngày cuối tháng 7 là đẫm máu nhất trong năm nay.Dù có thỏa thuận ngưng bắn giữa quân Ukraine với quân nổi dậy, chiến sự vẫn nghiêm trọng, hơn 20 quân nhân Ukraine chết trong 4 tuần qua.

Sau cuộc nói chuyện, trong một tuyên bố, ông Poroshenko nói ông đã yêu cầu Nga “lập tức ngưng những hành động hung hăng và ngưng cung cấp vũ khí cho những vùng mà quân nổi dậy chiếm đóng”.

Ukraine và các đồng minh phương tây đều cáo buộc Nga đưa quân và vũ khí đến chống lưng quân nổi dậy, nhưng Nga tiếp tục phủ nhận các chứng cứ về vai trò của Nga ở cuộc nội chiến Ukraine.

Trong một tuyên bố, Điện Kremlin nói Tổng thống Putin “đã vạch đường lối Nga một cách chi tiết về những điểm chính trong thỏa thuận ngưng bắn”.

Chính phủ Đức khẳng định các lãnh đạo đã đồng ý quan tâm số 1 là rút quân và vũ khí hạng nặng khỏi một số vùng ở đông Ukraine.Berlin nhấn mạnh: Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc đẩy các biện pháp hỗ tương, trao đổi tù binh vào cuối năm nay và tái lập quan hệ kinh tế.

Hồi tháng 2.2015, 4 vị lãnh đạo Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã đạt được thỏa thuận ngưng bắn giữa quân đội Ukraine với quân nổi dậy. Thỏa thuận này có Pháp-Đức-Nga làm trung gian, tiếp sau cuộc nội chiến ở đông Ukraine từ tháng 4.2014 mà cho đến nay đã có 10.000 người chết.

Thỏa thuận ngưng bắn không chặn được những cuộc giao chiến ở miền Đông Ukraine, dù các bên liên quan đều xem đây là cách duy nhất để chấm dứt nội chiến Ukraine.

Tuần trước, thủ lĩnh ly khai Alexander Zakharchenko nói ông muốn lập một quốc gia mới có tên Tiểu Nga (Malorossiya) gồm toàn Ukraine chứ không chỉ là những khu vực mà quân nổi dậy đang kiểm soát ở miền Đông nước này.

Dù xem ra ý tưởng này đã phá sản vì không được Nga chú ý, nó vẫn phủ bóng đen về triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Tổng thống Pháp Macron lần đầu tiên liên quan nội chiến Ukraine, đã cùng Thủ tướng Đức Merkel phản đối ý tưởng lập Tiểu Nga, theo văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết.

Tại hội nghị thượng đỉnh G-20, bà Merkel cùng các ông Macron và Putin đã nói chuyện về cuộc nội chiến Ukraine.

Trong khi đó, tại một hội thảo quân sự ngày 23.7, ông Viktor Muzhenko, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine nói Ukraine đã ghi nhận những động thái mới ở phía biên giới Nga: “Sự tăng triển khai vũ khí và phương tiện quân sự cho thấy các tiểu đoàn Nga có ý đồ thực hiện những cuộc tấn công nhanh”.

Ông Muzhenko nói rõ có 3 tiểu đoàn cơ động, gồm 2 tiểu đoàn đã đặt bộ chỉ huy ở vùng Donbass tan hoang vì chiến tranh, và 1 tiểu đoàn ở gần Smolensk.

Khi được đề nghị xác nhận có chăng những cuộc triển khai quân gần biên giới Ukraine, người phát ngôn Dmitry Peskov của ông Putin phủ nhận. Ông nói với hãng thông tấn TASS hôm 24.7: “Liên bang Nga có quyền tự do thay đổi cơ cấu quân đội ở các khu vực. Về những vấn đề này, chúng tôi chuyển câu hỏi này cho Bộ Quốc phòng trả lời”.

Theo Newsweek, Nga chính thức bác bỏ sự ủng hộ quân nổi dậy ở Donbass, nhưng không giải thích chi tiết các tay súng nổi dậy lấy đâu ra quân và vũ khí để có thể cầm chân quân đội Ukraine suốt 3 năm qua.

Ngày 24.7, Đặc sứ Mỹ Kurt Volker đã đổ cho Nga phải chịu trách nhiệm gây ‘chiến tranh nóng’ ở đông Ukraine.

Cùng ngày, hai tàu chiến NATO cập cảng Odessa (Ukraine) và mời dân địa phương tham quan, như một cách khối liên minh quân sự này ủng hộ Ukraine gia nhập NATO.

Tàu chiến Duncan của hải quân hoàng gia Anh và tàu hộ tống Yildirim của Thổ Nhĩ Kỳ đến Odessa bên Biển Đen để thực hiện chuyến thăm 3 ngày, sau khi tham gia một cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu. Nga đã liên tục phản đối những lực lượng ngoài khu vực đi vào Biển Đen, nhất là nếu đó là tàu chiến hải quân Mỹ.

Trung Trực (theo Newsweek)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ukraine kêu gọi Putin ngưng cấp vũ khí cho quân nổi dậy