Bà Sarah Grimmer, Tổng thư ký Trung tâm trọng tài kinh tế quốc tế Hồng Kông (HKIAC), cảnh báo thời gian tới sẽ nổ ra nhiều xung đột liên quan đến các dự án trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Theo Grimmer, thời gian để xung đột bùng nổ đã chín muồi vì các hợp đồng đến kỳ hạn.
Bà phân tích: “Thông thường, chúng ta thấy thỏa thuận được ký kết trong vòng một năm rồi 2-5 năm, sau đó sẽ có xung đột. Vì vậy tôi dự đoán chúng ta sẽ bắt đầu thấy BRI xuất hiện xung đột, vào 5-10 năm tới thì sẽ có nhiều hơn và tiếp diễn sau đó. Tôi nghĩ ta vừa mới ở giai đoạn xung đột đầu”.
Kế hoạch tham vọng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra bao trùm hơn 65 quốc gia ở các châu lục, chiếm 30% GDP toàn cầu, hơn 60% dân số thế giới. Ước tính kinh phí cho những dự án trong khuôn khổ BRI vào khoảng 1 nghìn tỉ- 8 nghìn tỉUSD. Mặc dù cơ sở hạ tầng là trụ cột nhưng sáng kiến này còn mở rộng sang thương mại, giao thông và thậm chí là trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân.
Tháng 10.2018 đánh dấu BRI tròn “5 tuổi”. Sáng kiến thời gian qua gặp phải không ít khó khăn, từ hủy hợp đồng cho đến tái đánh giá chi phí, đôi khi do những thay đổi trong chính phủ các nước tham gia.
Ví dụ tiêu biểu là Malaysia, với tân Thủ tướng Mahathir Mohamad vừa cho hủy bỏ một vài dự án lớn. Đồng minh của Bắc Kinh là Pakistan cũng tuyên bố xem xét lại và tái đàm phán chi phí của dự án thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC, một phần của BRI).
Tại Đông Nam Á, Myanmar đã cho cắt giảm mạnh chi phí bỏ ra cho dự án cảng nước sâu Kyaukpyu được Trung Quốc hậu thuẫn.
Bà Grimmer cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải hứng chịu thiệt hại không mong muốn về tài chính rất lớn.
Theo số liệu của HKIAC, số vụ nhờ đến trọng tài kinh tế mà bên tranh chấp đến từ nước tham gia BRI trong năm ngoái là 127, trong khi năm 2016 chỉ có 70 vụ. Số vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp Trung Quốc với bên tham gia BRI khác cũng tăng từ 12 (2016) lên 38 (2017).
Doanh nghiệp Trung Quốc thường là bị đơn, nhưng vài năm gần đây số lượng nguyên đơn là đơn vị Trung Quốc lại tăng, mặc dù rất khó xác định có bao nhiêu vụ là do BRI.
Cẩm Bình (theo SCMP)