Nhà thiên văn học Bill Gray đính chính rằng vật thể sắp đâm vào vùng tối của Mặt trăng là mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 3C của Trung Quốc chứ không phải tên lửa SapceX Falcon 9.
Bài liên quan: Tên lửa SpaceX sắp đâm vào Mặt trăng sau 7 năm trôi nổi trong không gian
Bill Gray, nhà thiên văn học phát hiện vụ va chạm sắp tới, tuyên bố hôm 12.2 rằng ông đã nhầm lẫn khi nhận dạng vật thể sắp đâm vào Mặt trăng là tầng thứ hai của tên lửa SpaceX Falcon 9. Tên lửa này đã giúp đưa vệ tinh Đài quan sát Khí hậu không gian sâu NOAA (DSCOVR) lên quỹ đạo vào năm 2015.
Thay vào đó, Gray cho biết mảnh vỡ này có thể thuộc tên lửa Trường Chinh 3 C phóng trong nhiệm vụ Hằng Nga 5 T1 vào tháng 10.2014. Tàu vũ trụ này là bản tiền nhiệm của tàu Hằng Nga 5 thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu vật Mặt trăng vào năm 2020.
Nhà thiên văn học Bill Gray là người quản lý phần mềm “Project Pluto” sử dụng để theo dõi các vật thể gần Trái đất. Gray đăng thông báo điều chỉnh trên trang web của mình hôm 12.2 sau khi nhận được thư của Jon Giorgini, kỹ sư ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA.
Trong thư, Giorgini giải thích rằng quỹ đạo của tàu vũ trụ DSCOVR không quá gần với Mặt trăng. Do đó sẽ hơi kỳ lạ nếu tầng thứ hai của tên lửa Falcon 9 trôi trong không gian đủ gần để va chạm với Mặt trăng.
Tuy nhiên, Bill Gray cho biết bất kể tầng thứ hai của tên lửa có nguồn gốc từ đâu, nó vẫn sẽ đâm vào vùng tối của Mặt trăng vào ngày 4.3 và vụ va chạm không thể quan sát từ Trái đất. Ông cũng giải thích trên trang web của mình lý do nhầm lẫn khi nhận dạng tên lửa.
“Nhận được email của Jon, tôi đã vào những email lưu trữ của mình để kiểm tra tại sao từ đầu xác định tầng hai tên lửa là của Falcon 9”, Gray viết trong bản cập nhật trên trang web.
Gray sử dụng dữ liệu từ dự án Catalina Sky Survey chuyên theo dõi vật thể gần Trái đất. Catalina phát hiện một vật thể khoảng một tháng sau khi phóng DSCOVR, đặt số hiệu cho nó WE0913A và ban đầu kết luận đó là một vật thể tự nhiên.
“Ngay sau đó, một nhà thiên văn học ở Brazil đã ghi nhận rằng vật thể này quay quanh Trái đất chứ không phải Mặt trời, nên đó phải là vật thể nhân tạo. Sau một số cuộc trò chuyện với nhà thiên văn học này, tôi và các nhà nghiên cứu khác phát hiện ra rằng WE0913A đã đi qua Mặt trăng hai ngày sau khi phóng DSCOVR”, Gray cho biết.
“Tôi và những người khác đã xác định đó là tầng thứ hai của tên lửa Falcon 9 do vật thể có độ sáng như dự kiến, xuất hiện ở thời gian phù hợp và di chuyển theo quỹ đạo hợp lý. Tôi lẽ ra phải nhận thấy một số điều kỳ lạ về quỹ đạo của WE0913A. Giả sử không có sự tác động nào, nó sẽ ở trong một quỹ đạo hơi kỳ quặc quanh Trái đất trước khi bay qua Mặt trăng”, Gray nói thêm.
Tuy nhiên, sau khi nhận thư từ Giorgini, Gray tìm kiếm ghi chép về vật thể phóng trước tháng 3.2015 ở quỹ đạo cao ngang qua Mặt trăng mà rất ít tàu vũ trụ đạt được. Điều đó khiến ông rút ra kết luận về Hằng Nga 5 T1 với bằng chứng dựa trên quỹ đạo dự kiến theo thời gian của tàu.