Ngày 13.10, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam đã ký kết hiệp định vay trị giá 231,3 triệu USD nhằm tăng cường lưới truyền tải điện ở miền Nam Việt Nam. Đây là khoản vay thứ ba trong Chương trình Đầu tư lưới truyền tải điện có thời hạn 10 năm, được ADB phê duyệt vào năm 2011.
Trước nay, miền Nam luôn phải nhận điện từ miền Bắc và miền Trung với nhu cầu khoảng 15 tỉ kWh năm 2017 và dự kiến tăng tới 21 tỉ kWh vào năm 2019. Tuy nhiên, năng lực truyền tải điện vào miền Nam chỉ đạt 18,5 tỉ kWh/năm. Chưa kể việctổn thất điện năng khá lớndo lưới điện truyền tải chưa đáp ứng tiêu chí n-1 nên khi xảy ra sự cố hoặc cắt điện sửa chữa hay phụ tải tăng đột biến dẫn đến quá tải thiết bị liên quan.
Trong khi đó, nhiều dự án điện đã được triển khai tại khu vực miền Nam với mục tiêu có nguồn cung ngay tại chỗ lại chậm tiến độ, nhất là 2 dự án Nhiệt điện Long Phú 1 và Nhiệt điện Sông Hậu 1 (cùng có công suất 1.200 MW). Như vậy, nguy cơ thiếu điện ngay trong năm 2017 của khu vực miền Nam khá rõ rệt.
Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB), trong năm 2016 cần phải hoàn thành 12 công trình (405 km đường dây, công suất trạm 2.400 MVA), trong khi hiện nay đã đóng điện 7 công trình, còn 5 công trình phải xong từ nay đến cuối năm. Sau khi hoàn thành đóng điện trong quý 3.2016 kỳ vọngsẽ giúp thay thế hệ thống đường dây hiện có đã vận hành hơn 20 năm, qua đó nâng cao hơn khả năng truyền tải, liên kết của hệ thống điện trong khu vực và tăng cường độ tin cậy cung cấp điện cho vùng Tây Nam Bộ.
Trước tình hình đó, ngày 13.10, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam đã ký kết hiệp định vay trị giá 231,3 triệu USD nhằm tăng cường lưới truyền tải điện ở miền Nam Việt Nam. Đây là khoản vay thứ ba trong Chương trình Đầu tư lưới truyền tải điện có thời hạn 10 năm, được ADB phê duyệt vào năm 2011.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ngân hàng ADB Việt Nam phát biểu: 'Nguồn cung điện không đủ là một trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các nhóm khách hàng, nhất là các hộ gia đình nghèo ở nông thôn và vùng khó khăn. Chương trình đầu tư của ADB sẽ giúp Chính phủ giải quyết kịp thời những nút thắt này bằng cách tăng công suất của lưới truyền tải điện để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ'.
Theo đó, dự án 3 này sẽ bổ sung 60km đường dây 500kV, 64km đường dây 220kV và 3.700 MVA công suất truyền tải tại miền Nam, bổ sung thêm vào công suất truyền tải đã được tăng cường ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam thông qua các dự án 1 và 2 trước đây. Công suất truyền tải gia tăng sẽ cho phép truyền tải điện năng từ cụm nhà máy điện ở khu vực Tây Nam Việt Nam vào lưới điện quốc gia, tăng độ tin cậy và tính ổn định của nguồn cung điện cho các trung tâm kinh tế lớn ở miền Nam.
Dự án cuối cùng - khoản vay 4 - đang được chuẩn bị và dự kiến sẽ được phê duyệt trong năm 2017 cũng sẽ tập trung vào đường dây truyền tải 500kV và các trạm biến áp ở khu vực phía Nam.
Tính cả Chương trình đầu tư này, ADB đã hỗ trợ Việt Nam phát triển các hệ thống truyền tải điện trên khắp cả nước với tổng cộng khoảng 1.200km đường dây 500kV và 670km đường dây 220kV, cùng các trạm biến áp 220/500kV với tổng công suất khoảng 10.000 MVA. ADB cũng hỗ trợ xây dựng năng lực quản lý dự án cho Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia.
'Chương trình đầu tư này còn mang đến các công nghệ tiên tiến và mới nhất để nâng cấp lưới truyền tải điện theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó làm giảm thất thoát trong quá trình truyền tải góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu', ông Eric Sidgwick nói thêm.
Khi hoàn thành vào năm 2020, Chương trình Đầu tư lưới điện truyền tải của ADB được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam xóa bỏ những nút thắt chính của các hệ thống truyền tải điện ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam, thúc đẩy hiệu năng sử dụng các nhà máy điện hiện thời và đang được quy hoạch, và gia tăng nguồn điện sẵn có trên khắp đất nước để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế nhanh.
Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020 sẽ hoàn thành xây dựng mới và cải tạo 56 công trình lưới điện truyền tải 500kV với tổng chiều dài đường dây khoảng 2.596km và tổng dung lượng TBA khoảng 21.900MVA; 264 công trình lưới điện truyền tải 220kV với tổng chiều dài đường dây khoảng hơn 6.700 km và tổng dung lượng TBA khoảng 33.700MVA.
Theo đó, tổng vốn đầu tư xây mới, cải tạo, nâng công suất các công trình lưới điện truyền tải 500-220kV ước tính là 86.620 tỉ đồng trong giai đoạn này.
Hoàng Long