Nỗi lo của người nông dân cũng như cơ quan quản lý trong bối cảnh Việt Nam mở cửa, tham gia các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA là làm thế nào để các mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam có thể xuất bán thành công trên thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU...

Vì sao các nước cứ khen nông sản Việt ngon nhưng không mua?

02/07/2019, 15:50

Nỗi lo của người nông dân cũng như cơ quan quản lý trong bối cảnh Việt Nam mở cửa, tham gia các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA là làm thế nào để các mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam có thể xuất bán thành công trên thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU...

Bên cạnh những mặt hàng nông sản Việt chiếm vị thế cao trên thế giới, vẫn còn nhiều mặt hàng nông sản mà Việt Nam có chất lượng tốt nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc xuất khẩu - Ảnh: Internet

Hiện nay, người nông dân gặp khó khăn từ quy trình sản xuất, chế biến cho đến đầu ra. Tại Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” ngày 2.7, bà Lê Thị Thà - nông dân tỉnh Quảng Ninh lo lắng cho biết bà đang có 1 diện tích trồng na rất lớn nhưng chưa xuất được đi đâu, bán trong nước thì bị ép nên giá không cao. Vậy làm cách nào để quả na có thể xuất khẩu lại giá trị gia tăng lớn, vừa ổn định cuộc sống cho người nông dân?

Việc gia nhập CPTPP và EVFTA sẽ đòi hỏi cao hơn về chi phí đầu tư cho công nghệ. Trong khi đó, vấn đề của nông dân ngoài trình độ còn có sự hạn chế lớn ở nguồn vốn. Vậy thì Nhà nước sẽ làm gì để hỗ trợ cho người nông dân trong vấn đề này?

Bà Đặng Thị Dịu - đại diện một doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản lo ngại nói hiện có 2ha nuôi tôm công nghiệp, trong khi các hiệp hội ở Móng Cái có khoảng 100ha. Nhưng giá tôm thay đổi nên không giữ được giá khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là năm 2019, tôm bị mất giá, giảm đi khoảng 1/3 giá so với giá tôm hàng năm.

Theo đó, bà Dịu đặt câu hỏi: Nuôi trồng thủy sản hiện giá rất rẻ, không xuất khẩu được. Vậy khi tham gia CPTPP, liệu có xuất khẩu ra nước ngoài được không? Bên cạnh đó, khi tham gia CPTPP, áp lực cạnh tranh lớn với các nước có thế mạnh về khoa học, công nghệ, tài nguyên, cơ quan chức năng Việt Nam có thể hỗ trợ cho việc xuất khẩu tôm ra nước ngoài không?

"Tôi đã xuất khẩu qua Trung Quốc được khoảng 15 tấn tôm và thị trường nội địa nhưng giá tôm rất rẻ. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng đưa được ngành tôm vào CPTPP", bà Dịu bày tỏ hy vọng.

Giải đáp một phần thắc mắc của nông dân, ông Hong Sun - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam trước hết dành lời khen với sự phát triển mạnh mẽ cho ngành nông lâm thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hong nhấn mạnh: Để tìm một đối tác phù hợp ở Việt Nam vô cùng khó.

Ông giải thích: "Mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế nông lâm thủy sản nhưng lại không thể đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của chúng tôi nếu muốn hợp tác làm ăn. Đơn giản như muốn tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp, các đối tác cũng rất khó do các bạn chưa có cách làm bài bản, chuyên nghiệp".

Ngoài ra, Việt Nam có rất nhiều nông sản nhưng chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Ví dụ: Thanh long Việt nam rất ngon nhưng lại không bảo quản được lâu, hay chuối có dán tem, ngon hơn rất nhiều so với chuối Hàn Quốc nhưng khách hàng quốc tế vẫn không tin tưởng vì không có thương hiệu, mặc dù Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia kể cả Hàn Quốc.

Qua đó, ông Hong cho rằng nông dân cũng như doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư mạnh vào ngành công nghệ chế biến để cho ra đời những sản phẩm tươi, bảo quan được lâu hơn. Bên cạnh đó là tạo một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho tất cả các nhà đầu tư. Và quan trọng nhất là phải giữ được uy tín khi hợp tác làm ăn với các thương nhân nước ngoài.

Trước những nỗi lo của nông dân, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết tại các địa phương, hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường được các sở công thương tập trung đẩy mạnh triển khai.

Các sở công thương đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp triển khai bán hàng thông qua các hệ thống bán lẻ, cửa hàng tiện ích, tổ chức các chuyến hàng bình ổn giá, đẩy mạnh việc lồng ghép bán hàng Việt trong các điểm bán hàng bình ổn, tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và nhà kinh doanh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…

Bà Nga dẫn báo cáo của 56 sở công thương cho biết, trong giai đoạn 2009 - 2019, các sở này đã tổ chức hơn 1.000 hội nghị kết nối cung cầu các cấp, từ đó kết nối hàng hóa từ các vùng miền tại tỉnh, thành này đến các địa phương khác, tăng cường sự lưu thông hàng hóa xuyên suốt cả nước.

Điển hình là thành phố Hà Nội, đã phối hợp tổ chức thực hiện trên 80 cuộc giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố… Hỗ trợ doanh nghiệp 46 tỉnh, thành phố đưa hàng hóa (chè, cà phê, gia vị, trái cây: chanh leo, thanh long, dừa, bơ…) vào các hệ thống phân phối nước ngoài như Aeon - Nhật, Central Group - Thái Lan, Lotte - Hàn Quốc, chợ đầu mối Rungis - Pháp...

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, trở thành cầu nối để các doanh nghiệp giữa các tỉnh, thành tiếp xúc, trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ, hỗ trợ các địa phương phương thức đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar...

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao các nước cứ khen nông sản Việt ngon nhưng không mua?