Việc so sánh với đội tuyển nữ hay chê bai vì 1 trận thua là bất công và chưa thỏa đáng lắm với các cầu thủ trẻ U.22 Việt Nam.

Vì sao tuyển bóng đá nữ Việt Nam thành công tại SEA Games 32 còn U.22 nam thì không?

Đặng Hoàng | 16/05/2023, 10:25

Việc so sánh với đội tuyển nữ hay chê bai vì 1 trận thua là bất công và chưa thỏa đáng lắm với các cầu thủ trẻ U.22 Việt Nam.

1.jpg
Hình ảnh tương phản của bóng đá nam và nữ tại SEA Games 32

Các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam vừa làm nức lòng người hâm mộ bằng chiến thắng 2-0 trước Myanmar trong trận chung kết SEA Games 32 để lần thứ 4 liên tiếp giành HCV tại đại hội thể thao khu vực.

Sau lần đầu tiên góp mặt tại SEA Games năm 1997 và giành HCĐ thì toàn bộ các giải sau đó, bóng đá nữ Việt Nam đều lọt vào trận chung kết. Cụ thể hơn, trong 10 trận chung kết từ năm 2001 đến nay (giải 2011 không tổ chức bóng đá nữ) thì tuyển nữ Việt Nam đã giành đến 8 tấm HCV. Riêng lần này, thành công của bóng đá nữ được người hâm mộ ca ngợi nhiều hơn cả cũng do trận thua trước đó của đội U.22.

Các cầu thủ U.22 lần này được kỳ vọng rất nhiều sau vòng bảng nhưng lại gây thất vọng lớn khi để thua Indonesia chỉ có 10 người trong trận bán kết. Càng kỳ vọng nhiều thì thất vọng càng lớn và năng lượng, tình yêu bóng đá của người hâm mộ đã chuyển qua cho chị em. Nhiều ý kiến trên mạng xã hội đã so sánh, chê bai thành tích của U.22 Việt Nam khi đặt cạnh thành công của tuyển nữ. Điều này khá giống với phản ứng dư luận trước thành tích của 2 đội điền kinh nam và nữ tại SEA Games lần này.

Điều trùng hợp nữa là một ngày sau khi tuyển nữ Việt Nam đánh bại Myanmar để giành HCV thì các cầu thủ U.22 nam của chúng ta cũng sẽ ra sân gặp U.22 Myanmar. Nhưng lần này nó khác lắm vì là tranh HCĐ, trận đấu dạng an ủi mà người hâm mộ từ lâu đã không muốn xem.

Tuy nhiên, việc so sánh với đội tuyển nữ hay chê bai vì 1 trận thua là bất công và chưa thỏa đáng lắm với các cầu thủ trẻ U.22 Việt Nam. Trước hết, phải khẳng định tuyển nữ hiện giờ của chúng ta đã ở tầm của châu lục, giành được vé dự World Cup. Đây là một đội bóng, một tập thể ổn định từ HLV đến cầu thủ trong nhiều năm qua.

HLV Mai Đức Chung đã xây dựng được một đội bóng đoàn kết như gia đình ở ngoài sân, chiến thuật đấu pháp nhuần nhuyễn trong sân. Nếu nhìn vào đội hình giành HCV SEA Games 2017 cho đến tấm HCV SEA Games lần này thì ta nhận ra rất nhiều gương mặt quen thuộc như Huỳnh Như, Tuyết Dung, Hải Yến, Bích Thùy… Một đội bóng thường thắng như thế mà không đoạt HCV SEA Games mới là lạ.

Còn tuyển U.22 lần này thật sự không phải là một tập thể có thâm niên chơi bóng cùng nhau. Tuy rằng những cái tên như Quan Văn Chuẩn, Vũ Tiến Long, Lê Văn Đô hay Huỳnh Công Đến từng góp mặt trong đội hình đoạt HCV năm ngoái nhưng họ không phải nhân tố chính. Tấm HCV SEA Games 31 là thành quả thấm đẫm mồ hôi của Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Hoàng Đức hay Nguyễn Tiến Linh - những trụ cột đội tuyển quốc gia.

Đội hình của U.22 lần này không có ai được đá chính ở đội tuyển quốc gia cả. Thậm chí, những cầu thủ được chơi tại V-League đếm trên đầu ngón tay và số trận ra sân của họ rất hiếm. Cầu thủ có thâm niên nhất đá V-League ở lứa này là Bùi Vỹ Hào lại bị HLV Philippe Troussier gạch tên vào giờ chót. Cũng rất đáng tiếc cho quyết định này vì nếu có tiền đạo của Bình Dương thì trận đấu với Indonesia có thể dễ ghi bàn hơn, nhất là sau khi Nguyễn Quốc Việt bị chấn thương.

Nguyễn Văn Trường hay Khuất Văn Khang là những cầu thủ được ca ngợi nhiều trong thời gian gần đây nhưng họ chỉ là cầu thủ của đội U.20. Và nhìn chung thì đội U.22 dự SEA Games lần này có quá nhiều cầu thủ trẻ, thời gian chơi cùng nhau không nhiều, kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao còn hạn chế.

Sẽ có người nói thì các đội khác cũng vậy chứ sao? Không hoàn toàn như vậy. Lấy Indonesia vừa may mắn thắng Việt Nam là ví dụ, đây là đội bóng được tập hợp có thâm niên và chơi bên nhau khá lâu với những xương sống trong đội hình.

Đội trưởng Rizky Ridho đã 2 mùa chơi chính tại giải Ngoại hạng Indonesia và là trụ cột ở cả tuyển U.23 lẫn tuyển quốc gia. Rizky Ridho đã có 21 lần khoác áo tuyển Indonesia và 16 lần khoác áo tuyển U.23. Đội phó Witan Sulaeman còn “khủng” hơn khi khoác áo U.23 từ 4 năm trước, thi đấu 27 trận ghi 7 bàn. Đồng thời, Sulaeman là tuyển thủ quốc gia với 28 lần ra sân và ghi 8 bàn. Hậu vệ Alfeandra Dewangga có 4 năm thi đấu tại giải Ngoại hạng Indonesia cùng 15 lần khoác áo tuyển U.23, 14 lần khoác áo đội tuyển quốc gia.

Theo lộ trình mà LĐBĐ Indonesia quy hoạch thì họ có một lứa trẻ sẵn sàng cho giải U.20 thế giới tổ chức trên sân nhà (nhưng đã bị tước quyền đăng cai và chuyển cho Argentina). Do vậy, đây chính là lứa cầu thủ chín nhất mà bóng đá Indonesia có được và họ cũng chẳng thể chơi lấn lướt trước U.22 Việt Nam. Còn chuyện may rủi trong bóng đá hay cú hụt chân ở làng túc cầu vốn là thứ quá phổ biến.

Hãy nhớ lại SEA Games năm 2007, thế hệ của Nguyễn Công Phượng, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang Hải, Văn Thanh, Văn Toàn, Duy Mạnh, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đình Trọng, Đức Chinh… đã thảm bại tại SEA Games với trận thua tan tác 0-3 trước Thái Lan và không vượt nổi vòng bảng. Nhưng một năm sau thì thế hệ này đã tạo ra kỳ tích Thường Châu, thống trị bóng đá Đông Nam Á và có thành tích đáng nể ở tầm châu lục.

Do vậy, hãy cổ vũ, đồng hành với các cầu thủ trẻ trong lúc chúng ta ca ngợi tôn vinh các cầu thủ nữ. Đừng nên khi thắng thì tâng lên mây rồi khi thua thì ném đá không thương tiếc!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
22 phút trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao tuyển bóng đá nữ Việt Nam thành công tại SEA Games 32 còn U.22 nam thì không?